Khoảng hơn hai thập kỷ trở lại đây, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam liên tục tăng trưởng theo từng năm. Điều này đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Song, mặt trái của sự tăng trưởng đó là nhập siêu cũng gia tăng.
Nhập siêu vẫn gia tăng
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 9 tháng đầu năm 2015, cả nước nhập siêu khoảng 3,9 tỷ USD, chiếm 3,2% kim ngạch xuất khẩu. Tính riêng tháng 9 năm 2015, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 14,3 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước 9 tháng ước đạt 124,6 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó, nhập khẩu từ châu Á chiếm khoảng 80,2% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, và thị trường nhập khẩu lớn nhất vẫn là Trung Quốc.
Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng từ thị trường này phục vụ cho gia công, lắp ráp và sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; điện tử máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; vải; sắt thép; ô tô; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép; sản phẩm chất dẻo; bông; phương tiện vận tải và phụ tùng…
Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, tình trạng nhập siêu liên tục, nhập siêu lớn sẽ dẫn đến những bất ổn đối với nền kinh tế, trong đó có việc, tạo áp lực lên tỷ giá, buộc Ngân hàng Nhà nước phải phá giá đồng nội tệ, và nhiều hệ lụy khác nữa…
Thúc đẩy sản xuất nội địa
Giảm nhập siêu, đặc biệt là giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là một trong những mục tiêu được Chính phủ, các nhà làm quản lý đặt ra, song dường như những nỗ lực đối với vấn đề này vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Đặc biệt, việc Việt Nam đang thực hiện đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do, trong đó, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vừa kết thúc đàm phán cũng dẫn đến những nguy cơ nhập siêu cao. Lý do là bởi, tham gia Hiệp định này, hàng rào thuế quan được dỡ bỏ. Hàng hóa từ các quốc gia TPP sẽ dễ dàng tràn vào thị trường trong nước mà không gặp phải rào cản về thuế. Đương nhiên, nguy cơ nhập khẩu lớn, sẽ đẩy nhập siêu lên cao. Tuy nhiên, đây cũng là động lực để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu.
Dù vậy, theo đánh giá của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) Trương Đình Tuyển, mặc dù tham gia TPP, nguy cơ nhập siêu sẽ tăng cao, song đó sẽ chỉ tồn tại ở thời gian đầu, và không phải là điều đáng lo ngại. Bởi, nếu nhìn lại thời điểm năm 2007, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng kỷ lục.
Điều này cũng đồng nghĩa, nhập siêu sẽ phải gia tăng vì các nhà đầu tư phải nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất. Tuy nhiên thời gian sau đó, xuất khẩu của ta đã tăng lên do nền kinh tế đã đi vào ổn định và phát triển hơn. Đối với TPP, cũng sẽ tương tự như vậy.
Do đó, có thể nhập siêu lúc đầu cũng gia tăng nhưng chắc chắn, “dòng chảy” đó sẽ dịch chuyển, cơ cấu sản xuất sẽ gia tăng thì đương nhiên xuất khẩu sẽ gia tăng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cán cân xuất nhập khẩu sẽ cân bằng, và nhập siêu sẽ được kiềm chế.
Một trong những yếu tố góp phần đẩy lùi nhập siêu chính là nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm “made in Việt Nam”. Thời gian qua, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã và đang góp phần không nhỏ thúc đẩy tiêu dùng trong nước, thay đổi tâm lý sử dụng hàng ngoại nhập của phần lớn người dân.
Theo ông Nguyễn Quang Trung (Cục Công nghiệp địa phương – Bộ Công thương), cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã và đang góp phần kéo người Việt lại gần hơn với hàng hóa trong nước. Đồng thời, với những nỗ lực của nhà quản lý trong việc kết nối giữa nhà sản xuất – nhà phân phối trong thời gian qua, không những góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng sản xuất trong nước, mà còn tạo điều kiện để các DN Việt có nhiều cơ hội sản xuất hàng hóa chất lượng cao, cạnh tranh với hàng ngoại nhập, đặc biệt là hàng hóa giá rẻ đến từ Trung Quốc.