Sáng ngày 23/11, tại huyện Thạch Thành, UBND tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận di tích quốc gia cấp đặc biệt cho hang Con Moong và các di tích phụ cận.
Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đón bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt Hang Con Moong.
Đây là dịp tôn vinh và quảng bá những giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo của di tích khảo cổ Hang Con Moong.
Tại buổi lễ, hàng nghìn người dân từ các nơi tụ hội về sân vận động huyện Thạch Thành để tham quan các di tích, hình ảnh, hiện vật được trưng bày và các chương trình văn nghệ đặc sắc, tiêu biểu.
Hang Con Moong, tiếng địa phương có nghĩa là “Hang con thú”, là hang đá trong rừng xanh, thuộc xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.
Năm 1974 người dân phát hiện ra hang Con Moong và cơ quan chức năng tiến hành khai quật, tìm hiểu hang này từ năm 1976.
Đây là một hang động thông hai đầu, dài khoảng 40 mét, chỗ trần hang cao nhất khoảng hơn 8 mét. Các nhà khảo cổ học đã chứng minh niên đại của các lớp đất đá trong hang có niên đại từ 7 - 15 ngàn năm.
Hang Con Moong vinh dự được công nhận là di tích Quốc gia cấp đặc biệt.
Được biết các nhà khảo cổ học đã phát hiện có 10 lớp cấu trúc khác nhau tại Hang Con Moong. Các lớp từ 1 đến 6, có tìm thấy công cụ lao động, xương cốt động vật, vỏ nhuyễn thể. Các lớp 7 đến 10 có công cụ đá quartz, di vật tập trung nhất là lớp 10 (độ sâu từ -8,5m đến -9,5m).
Các nhà khảo cổ học cũng đã ghi nhận 4 giai đoạn phát triển văn hóa ở hang Con Moong.
Tại mỗi giai đoạn phát hiện các di cổ như: công cụ đá cuội nghè đẽo, công cụ vỏ trai, mũi nhọn xương, rìu tứ giác và gốm Đa Bút; có các mộ chôn nằm co, bó gối, rắc thổ vàng, chôn theo công cụ đá và vỏ trai, mộ chôn tập thể gồm nhiều cá thể.
Các nhà khảo cổ học cho rằng, nhiều phát hiện mới, có giá trị nổi bật trong các đợt khai quật khảo cổ học vừa qua là dấu tích văn hóa đá mới với tiền Hòa Bình và sau Hòa Bình.
Các di tồn văn hóa còn lưu lại trên địa tầng hang Con Moong đã cho thấy truyền thống cư trú hang động, truyền thống sử dụng công cụ đá và sự tiến triển về loại hình, kỹ thuật chế tác công cụ, sự biến đổi khí hậu và sự thích ứng của con người trong suốt nhiều vạn năm qua.
Hơn 500 hiện vật, hình ảnh tư liệu được lấy từ hang Con Moong như các công cụ đá nghè đẽo, mũ nhọn, gốm đa bút… được Ban tổ chức trưng bày tại buổi lễ đã thu hút đông người đến thăm quan, tìm hiểu.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Đình Xứng, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã lên nhận Bằng Di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong.