Nhận định về thị trường hàng hóa hiện nay cơ quan chức năng cho rằng, hàng giả không ngừng lớn mạnh trong thời gian gần đây. Cứ sản phẩm nào bắt đầu được người tiêu dùng tin tưởng, đánh giá cao lại chuẩn bị đương đầu với hàng giả.
Hàng giả giống như hàng thật.
Ông Trần Hùng - Phó Chánh văn phòng Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 389, quốc gia nhận định, ngày xưa trong nước chỉ hàng nội mới bị làm giả. Còn bây giờ, hàng ngoại cũng bị trá hình bằng cách sản xuất trong nội địa, thậm chí là nhập khẩu hàng hiệu với rồi đánh tráo chất lượng. Hiện hàng ngoại đang bị làm giả phải kể đến giày Nike; đồng hồ Thụy Sỹ; áo thun Lacoste; mỹ phẩm Shiseido, Mac, Chanel, E’Tude…
Nghĩa là bất kỳ sản phẩm nào có trên thị trường đều có thể bị “đội lốt” bằng các sản phẩm chất lượng kém. Đại diện Công ty loa BMB (Nhật) cho biết sản phẩm vào thị trường Việt Nam được 5 năm nhưng phải đến năm 2014 sản phẩm giả thương hiệu của công ty nở rộ. Theo thống kê chưa đầy đủ từ phía Công ty loa BMB, 5% loa bị làm giả. Với số lượng khá lớn loa BMB nêu trên bị làm giả đã ảnh hưởng đến uy tín của DN và quyền lợi người tiêu dùng.
Lo ngại về tình trạng hàng giả thương hiệu hoành hành, ông Trần Thanh Kha - Quản lý kinh doanh toàn quốc tập đoàn NGK Việt Nam cho hay, sau gần 3 năm công ty mở văn phòng chính thức ở Việt Nam thì sản phẩm bugi NGK chiếm 70% thị phần. Tuy nhiên điều đáng lo ngại nhất hiện nay, hàng giả đang nhái bugi thật mỗi năm mỗi tăng với số lượng lớn. Qua nghiên cứu thị trường cho thấy, khi mua 2.000 con bugi trên cả nước thì có đến 200 bugi bị làm giả. Hàng giả chủ yếu từ Trung Quốc tràn về, ngoài ra hàng bugi giả còn được các DN trong nước tự sản xuất bằng cách nhái hoàn toàn về kiểu dáng thương hiệu NGK.. . Đại diện các DN khẳng định, nguồn hàng giả được các đối tượng nhập lậu hàng mang nhãn mác Việt Nam hoặc nhập khẩu các sản phẩm giả nhãn thương hiệu nước ngoài từ Trung Quốc về tiêu thụ.
Theo Ban Chỉ đạo 389 trong 9 tháng đầu năm 2015 lực lượng chức năng bắt giữ hơn 149.000 vụ việc, tăng 29,4% so với năm 2014. Hàng lậu hàng giả tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Tại 6 tỉnh biên giới phía Bắc đặc biệt Lạng Sơn và Quảng Ninh là điểm nóng của hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Ngoài ra có hiện tượng nếu DN nào xây dựng thương hiệu tốt được người tiêu dùng quan tâm thì chắc chắn bị làm giả ngay.
Ý thức được hậu quả từ hàng giả, nhiều DN đã kết nối, phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn, tuy nhiên DN nhận thấy không hiệu quả. Bức xúc về hàng giả, hàng gian, bà Lâm Thị Thanh Thủy, đại diện Công ty TNHH Hóa Nông Hợp Trí từng phân trần cho biết, công ty đã phát hiện phân bón lá giả nhãn hiệu công ty tại địa bàn tỉnh Long An, Tiền Giang nhưng khi kiến nghị với cơ quan chức năng thì các đơn vị lại lấy lý do vì số lượng hàng giả quá ít, cần theo dõi với số lượng lớn nhằm xử lý tận gốc.
Kết quả, đến thời điểm này công ty vẫn “tự bơi” trong công tác chống hàng giả do mọi vụ việc phát hiện đều không được cơ quan chức năng can thiệp. Có phần may mắn hơn Công ty TNHH Hóa Nông Hợp Trí, Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn nhiều năm qua liên tục phối hợp với cơ quan chức năng chống tình trạng nón Sơn bị làm giả tràn lan trên thị trường. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Ngọc Tí, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn, lượng nón Sơn bị làm giả ngày càng nhiều, trong khi đó công tác phối hợp chống hàng giả lại không hiệu quả. Mất niềm tin vào công tác phối hợp chống hàng giả cùng lực lượng chức năng, cho nên Công ty Nón Sơn quyết định lên kế hoạch “đơn thương, độc mã” chống hàng giả.
Ông Nguyễn Ngọc Tí nói: “Chỉ còn cách chống hàng giả cuối cùng đó là chúng tôi tự tìm đến các đại lý, DN khác để xin đừng làm giả chúng tôi nữa. Không biết hiệu quả ra sao nhưng chúng tôi sẽ làm điều này trong thời gian tới”. Tương tự, ông Trần Thanh Kha trăn trở, với tỷ lệ hàng giả ở mức 20%, hiện DN không biết chống hàng giả bằng cách nào. Công ty đang áp dụng hình thức tuyên truyền là chủ yếu để người tiêu dùng nhận biết hàng giả một cách tốt nhất.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều cơ quan chức năng tham gia công tác chống hàng giả (Biên phòng, Công thương, Y tế, Nông nghiệp, Hải quan, Cảnh sát điều tra, UBND phường – xã – thị trấn) nhưng các lực lượng này thường xuyên than vãn theo kiểu: tình hình hành giả diễn biến phức tạp và tinh vi nên khó khăn cho công tác chống phát hiện, xử lý. Thậm chí, khi đụng chuyện thì cơ quan này đổ lỗi cơ quan kia. Bên cạnh đó, quy định xử phạt sản xuất kinh doanh hàng giả thiếu sức răn đe.
Ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng TP. HCM băn khoăn: Mức độ xử phạt đơn vị sản xuất hàng giả hiện nay là chưa thỏa đáng, tính răn đe thấp. Chính vì vậy mà hàng giả vẫn tràn lan mặc dù có chống.
Như vậy, ngăn chặn hàng giả như thế nào để hiệu quả nhất đang trở thành bài toán nan giải, thay vì chờ lực lượng chức năng can thiệp thì DN đang phải tự cứu mình.