Hàn Quốc sắp trở thành quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới

Linh Chi 23/02/2017 08:35

Theo một nghiên cứu mới được WHO dẫn lại, tuổi thọ trung bình tính trên phạm vi toàn cầu sẽ tăng lên trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2030. Mức tăng trong tuổi thọ trung bình đã cho thấy sự cải thiện trong cuộc sống, quá tình chăm sóc trẻ em và cả sức khỏe của người lớn.

Hàn Quốc được cho là sẽ vượt Nhật Bản để trở thành quốc gia
có tuổi thọ tủng bình cao nhất thế giới. (Nguồn: KoreaTimes).

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố hôm 22/2, tuổi thọ trung bình của phụ nữ vào năm 2030 sẽ vượt qua con số 85 ở nhiều quốc gia, nhưng nổi bật nhất vẫn là Hàn Quốc với tuổi thọ trung bình ở phụ nữ lên tới 90,8. Trong năm 2015, tuổi thọ trung bình tính trên phạm vi toàn thế giới là 71,4 tuổi.

Lối sống không lành mạnh ở đại bộ phận đàn ông, trong đó bao gồm tỷ lệ hút thuốc lá và uống rượu cao, cũng là một nguyên nhân mà phụ nữ có tuổi thọ trung bình cao hơn, các nhà nghiên cứu cho hay. Tuổi thọ trung bình của nam giới ở Hàn Quốc, bởi vậy, trong năm 2030 được dự đoán sẽ là 84,1.

Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí sức khỏe uy tín Lancet cũng cho rằng cách biệt về tuổi thọ giữa hai giới hiện đang có xu hướng giảm dần nhờ có lối sống tương tự nhau.

“Kết quả đáng bất ngờ là, có ít nhất một nhóm sắp sửa phá được ngưỡng tuổi thọ trung bình 90” - ông Majid Ezzati, Giáo sư thuộc Đại học Hoàng gia London, cho hay, thêm rằng trước đây chưa từng có chuyên gia nào tin rằng tuổi thọ trung bình của con người có thể vượt quá 90.

Nghiên cứu trên dựa trên các số liệu về tuổi thọ trung bình của người dân đến từ 35 quốc gia khác nhau, trong đó gồm cả các nước có thu nhập cao và các nền kinh tế đang phát triển.

Tại châu Âu, phụ nữ Pháp và Thụy Sỹ được dự đoán sẽ có tuổi thọ trung bình cao nhất, vào khoảng 88,6 và 84 tuổi. Trong số các nước có thu nhập cao được dự báo, nước có tuổi thọ trung bình thấp nhất lại là Mỹ, với 83,3 tuổi đối với phụ nữ và 79,5 tuổi đối với đàn ông - tương tự với số liệu dự đoán của Mexico và Croatia.

“Họ vẫn có tỷ lệ chết trẻ và ở tuổi trung niên khá cao” - ông Ezzati cho hay, nhắc tới các quốc gia có tuổi thọ trung bình thấp hơn - “Người dân ở đây có rủi ro tử vong ở độ tuổi 40 hay 50 khá cao”.

Theo vị chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn tới các trường hợp chết sớm này, bao gồm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cao cùng các rủi ro khác như tai nạn giao thông. Việc thiếu thốn các chương trình chăm sóc sức khỏe rộng khắp ở các nước như Mỹ cũng được cho là một nguyên nhân, nghiên cứu cho hay.

Tuổi thọ trung bình thấp nhất được báo cáo ghi nhận là phụ nữ ở Macedonia và đàn ông ở Serbia; phần lớn là do sự bất bình đẳng. Các nhà nghiên cứu đã dự đoán tuổi thọ trung bình nhờ sử dụng dữ liệu về độ tuổi của người dân trong một quốc gia. Họ cũng nghiên cứu tỷ lệ chết sớm, tỷ lệ gặp các rủi ro liên quan tới bạo lực tại một số quốc gia…

Ngược lại, ở một số quốc gia bình đẳng hơn, có chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện và người dân có thói quen ăn uống lành mạnh hơn, tuổi thọ trung bình cao hơn.

“Những nơi như Hàn Quốc và một số nền kinh tế đang trỗi dậy như Thụy Sỹ hay Canada, tuổi thọ trung bình cao hơn” - ông Ezzati nói - “Trường hợp của Hàn Quốc thậm chí còn đặc biệt hơn nữa”.

Ông Ezzati tin rằng bí quyết để người Hàn Quốc sống lâu chính là nhờ chính sách đầu tư mạnh tay vào chế độ dinh dưỡng trẻ nhỏ của chính phủ, hệ thống giáo dục, công nghệ, tỷ lệ hút thuốc lá thấp và có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt.

Trong khi đó, các nước từ lâu đã nổi tiếng là có tuổi thọ trung bình cao ngất ngưởng như Nhật Bản, lại được dự đoán là chỉ có mức tăng nhẹ. “Câu chuyện của Nhật Bản về sự trường thọ dường như sắp kết thúc”, ông Ezzati nói, thêm rằng nền văn hóa ăn uống cùng lối sống lành mạnh ở nước này đang dần thay đổi.

“Hàn Quốc đã bắt kịp Nhật Bản nhờ mức sống được cải thiện rõ rệt” - Sarah Harper, Giáo sư ngành lão khoa thuộc ĐH Oxford, cho hay - “Nhưng ở nhiều phần khác của châu Á, người trẻ tuổi vẫn ăn thức ăn của phương Tây… Chế độ ăn uống lành mạnh trước kia của các nước này có thể khó duy trì khi những người trẻ tuổi dần già đi”.

Báo cáo trên được hy vọng sẽ giúp đỡ các quốc gia trên thế giới tìm hiểu về sự thay đổi đối với sức khỏe con người, để từ đó các nhà lập pháp có thể đưa ra các chính sách phù hợp để giúp người dân nước họ có một cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh hơn.

Bà Harper cho rằng sự bất bình đẳng chính là một nhân tố chính gây nên nghịch lý rằng ngay ở một số nước có thu nhập cao, tuổi thọ trung bình của người dân vẫn thấp.

“Nước Mỹ chi tiền vào chăm sóc sức khỏe nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Một số người nói rằng tuổi thọ trung bình ở nước này vẫn thấp là do sự bất bình đẳng cao” - bà Harper nói - “Ở các nước Bắc Âu thì khác hẳn, họ có xã hội bình đẳng hơn và có tuổi thọ trung bình cao hơn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàn Quốc sắp trở thành quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO