Nhiều ý kiến cho rằng, nếu kiểm soát tốt thủ tục hoàn công công trình, các sai phạm về trật tự xây dựng, hệ thống phòng cháy chữa cháy,… sẽ được xử lý ngay từ ban đầu, từ đó ngăn ngừa, giảm thiểu thiệt hại nghiêm trọng nếu cháy nổ xảy ra.
Hàng loạt sai phạm tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại lớn
Theo thống kê, Hà Nội hiện có đến 2.000 chung cư mini, tập trung ở quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ. Bên cạnh đó, còn hàng nghìn cơ sở cho thuê trọ khác đang hoạt động.
Qua ghi nhận, hầu hết chung cư mini, cơ sở cho thuê trọ đều nằm trong các ngõ nhỏ, có những những toà nhà nằm sâu hút, cách vị trí phương tiện chữa cháy có thể tiếp cận hàng trăm mét. Nhiều toà nhà trong số này dựng “chuồng cọp”, cả toà nhà với hàng trăm người sinh sống lối thoát hiểm cũng chính là cầu thang bộ. Trong khi đó, xe máy, xe điện đậu kín tầng 1 toà nhà, chắn hết lối đi.
Hệ thống báo cháy, phòng cháy chữa cháy sơ sài với hệ thống ống dẫn nước từ bể nước, không có đầu phun, một số toà nhà chỉ đặt mấy bình cứu hoả “cho có”. Cá biệt, một số trường hợp không thấy hệ thống chữa cháy, không trang bị bình cứu hoả và cũng không treo biển bảng cảnh báo cháy.
Theo quy định, trong mọi trường hợp, nhà ở liên kế tại Hà Nội không được cao hơn 6 tầng; trong nhà ở liên kế không được xây cao quá 4 tầng, các ngõ (hẻm) có chiều rộng nhỏ hơn 6m. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế, tại nhiều khu vực, hàng loạt toà nhà cao từ 7 – 9 tầng, và xây dựng hết diện tích đất (mật độ xây dựng 100%).
Bên cạnh đó, hiện nay rất nhiều tòa nhà đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nằm trong ngõ, hẻm sâu hút, xa ống chờ cứu hòa, xây 7 - 9 tầng, không thi công lắp đặt hệ thống báo cháy, phòng cháy,... Nếu không có sự can thiệp của cơ quan chức năng, nguy cơ xảy ra những vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng như vụ cháy chung cư mini cao 9 tầng, tại số 37, ngách 29/70 Khương Hạ, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) Khương Hạ.
Liên quan vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng tại chung cư mini Khương Hạ, ngày 13/9, Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng) đối với Nghiêm Quang Minh (44 tuổi; hiện trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, là chủ của chung cư nơi xảy ra vụ cháy), về tội Vi phạm quy định về PCCC theo Điều 313 Bộ Luật Hình sự.
Đáng nói, sau khi tiến hành kiểm tra, đối tượng Nghiêm Quang Minh còn sở hữu nhiều toà nhà khác đang hoạt động và cũng dính các sai phạm tương tự: đều nằm trong ngõ hẻm, phương tiện chữa cháy khó tiếp cận, xây vượt tầng, sai mật độ, không lối thoát hiểm, không đảm bảo hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Không những chung cư của đối tượng Minh, hàng loạt sai phạm về trật tự xây dựng tại các toà chung cư mini khác nếu không được kiểm tra, rà soát, xử lý triệt để, khi xảy ra hoả hoạn sẽ gây hậu quả khôn lường.
Thủ tục hoàn công có thể giảm thiểu nguy cơ thiệt hại lớn bị “lãng quên”
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp Trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hoàn công là một thủ tục hành chính trong quản lý xây dựng để nhà nước xác nhận bên đầu tư, bên đơn vị thi công đã hoàn thành công trình sau khi được cấp giấy phép xây dựng và hoàn tất công tác nghiệm thu. Hoàn công thể hiện tình trạng thực tế của công trình và thay đổi so với thiết kế ban đầu.
Theo quy định của Luật xây dựng 2014 và Nghị định 59/2015/ NĐ-CP, các công trình xây dựng nhà ở hay công trình xây dựng khác đều phải xin giấy phép xây dựng và thực hiện hoàn công. Riêng ở nông thôn, nhà ở riêng lẻ khi xây dựng tại các khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hoá thì mới cần hoàn thiện thủ tục này.
Khi làm thủ tục hoàn công các thay đổi, sai phạm như cơi nới, nâng tầng, xây sai mật độ xây dựng, thiếu hoặc không có hệ thống phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm so với thiết kế được phê duyệt khi xin giấy phép xây dựng đều thể hiện rõ. Nếu kiểm soát thủ tục hoàn công chặt chẽ, đúng quy định tất cả vi phạm về trật tự xây dựng sẽ được xử lý ngay từ ban đầu, từ đó giảm thiểu được thiệt hại nghiêm trọng khi xảy ra hoả hoạn.
“Chúng ta có thể lấy ví dụ đối với vụ cháy chung cư mini cao 9 tầng, tại số 37, ngách 29/70 Khương Hạ, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nếu cơ quan quản lý giám sát hoàn công chặt chẽ thì ngay từ khi đưa vào sử dụng, chủ toà nhà sẽ phải dỡ bỏ số tầng xây vượt, cắt bỏ “chuồng cọp”, thi công thêm lối thoát hiểm, đồng thời bổ sung hệ thống báo cháy, chữa cháy. Như thế, con số thiệt hại có thể giảm được rất nhiều so với thực tế xảy ra”, luật sư Lực nói.
Theo ông Trịnh Hùng Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và xây dựng TLC Việt Nam, tất cả các công trình xây dựng từ công trình nhà nước đến công trình tư nhân, từ chung cư đến chung cư mini, từ toà nhà cao tầng đến nhà ở liền kề,… sau khi hoàn thiện đều phải làm thủ tục hoàn công. Tuy nhiên, hiện nay chỉ các công trình lớn, thủ tục hoàn công mới đươc quản lý khắt khe, đúng quy định. Còn đối với chung cư mini, nhà ở liền kề hoàn công đang bị “lãng quên” hoặc chỉ làm cho có.
“Từ sau vụ cháy chung cư mini tại phường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) có lẽ đã đến lúc cơ quan chức năng nên quy định, giám sát chặt chẽ thủ tục hoàn công hơn. Bởi nếu kiểm soát chặt chẽ khâu này, những sai phạm sẽ được khắc phục, sửa đổi ngay từ ban đầu từ đó hạn chế thiệt hại nghiêm trọng khi xảy ra cháy nổ”, anh Cường chia sẻ.