Cùng với Tết Nguyên đán và Lễ Chuseok, ‘Jeongwol Daeboreum’ là ngày cầu trăng sao cho một năm mới thịnh vượng, mùa màng bội thu và an khang thịnh vượng.
Người dân Hàn Quốc có một câu nói từ xa xưa rằng: “Một mùa ‘Jeongwol’ tốt lành sẽ tạo nên một năm tốt lành”. ‘Jeongwol Daeboreum’ theo tiếng Hàn có nghĩa là ngày trăng tròn đầu tiên của năm Âm lịch, rơi vào ngày 15/2 dương lịch năm nay. Trăng tròn từ lâu đã trở thành biểu tượng của sự sung túc trong xã hội trọng nông truyền thống của Hàn Quốc. Người dân thường sẽ tụ họp để chào đón ngày rằm đầu năm bằng cách cùng nhau dùng một bữa ăn đặc biệt và chơi một số trò chơi truyền thống để xây dựng tinh thần đoàn kết và hợp tác.
Mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra khá căng thẳng, khiến hầu hết các lễ hội đều bị hạn chế, tuy nhiên vẫn có một số sự kiện được tổ chức ở thủ đô Seoul nhằm duy trì lịch sử và truyền thống của ngày ‘Jeongwol Daeboreum’.
Những điều ước ngày trăng tròn
Lịch âm, hay còn gọi là lịch mặt trăng, đã từng là thước đo thời gian chính của Hàn Quốc cho đến khi Lịch Mặt trời Gregorian được giới thiệu vào năm 1896. Đương nhiên, chuyển động của mặt trăng là một yếu tố quan trọng trong các hoạt động theo mùa. Rằm tháng Giêng đặc biệt có ý nghĩa đối với người dân Hàn Quốc, cầu chúc cho một năm mùa màng bội thu và sức khỏe dồi dào, gia đình thịnh vượng và sung túc. Năm nay, Cung điện Changgyeong ở trung tâm thủ đô Seoul đã đặt một mặt trăng tròn khổng lồ từ ngày 11 đến ngày 17/2, để chào đón ngày lễ ‘Jeongwol Daeboreum’.
Bữa sáng đặc biệt
Trước kia, người Hàn Quốc sẽ bắt đầu ngày lễ ‘Jeongwol Daeboreum’ với bữa sáng đặc biệt có đồ uống và một ít các loại hạt. Đồ uống có cồn, được cho là giúp bổ tai và mang lại tin tốt cho những ngày còn lại trong năm, được dùng như một loại rượu khai vị. Nó được ủ từ những vụ mùa tốt nhất của năm trước và phục vụ lạnh. Cùng với đồ uống chính là ‘bureom’ - các loại hạt được ăn kèm nhằm cầu chúc một sức khỏe tốt. Từ này trong tiếng Hàn có nghĩa kẹp là các loại hạt có vỏ cứng cũng như bệnh nhọt, là một căn bệnh phổ biến trong quá khứ. ‘Bureom’ là một cách chơi chữ mang ý nghĩa bảo vệ con người khỏi bệnh tật.
Bằng cách uống rượu cùng với hạt dẻ, đậu phộng và quả óc chó, người dân tin rằng họ sẽ an toàn khỏi bệnh tật và có một hàm răng khỏe mạnh.
Những trò chơi truyền thống
Khoảng 1/5 trong số gần 200 phong tục theo mùa được tổ chức trong năm ở Hàn Quốc có liên quan đến ‘Jeongwol Daeboreum’. Các trò chơi truyền thống sẽ bao gồm kéo co, thường được chơi giữa dân làng trong kỳ nghỉ. ‘Jwibullori’, có nghĩa là trò chơi bắn chuột trong tiếng Hàn, là một phong tục truyền thống khác đại diện cho ngày lễ Daeboreum và liên quan đến nền nông nghiệp của đất nước.
Trước đây, người dân Hàn Quốc sẽ đốt lửa trên các cánh đồng vào đêm ‘Jeongwol Daeboreum’ để tiêu diệt chuột và các loài gây hại khác cho mùa màng, chuẩn bị cho mùa vụ năm sau. Kể từ khi đất nước giành được độc lập vào năm 1945, truyền thống đã phát triển thành trò chơi đu lon bằng cách cho than đang cháy vào bên trong những chiếc lon rỗng của quân đội Mỹ. Mọi người sẽ đoán vận may dựa trên độ lớn của ngọn lửa và thậm chí cạnh tranh với những người dân làng lân cận để xem ai có ngọn lửa lớn hơn.
Tại quận Songpa, một phiên bản ‘Jwibullori’ hiện đại, an toàn và thân thiện với môi trường đã được đưa ra vào đêm của kỳ nghỉ. Sori Eco Love, một nhóm công dân môi trường địa phương đã biểu diễn ‘Jwibullori’ với ánh sáng đèn LED dọc theo con suối Seongnae để kỷ niệm lễ hội trăng rằm truyền thống, đồng thời mang đến thông điệp bảo vệ môi trường và giảm thiểu rác thải.
“Thật tiếc khi thế hệ trẻ ngày nay không thể cảm nhận được hết những nét văn hóa truyền thống. Chúng tôi mong muốn mọi người sẽ trân trọng những di sản to lớn của các thế hệ đã qua và tiếp nối truyền thống tốt đẹp, cũng như quan tâm đến việc bảo vệ môi trường”, Yim Hong -soon, người đứng đầu nhóm cho biết.
Bữa ăn ‘Daeboreum’ với các món ngon theo mùa
Bữa ăn truyền thống được phục vụ tại lễ ‘Jeongwol Daeboreum’ sẽ bao gồm các món ăn bổ dưỡng từ thực vật, được làm từ các nguyên liệu theo mùa. ‘Ogokbap’ (gạo năm hạt) là một bát cơm được nấu bằng các loại ngũ cốc thu hoạch từ năm trước, bao gồm kê, lúa miến, đậu đỏ và đậu – những cây lương thực được coi trọng trong các cộng đồng nông nghiệp như một phương tiện duy trì cuộc sống. Ăn kèm với ‘ogokbap’ là 9 đến 10 loại rau khô đã được tẩm gia vị, cũng được thu hoạch từ vụ mùa trước. Các loại rau theo mùa như bí đỏ và cà tím khô, sậy, om và nấm sẽ được xào với dầu mè và xì dầu.