Hàng hóa, dịch vụ rục rịch tăng giá theo xăng

Thanh Giang 26/02/2022 11:24

Từ sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng giá ở mức cao, chưa có dấu hiệu dừng lại. Trước sự “leo thang” của giá xăng dầu, vận tải than khó và rục rịch tăng giá. Hệ lụy dây chuyền này là sản xuất kinh doanh không nằm ngoài vòng xoáy.

Vận tải tính chuyện tăng giá cước

“Với giá xăng như hiện nay, mỗi một chuyến xe hợp đồng từ Kon Tum đi TP HCM giá chênh tăng 1,5 triệu đồng. Giờ xăng dầu tăng, không tăng giá không kham nổi. Tăng giá vận chuyển khách chê đắt không đi”, anh Hoàng Công Tâm, xã viên một hợp tác xã vận tải chia sẻ.

Đề cập đến việc tăng giá cước vận tải, ông Lê Trung Tính – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hành khách liên tỉnh và du lịch TP HCM khẳng định, giá xăng dầu tăng chắc chắn giá cước vận tải sẽ tăng. Lý do, xăng dâu là “máu”, là nguyên liệu chính của ngàng vận tải. Theo tính toán, xăng dầu chiếm 20 – 45% cơ cấu giá thành vận tải.

Vận tải hành khách tính chuyện tăng giá vận chuyển.
Vận tải hành khách tính chuyện tăng giá vận chuyển.

Nói về mức tăng và thời gian tăng, ông Lê Trung Tính cho rằng, tỷ lệ tăng giá cước vận tải chỉ ở một mức nhất định nào đó chứ không phải xăng tăng bao nhiêu, vận tải cũng tăng bấy nhiêu. Vận tải sẽ tăng cước sau một thời gian nhất định, không tăng ngay được.

Mặc dù thông tin khẳng định cước vận tải hành khách sẽ tăng, song vị đại diện Hiệp hội Vận tải Hành khách liên tỉnh và du lịch thành phố cho rằng, trong bối cảnh hiện nay rất khó tăng giá cước vì 2 năm đại dịch vận tải gần như tê liệt. Vận tải hàng hóa còn hoạt động được 50 – 70% nên còn sống ngắc ngoải. Riêng vận tải hành khách, đặc biệt là vận tải khu lịch với những hành khách hợp đồng coi như “gần chết”.

Ông Tính lý giải, từ ngày 1/10 thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ là mở cửa lại nhưng trong dịp Tết lượng khách ở các bến xe lớn như miền Đông, miền Tây lèo tèo. Cá biệt, trong thời gian Tết Nguyên đán 2022, hành khách có đông hơn nhưng chỉ bằng 50% so với các Tết trước: “Vận tải lao đao do phải chôn chân một chỗ vì dịch bệnh Covid-19. Thế mà vừa chuẩn bị ngoi lên thì lại bị chìm xuống lại khi giá xăng dầu liên tục leo thang.”.

Phân trần về hoạt động vận tải hàng hóa hiện nay, ông Bùi Văn Quản – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP HCM nói: “DN vận tải quá khó khăn. Dịch bệnh kéo dài, vận tải gần như tê liệt. Giờ xăng dầu liên tục tăng cao sao chịu nổi. Theo dõi của tôi, gần đây xăng dầu tăng lên hơn 40% rồi. Vận tải phải tính chuyện tăng giá để bù đắp lại phần tăng của xăng dầu. Tuy nhiên, nếu đàm phán khách hàng không được thì không chạy nữa”.

Sản xuất đau đầu gồng cước vận chuyển

Dự đoán xăng dầu tăng, cước vận tải sớm muộn cũng tăng nhiều DN sản xuất kinh doanh bày tỏ băn khoăn. Đại diện một DN sản xuất hàng tiêu dùng cho biết: “Những tưởng ổn định sau thời gian dài dịch bệnh hoành hành, giờ xăng dầu tăng giá vùn vụt chắc chắn vận chuyển, nguyên vật liệu đầu vào phải tăng theo. Cuối cùng DN sản xuất phải tăng giá bán và người tiêu dùng vẫn bị ảnh hưởng nhiều nhất”.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TP HCM nhìn nhận, việc giá xăng dầu tăng cao và liên tiếp thời gian gần đây đã và đang gây ra áp lực rất lớn lên chi phí vận hành và kinh doanh của DN.

Bà Lý Kim Chi thông tin cụ thể, hiện nay mỗi container từ 12 - 15 tấn vận chuyển từ các tỉnh phía Nam ra cửa khẩu biên giới phía Bắc, chi phí khoảng 100 triệu đồng/xe. Trong đó, riêng nhiên liệu đầu vào là xăng dầu chiếm từ 35 - 45%. Giá xăng tăng như thế này, vận chuyển hàng hóa, nông sản từ các tỉnh phía Nam tiếp tục rục rịch tăng. Dự báo, cước vận tải sẽ tăng đội lên 120 - 130 triệu đồng/container và sẽ còn cao hơn nữa nếu giá xăng chưa ngừng tăng.

Xăng tăng giá, giá vận chuyển hàng hóa cũng tăng theo khiến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn hơn.
Xăng tăng giá, giá vận chuyển hàng hóa cũng tăng theo khiến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn hơn.

Theo tính toán của Hội Lương thực – Thực phẩm TP HCM, ở hoạt động xuất khẩu, tình hình cũng không mấy khả quan khi giá sản phẩm xuất khẩu qua đường hàng không xuất sang các thị trường như Mỹ, Úc, EU,… trung bình đạt 11,5 USD/kg. Cụ thể, giá sản phẩm là 2,5 - 3 USD/kg, còn 8,5 - 9 USD là chi phí vận chuyển cho một kg trái cây. Như vậy, chi phí vận chuyển chiếm tới 70 - 80% giá thành sản phẩm.

Chi phí vận chuyển qua đường biển cũng không mấy khả quan, khi một thời gian dài chi phí logistics tăng cao gấp 2 - 3 lần so với năm 2019. Hiện DN DN xuất khẩu như ngồi trên đống lửa, phải tính đủ mọi đường để giảm thiểu mức thiệt hại.

“Cùng với các loại chi phí khác như bao bì, nguyên vật liệu đã tăng từ 10-35% so với lúc giá tốt trước đây và chi phí logistic tăng cao thời gian qua, nay cộng thêm việc giá xăng dầu ở mức cao đã làm chi phí đầu vào tăng cao, các dịch vụ, phí, cước giao hàng… đều tăng theo, trực tiếp tấn công khiến các DN càng thêm khó khăn. Cứ đà tăng liên tục, buộc DN phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm. Đây sẽ là điều các DN không mong muốn trong bối cảnh hiện nay”, bà Lý Kim Chi quan ngại.

Cần dùng quỹ bình ổn xăng dầu và giảm thuế, phí

Giải bài toán kiềm cương giá xăng dầu, vận chuyển, hàng hóa, ông Lê Trung Tính cho rằng, cần có 2 giải pháp vĩ mô và 2 giải pháp vi mô. Một là Bộ Tài chính và Bộ Công thương nên dùng quỹ bình ổn giảm giá xăng dầu. Hai là trình Chính phủ giảm thuế và phí trong một lít xăng dầu vì các loại thuế, phí trong một lít xăng dầu quá cao. Trước đây, 10.000 đồng/lít xăng dầu thì thuế phí chiếm 60%. Nhưng hiệu nay thuế, phí hiện chiếm 40 – 45% cơ cấu giá thành xăng dầu. Đề nghị rút xuống còn 20 – 30% để kéo giảm giá xăng dầu.

Về giải pháp vi mô, mô, tăng giá cước là điều không tránh khỏi. Ngoài ra, bản thân DN cũng phải tự tiết kiệm nguyên vận liệu đầu vào, tăng năng suất lao động, tổ chức hợp lý vận tải lại để... giảm chi phí đầu vào và không tăng giá như tăng xăng dầu.

“Thay vì đưa ra các gói hỗ trợ này, gói hỗ trợ kia nên dùng quỹ bình ổn xăng dầu. Đồng thời, giảm bớt chi phí đầu vào cho DN vận tải. Mong muốn của vận tải hàng hóa là giảm thuế, phí, bảo trì đường bộ,... như vậy DN vận tải mới sống nổi”, ông Bùi Văn Quản nêu quan điểm.

Bán lẻ hiện đại đang cố giữ giá bằng các chương trình giảm giá, khuyến mãi.
Bán lẻ hiện đại đang cố giữ giá bằng các chương trình giảm giá, khuyến mãi.

Cũng theo vị này, hiện nay chi phí hàng ngày của một xe vận chuyển hàng hóa hết 1 – 1,2 triệu đồng, bao gồm: bảo hiểm, bảo trì đường bộ, bến bãi... Nếu DN có 10 xe mà chạy được cả 10 còn đỡ. 7/10 chạy, 3 xe nằm bãi thì cũng không ăn thua vì 7 xe phải nuôi 3 xe. Đồng quan điểm trên, nhiều ý kiến mong muốn, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, Chính phủ cần hỗ trợ điều chỉnh giảm được các chi phí về kiểm định, các chi phí khi xe lăn bánh trên đường,… cũng như các chi phí liên quan ở mức thấp cho các DN. Bản thân mỗi DN cũng có giải pháp khác nhau.

Ông Lê Văn Chung – Giám đốc HTX Vận tải cơ giới Tiền Phong (Kon Tum) cho biết: “Xăng tăng, lợi nhuận giảm 30% so với trước kia nhưng đỡ hơn dịch bệnh. Trong lúc chưa thể tăng giá vận tải HTX phải tự xoay xở, thắt lưng buộc bụng bằng cách giảm chi phí hoạt động vận tải. Đơn cử về nhân lực, thay vì 4 – 5 người thì bớt đi 1 người và dùng công nghệ. Đối với container có thể lắp camera hành trình giảm bớt trả lương”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng hóa, dịch vụ rục rịch tăng giá theo xăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO