Hạn chế thấp nhất thiệt hại của bão số 1

Duy Hưng 25/06/2015 08:24

Chiều qua, 24-6, bão số 1 đã ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh từ Quảng Ninh tới Ninh Bình. Nhiều tỉnh/thành trong khu vực đã đón nhận lượng mưa lớn, gió to. Tuy nhiên, do công tác phòng chống tích cực nên đã hạn chế thấp nhất thiệt hại của cơn bão.

Hạn chế thấp nhất thiệt hại của bão số 1

Tàu thuyền về neo đậu tránh trú bão số 1 tại cảng Cái Rồng,
huyện Vân Đồn (Quảng Ninh)

Tại Nam Định, UBND tỉnh đã yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống bão lụt bám sát địa bàn chỉ đạo phòng chống bão.

Theo ghi nhận của phóng viên Đại Đoàn Kết, do ảnh hưởng của bão số 1, trong ngày 24-6, toàn tỉnh Nam Định có mưa trên diện rộng. Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định, đến đầu giờ sáng cùng ngày lượng mưa bình quân toàn tỉnh là 19,4 mm. Trước đó, vào tối 23-6, lượng mưa đo được tại Văn Lý (Hải Hậu) là 58 mm. Thực hiện công tác phòng chống bão, đến đầu giờ sáng 24-6, toàn tỉnh có 1.959 tàu thuyền của ngư dân đã neo đậu tại các cảng cá và bến cá trong tỉnh; 10 tàu/23 lao động đang neo đậu tại Quảng Ninh; 6 tàu/36 lao động đã neo đậu tại Hải Phòng. Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thông báo tới 732 lều, chòi canh ngao tại các vùng bãi bồi ngoài đê biển- nơi đang có 859 lao động làm việc về tình hình, diễn biến của bão, yêu cầu đủ động di dời trước khi bão đổ bộ.

Trên tuyến đê biển của tỉnh Nam Định có 2 hố sạt lở lớn là Cồn Tròn, Hải Thịnh (đều thuộc huyện Hải Hậu) đã được địa phương xử lý xong. Tuy nhiên, một số hố khác trên tuyến bị lún võng chưa được xử lý… Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định cũng cho biết, đến ngày 24-6, nông dân Nam Định đã thu hoạch xong toàn bộ 76.331 ha lúa chiêm xuân. Tuy nhiên, toàn tỉnh có 2.382 ha mạ vụ mùa vừa gieo; 305 ha cây màu hè thu (ngô, lạc, đậu tương…) đã trồng vẫn bị tác động xấu từ cơn bão.

Trước đó, để chủ động ứng phó với bão số 1, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định đã có 3 công điện, chỉ đạo các ban ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh thực hiện nghiêm công tác phòng chống bão. Trong đó, thực hiện “cấm biển” từ 7 giờ ngày 24-6, tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi cho đến khi bão tan. Kêu gọi tàu thuyền của ngư dân; những người đang làm việc trên các chòi canh thủy sản trên biển khẩn trương vào bờ; Tổ chức ứng trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu. Các địa phương, nhất là ở các huyện ven biển hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa; kiểm tra, rà soát các ngôi nhà tạm để chủ động phương án sơ tán dân; huy động phương tiện máy móc chủ động chống úng cho diện tích mạ mới gieo; hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản gia cố bờ ao, bờ đầm, điều tiết mực nước…

Còn tại Thái Bình, ngày 24-6, HĐND tỉnh đã tạm hoãn phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 để lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành xuống địa bàn trực tiếp chỉ đạo các công tác phòng chống bão số 1.

Ban chỉ huy PCLB tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu 2 huyện huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy triển khai ngay việc di dời các hộ dân đang sinh sống ngoài đê chính vào trong nội đồng, nhất là tại các xã Nam Hải, Nam Phú, Cồn Vành, Đông Minh, Đông Long (Tiền Hải); Cồn Đen, Thái Thượng, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy). Ngoài ra, tỉnh Thái Bình cũng chỉ đạo các địa phương trong tỉnh thực hiện di dân ở các vùng bối, bãi vào trong đê chính trước khi bão vào; Tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện việc chằng chống nhà ở, trụ sở, kho tàng; cắt tỉa cây lớn, chủ động mở các cống tiêu nước để hạ thấp mực nước trên các sông. Tỉnh cũng đã phát lệnh nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, khẩn trương kiểm đếm và sắp xếp phương tiện vào nơi trú ẩn an toàn. Trong đó, yêu cầu huyện Thái Thụy bố trí phương tiện khơi luồng để tàu, thuyền vào neo trú thuận tiện, an toàn tại các bến cá Mỹ Lộc, Thái Thượng…

Đến 6 giờ sáng ngày 24-6, hai huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy đã tổ chức di dời tổng cộng 3.136 lao động ở các lồng bè, chòi canh, nuôi trồng thủy, hải sản ngoài đê biển vào trong bờ tránh trú bão. Theo BCH Bộ đội BP tỉnh Thái Bình, đến 5h30’ sáng ngày 24-6, lực lượng này đã liên lạc được 1.218 tàu, thuyền với 3.325 lao động. Theo đó, đã có 1.182 phương tiện với 3.165 lao động vào bờ ở Thái Bình neo đậu; 36 phương tiện/160 lao động hoạt động ở ngoại tỉnh cũng đã vào bờ neo đậu…Được biết, toàn tỉnh cơ bản thu hoạch xong lúa xuân; trước đó tuyến đê biển của tỉnh đã được cứng hóa toàn bộ…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hạn chế thấp nhất thiệt hại của bão số 1