Câu chuyện dạy thêm, học thêm luôn là mối quan tâm của các bậc phụ huynh và dư luận. Vấn đề này một lần nữa trở thành đề tài “nóng” khi được các đại biểu Quốc hội tranh luận tại phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).
Dẫu thế ngay cả khi chất vấn đã kết thúc, một băn khoăn lớn mà không ít người thấy chưa thỏa đáng: Liệu hạn chế dạy thêm học thêm có khó đến thế không?
Những quan điểm khác nhau
Theo đại biểu Quốc hội, gần đây đã xuất hiện tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến. Thậm chí có trường hợp học sinh bị “ép” học thêm trực tuyến. Cử tri bức xúc kiến nghị Bộ cần thanh tra việc dạy thêm, học thêm trực tuyến. Tại sao tình trạng này vẫn tồn tại dai dẳng?
Ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GDĐT khẳng định, việc dạy thêm cần phải ngăn chặn. Khi học trực tuyến, học sinh căng thẳng hơn nên việc dạy thêm càng cần nghiêm cấm. Theo ông Sơn, Thông tư 09 ngày 30/3 do Bộ ban hành quy định dạy và học trực tuyến đã quy định số giờ được dạy cho các cấp, các lớp. Vì vậy, ông đề nghị các Sở GDĐT, các địa phương kiểm tra, thanh tra việc học trực tuyến xem có dạy quá giờ không. Bộ trưởng Bộ GDĐT cũng khẳng định sẽ tăng cường thanh kiểm tra để ngăn chặn việc này.
Tuy nhiên, lại có đại biểu Quốc hội cho rằng, việc dạy thêm học thêm, nếu chỉ cấm thì chưa giải quyết được căn nguyên của vấn đề. Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) phân tích, từ trước đến nay chúng ta coi việc dạy thêm, học thêm như vấn nạn của xã hội. Có những nơi tổ chức mật phục bắt quả tang giáo viên dạy thêm rồi đưa lên báo chí. Cách ứng xử đối với các nhà giáo như thế là chưa phù hợp.
Theo ông Long, nên đánh giá tác dụng, ý nghĩa của việc dạy thêm học thêm, nó là nhu cầu thực tiễn của phụ huynh, học sinh. Thậm chí, ông Long đặt vấn đề, tại sao ngành Y được làm thêm mà giáo dục không được dạy thêm? Trong khi nhiều người coi dạy thêm là để mưu sinh. Chúng ta hãy nhìn thẳng vấn đề này để có giải pháp căn cơ. Và thực tế, qua 2 năm đại dịch vừa rồi, chúng ta thấy giáo viên cũng là đối tượng cần cứu trợ.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, nếu dạy thêm ngoài giờ, ngoài nhà trường mà việc dạy thêm đáp ứng các nhu cầu đó thì không thể cấm được. Còn dạy thêm, học thêm mà giáo viên trực tiếp dạy cho học sinh, nhưng lại bớt nội dung chính thức mới là điều lưu ý.
Bộ trưởng Sơn cũng cho biết, năm 2016 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bỏ dạy thêm ra khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Khi rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GDĐT đang đề nghị bổ sung việc dạy thêm vào danh mục này.
Giải quyết vấn đề từ gốc
Vấn nạn dạy và học thêm không phải lần đầu tiên được đưa lên bàn nghị sự Quốc hội. Theo đại diểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên), nội dung này từ các khóa trước Quốc hội đã thảo luận rất nhiều, và câu chuyện này chưa có hồi kết. Theo ông Thành, việc rà soát các quy định của pháp luật cũng mới chỉ là các công việc bề nổi. Thực chất có 4 vấn đề chiều sâu cần quan tâm liên quan đến việc dạy thêm.
Thứ nhất, cần giảm tải chương trình, sách giáo khoa. Hiện ở nhiều môn, học sinh phải tiếp nhận khối lượng chương trình quá lớn, nhiều nội dung không phù hợp với lứa tuổi. Hiện nay đang dạy trực tuyến, việc giảm tải càng cần thiết. Thứ hai, là đổi mới phương pháp dạy học, từ dồn ép kiến thức sang dạy tư duy, cần sớm chấm dứt tình trạng văn mẫu. Thứ ba, cần đổi mới, cải tiến phương pháp thi cử mạnh mẽ hơn nữa. Thứ tư, nếu còn hệ thống trường chuyên thì còn dạy thêm, học thêm.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, giải quyết dạy thêm học thêm cần những giải pháp ở phương diện hành chính, nhưng cũng cần những giải pháp chuyên môn cũng như quan điểm, tinh thần, thái độ và dư luận xã hội. Thời gian tới Bộ cũng tính đến phương án điều chỉnh phương án thi THPT, đổi mới kiểm tra đánh giá thường xuyên, để từ góc độ kiểm tra, đánh giá hạn chế được việc dạy thêm học thêm.
Xem xét lại hệ thống trường chuyên
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia giáo dục Đặng Tự Ân phân tích, trường chuyên lớp chọn hiện đang “giữa ngã ba đường”. Những mặt được cơ bản của giai đoạn trước, nhưng tới nay lại là những bất hợp lý, không còn phù hợp của hệ chuyên. Đó là một nghịch lý tất yếu mà giáo dục phải đối đầu. Rất cần thay đổi. Chính là cái mục tiêu bất thành văn cho trường chuyên đã dẫn dắt hệ chuyên chạy theo các mục tiêu trước mắt, không vì lợi ích lâu dài là phát triển thế hệ trẻ. Sinh ra hệ chuyên là phải học chuyên sâu, có nhiều học sinh vào đại học và nhiều giải trong các kỳ thi học sinh giỏi trong nước và quốc tế. Thi học sinh giỏi cấp quốc gia ở tiểu học, THCS và THPT, khiến các trường phổ thông quay cuồng luyện thi, lấy hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi làm nhiệm vụ hàng đầu. Vấn nạn tiêu cực dạy thêm, học thêm cũng từ đây mà nở rộ, tràn lan, rất khó ngăn cản.
Ông Ân nhấn mạnh, hệ thống hệ chuyên, về cơ bản là không phù hợp với triết lý giáo dục đổi mới. Ngoài ra, cũng chính hệ thống này đã tạo ra sự bất bình đẳng về hưởng thụ giáo dục cũng như môi trường giáo dục ở mỗi địa phương.
Theo dõi phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GDĐT với đại biểu Nguyễn Lâm Thành, nhiều người chưa thấy thỏa đáng khi Bộ trưởng đã không đề cập tới giải pháp thứ tư liên quan đến vấn đề tồn tại của hệ thống trường chuyên. Trên thực tế, nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, nếu chúng ta còn hệ thống trường chuyên thì đương nhiên nhu cầu dạy thêm, học thêm là có.