Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch.
Đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến lao động – việc làm
Theo đó, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương, đặc biệt là làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình lao động, việc làm; lao động có việc làm giảm, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng.
Cụ thể, từ số liệu của Bộ LĐTBXH cho thấy, theo xu thế tăng lực lượng lao động hàng năm trước khi có dịch thì lực lượng lao động thực tế đang thấp hơn trạng thái bình thường mới là 1,7 triệu lao động. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng lên, được ghi nhận có tỷ lệ cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, chứng tỏ dịch Covid-19 đã không chỉ tước đi cơ hội có việc làm của hàng triệu lao động mà còn đẩy nhiều lao động khác rơi vào trạng thái dễ bị tổn thương do không có việc làm chính thức.
Lao động thiếu việc làm cả nước tại quý II/2021 là 1,1 triệu người, tỷ lệ thiếu việc làm ở cả nông thôn và thành thị đều tăng.
Tỷ lệ thất nghiệp cũng có xu hướng tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh: Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2021 gần 1,2 triệu người.
Bên cạnh đó, tác động tiêu cực của dịch covid-19 còn thể hiện qua số lao động bị mất việc làm nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2021, số lao động bị mất việc làm nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lên đến hơn 400.000 người.
Cũng trong quý II năm 2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Như vậy, so với quý I năm 2021, dịch Covid-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực.
Hàng loạt chính sách hỗ trợ lao động được triển khai
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ LĐTBXH đã có những chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tất cả các chính sách nhằm nỗ lực giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động, duy trì mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Nghị quyết 68/NQ-CP của Bộ LĐTBXH đã được Chính phủ phê duyệt ngày 1/7/2021. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 23 /2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 để thực hiện Nghị quyết 68. Một vài chính sách mới nổi bật như:
Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng cho người lao động.
Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động: Đây là chính sách hỗ trợ mới, hỗ trợ tối đa 6 tháng đào tạo với mức 1.500.000 đồng/người lao động/tháng trong vòng 1 năm, từ ngày 1/7/2021.
Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: Mức trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.
Chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế: Đây là chính sách mới theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, trong bối cảnh người lao động gặp nhiều khó khăn do đại dịch, Nhà nước hỗ trợ tiền ăn cho các đối tượng F0, F1 đang điều trị, cách ly y tế, bảo đảm toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh cho trẻ em trong thời gian điều trị bệnh hoặc cách ly y tế. Riêng trẻ em còn được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/ trẻ em để mua sắm các vật dụng thiết yếu, phù hợp với nhu cầu của trẻ em.
Chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch: Đây là chính sách mới theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, theo đó, viên chức hoạt động nghệ thuật được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: (i) Là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV. (ii) Làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải tạm dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19. Mức hỗ trợ: 3.710.000 đồng/người và chi trả 1 lần cho người lao động. Hồ sơ đề nghị, trình tự thủ tục đơn giản, ngắn gọn. Thời hạn giải quyết tối đa 5 ngày.
Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, gồm có 2 nội dung chính: Vay vốn trả lương ngừng việc kế thừa từ Nghị quyết số 42/NĐ-CP); và Vay vốn trả lương phục hồi sản xuất (chính sách mới).
Ngoài ra, Bộ LĐTBXH còn phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ban hành các hướng dẫn về việc tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.