Quốc tế

Hạn hán bủa vây Lục địa đen

THẾ TUẤN 07/04/2024 09:24

Thời tiết khắc nghiệt ở khu vực phía đông - nam châu Phi, vùng Sừng châu Phi đang đẩy hàng chục triệu người dân đến bờ vực của nạn đói. Kể từ cuối năm 2020 đến nay, hạn hán kéo dài, trải rộng hầu như khắp Lục địa đen.

anh-bai-han-han.jpg
Một người đàn ông ở Laisamis (Kenya) bất lực khi đàn bò không có cỏ ăn. Ảnh: Reuters

Cô Zanyiwe N’cube sống cùng con trai 7 tháng tuổi trong một ngôi làng ở huyện Mangwe (tỉnh Matabeleland, Zimbabwe). Hàng ngày hai mẹ con cùng khoảng 2.000 người dân trong làng lại trông chờ những chuyến hàng cứu trợ, gồm dầu ăn, gạo, đậu Hà Lan và các nhu yếu phẩm khác. Kể cả nước uống.

N’cube cho biết, tháng 3 năm nay là tháng khô hạn nhất trong đời cô đã phải chứng kiến. “Trên đồng ruộng chúng tôi chẳng có gì, không một hạt thóc nào cả. Mọi thứ đã bị đốt cháy do hạn hán" - cô nói và cho biết thêm thảm họa liên tục giáng xuống khu vực này khi mà chỉ một năm trước nơi đây bị ngập lụt bởi những cơn bão nhiệt đới và lũ lụt.

Nhiều tháng qua, Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc đã phải triển khai nhiều đợt hàng hóa thiết yếu cho khu vực này. Chương trình hướng tới mục tiêu giúp đỡ một phần trong số 2,7 triệu người ở vùng nông thôn Zimbabwe đang bị đe dọa bởi nạn đói do hạn hán bao trùm phần lớn phía nam châu Phi kể từ cuối năm 2020. Hạn hán kéo dài đã thiêu rụi mùa màng mà hàng chục triệu người trồng trọt để kiếm sống.

Zambia và Malawi cũng trong tình cảnh tương tự, đến mức chính phủ đã phải ban bố thảm họa quốc gia. Trong khi đó, hạn hán tiếp tục lan rộng tới Botswana và Angola ở phía tây, Mozambique và Madagascar ở phía đông châu Phi.

Đây là một chu kỳ thời tiết khắc nghiệt mà giới khoa học cho rằng các hiện tượng khí hậu cực đoan đang xảy ra thường xuyên hơn và gây thiệt hại nhiều hơn, đặc biệt với những khu vực dễ bị ảnh hưởng.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), khu vực đông và nam châu Phi là nơi phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng chồng chéo trong thời tiết khắc nghiệt. UNICEF cho biết, tại Malawi, quốc gia phía nam châu Phi, ước tính một nửa dân số (khoảng 9 triệu người, một nửa trong số đó là trẻ em) cần được giúp đỡ. Trong khi đó tại Zambia, 30% dân số (hơn 6 triệu người, trong đó có 3 triệu trẻ em) bị ảnh hưởng bởi hạn hán.

Bà Eva Kadilli - Giám đốc UNICEF khu vực đông và nam châu Phi, cho biết: "Thật đáng lo ngại, thời tiết khắc nghiệt dự kiến sẽ trở thành hiện tượng phổ biến ở miền đông và miền nam châu Phi trong những năm tới". Tương tự, bà Francesca Erdelmann - Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới tại Zimbabwe cho biết, ở đây hầu như không còn khái niệm mùa vụ, vì đất khô cằn và nắng nóng dữ dội đến mức không thể trồng cấy được.

Còn ông Joseph N’leya, 77 tuổi, nông dân ở huyện Mangwe (tỉnh Matabeleland, Zimbabwe) thốt lên, không thể ngờ thời tiết nóng nực, khô hạn đến thế này. Điều đó đã đẩy người dân đến chỗ tuyệt vọng. "Đập không có nước, lòng sông khô cạn. Chúng tôi đang dựa vào trái cây dại nhưng chúng cũng đã cạn kiệt. Nhiều người đã phải vượt biên trái phép vào Botswana để tìm kiếm thức ăn. Nạn đói đang biến những người làm việc chăm chỉ trở thành tội phạm" - ông N’leya nói.

Trong khi đó, Báo cáo của World Weather Attribution (WWA) - Tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cho rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến xác suất xảy ra hạn hán nông nghiệp ở vùng Sừng châu Phi tăng gấp 100 lần.

Đợt hạn hán khủng khiếp này được ghi nhận từ cuối năm 2020 khi mà các quốc gia ở vùng Sừng châu Phi - gồm Djibouti, Ethiopia, Eritrea, Kenya, Somalia, Nam Sudan và Sudan - đã phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 40 năm.

Các nhà khoa khọc của WWA cho rằng biến đổi khí hậu đã đảo lộn chu kỳ cũng như lượng mưa. Mùa mưa dài (từ tháng 3 đến cuối tháng 5) ở châu Phi đang ngày càng thu hẹp. Tính từ tháng 3/2020 đến hết tháng 3/2024, lượng mưa đã giảm một nửa, nhiệt độ cao hơn đã làm tăng đáng kể lượng nước bốc hơi từ đất và thực vật, khiến đất ngày càng khô khát.

"Vùng Sừng châu Phi đang mất an ninh lương thực nghiêm trọng chưa từng có. Hơn 20 triệu người đứng trước nguy cơ thiếu đói khi gây mất mùa trên diện rộng và gia súc chết hàng loạt” - báo cáo của WWA.

Hệ thống phân loại an ninh lương thực (IPC) của Liên hợp quốc đã phát đi thông cáo kêu gọi hành động ngay lập tức để ngăn chặn tình trạng tử vong trên diện rộng do nạn đói ở Sudan. Nạn đói là hậu quả của xung đột vũ trang cộng với hạn hán kéo dài khiến nhiều người phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn ra đi. Gần 25 triệu người - tức một nửa dân số Sudan - cần viện trợ và khoảng 8 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa. Khoảng 3,6 triệu trẻ em dưới 5 tuổi và 1,2 triệu phụ nữ đang mang thai và cho con bú ở Sudan bị suy dinh dưỡng nặng và đang phải đối mặt với nạn đói. Ước tính, sản lượng ngũ cốc ở đất nước này thấp hơn 46% so với năm ngoái khi mà hạn hán vẫn tiếp tục diễn ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hạn hán bủa vây Lục địa đen

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO