Hạn chế biến đổi khí hậu: Đa dạng sinh kế cho vùng cao

Phi Hùng 23/07/2016 11:00

Hiện tượng El Nino đã gây ra hạn hán nghiêm trọng tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ với thiệt hại 312 triệu USD. Ở Trung Bộ, những năm có La Nina, số lượng trận lũ tăng 1,4 lần, hạn hán thường xảy ra nghiêm trọng. 

Ưu tiên triển khai các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu cấp quốc gia cho vùng miền núi.

Tại hội thảo liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nhận định: 73% dân số, chủ yếu là người nghèo (liên quan đến 6 lĩnh vực chính trong ngành NN&PTNT là: Nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản thuỷ lợi và phát triển nông), là đối tượng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhiều nhất.

Cụ thể, tổng sản lượng sản xuất từ trồng trọt có thể giảm 1-5%, năng suất cây trồng chính có thể giảm đến 10%, trường hợp thời tiết cực đoan có thể mất mùa hoàn toàn; có tới 80-90% dân số Việt Nam chịu ảnh hưởng của bão và nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc phải hứng chịu các thiên tai khách quan như mưa đá, hạn hán, lũ lụt...

Việt Nam có lịch sử lâu dài đối phó với thiên tai và có nhiều biện pháp ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, BĐKH khiến nhiệt độ trung bình năm tăng, mực nước biển dâng cao, lượng mưa tăng vào mùa mưa gây nên lũ lớn đặc biệt và giảm vào mùa khô gây nên hạn hán, tần suất thiên tai ngày càng cao đã gây nhiều thiệt hại cho nhiều vùng ở Việt Nam.

Các vùng ven biển Việt Nam có dân số khoảng 18 triệu người, chiếm gần ¼ dân số cả nước trong đó diện tích đất sử dụng chỉ chiếm 16% tổng diện tích cả nước. 58% dân cư vùng ven biển chủ yếu sống dựa và nông nghiệp và đánh bắt thuỷ sản.

Còn cộng đồng người dân miền núi sẽ phải đối mặt với sự gia tăng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất do mưa lớn. Xói mòn đất dẫn đên không có khả năng canh tác do đất bị úng nước Hơn nữa, thiệt hại tiềm tàng từ các cơn bão nhiệt đới sẽ gia tăng. Vì vậy, những chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu cần được quan tâm hơn nữa khi triển khai tại các vùng miền núi.

Ông Trần Văn Thể - Viện Môi trường Nông nghiệp cho biết: Từ năm 2012, FAO và Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) đã đồng tài trợ dự án nói trên để giải quyết các vấn đề rủi ro và dễ bị tổn thương ở cấp quốc gia cho 4 nước Campuchia, Lào, Nepal và Việt Nam.

Tại Việt Nam, dự án tập trung nghiên cứu ba vấn đề: Các chính sách đánh giá tác động rủi ro khí hậu và tính dễ bị tổn thương tại một số tỉnh miền núi phía bắc; đối tác công-tư cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam; nghiên cứu thí điểm về chính sách phát triển tổ hợp tác trong thương mại hóa nông nghiệp của Việt Nam - trường hợp ngành lúa gạo ở tỉnh Thái Bình.

Từ những nghiên cứu đánh giá tác động rủi ro khí hậu và tính dễ bị tổn thương tại một số tỉnh miền núi phía bắc, ông Trần Văn Thể đề xuất cần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, mở rộng hệ thống cung cấp nước cho nông dân ở các vùng xa và hẻo lánh…

Bên cạnh đó, cần lượng hóa thiệt hại kinh tế về sinh thái, môi trường do tác động biến đổi khí hậu, mở rộng ưu tiên triển khai các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu cấp quốc gia cho vùng miền núi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hạn chế biến đổi khí hậu: Đa dạng sinh kế cho vùng cao