Từ ngày 25/6-24/7, số vụ tai nạn do hành vi uống rượu lái xe ở Hàn Quốc đã giảm; trong đó số trường hợp tử vong giảm từ bình quân 0,7 người/ngày xuống 0,2 người/ngày, giảm tới 71,4%.
Cảnh sát Hàn Quốc yêu cầu tài xế thổi vào máy dò rượu ở thành phố Daegu ngày 25/6 vừa qua. (Nguồn: Yonhap).
Trong vòng một tháng qua, kể từ sau khi Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, còn được gọi là “Luật Yoon Chang-ho thứ hai,” bắt đầu có hiệu lực, từ ngày 25/6 cho đến ngày 24/7, số vụ tai nạn do hành vi uống rượu lái xe ở Hàn Quốc đã giảm từ bình quân 40,9 vụ/ngày xuống còn 28,6 vụ/ngày, tức giảm 30,1%.
Đặc biệt, số trường hợp tử vong giảm từ bình quân 0,7 người/ngày xuống 0,2 người/ngày, giảm tới 71,4%.
Số người bị thương giảm còn bình quân 43,3 người/ngày, giảm 33,9% so với trước khi luật sửa đổi có hiệu lực.
Số trường hợp uống rượu lái xe ghi nhận được là bình quân 296 vụ/ngày, giảm 11,4% so với con số 334 vụ/ngày trước đó.
Cảnh sát Hàn Quốc đánh giá các vụ tai nạn do uống rượu lái xe đang có xu hướng giảm ở phần lớn các địa phương trên toàn quốc. Đặc biệt, tại thành phố Gwangju, số vụ tai nạn đã giảm tới 53,3%, tại tỉnh Bắc Chungcheong giảm 50%.
Theo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi của Hàn Quốc, tiêu chí xử phạt tài xế là nồng độ cồn trong máu trên 0,03% sẽ bị treo bằng lái thay vì trên 0,05% như luật cũ. Trong khi đó, tiêu chí hủy bằng lái là nồng độ cồn trên 0,08%, thay vì 0,1% như trước.
Tên gọi “Yoon Chang-ho” bắt nguồn từ vụ tai nạn giao thông do hành vi uống rượu lái xegây ra hồi tháng 9/2018, tại thành phố Busan.
Khi đó, một binh sỹ tên là Yoon Chang-ho đang trong thời gian nghỉ phép, đã bị một chiếc xe ôtô đâm phải, dẫn tới tử vong khi tuổi đời mới 22. Nguyên nhân là do tài xế đã lái xe trong tình trạng say xỉn.