Hàng loạt địa phương chấn chỉnh dạy thêm, học thêm: Liệu có hiệu quả?

Nguyễn Hoài 03/10/2023 11:36

Trước những biến tướng của dạy thêm, học thêm ngay đầu năm học mới, nhiều địa phương ra các văn bản nhằm chấn chỉnh tình trạng này.

Rà soát hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa

Dạy tăng cường ngoại ngữ, kỹ năng sống, giáo dục STEM, bồi dưỡng sau giờ học…, hàng loạt các khoản thu cho việc dạy học tăng cường tại một số trường học đang khiến dư luận bức xúc ngay đầu năm học mới.

Nhằm chấn chỉnh các khoản thu chi đầu năm học không đúng quy định, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, UBND TP Hải Phòng vừa ban hành công văn gửi Sở GDĐT, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các quận, huyện về việc chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm, phối hợp liên kết giáo dục, việc thu chi trong trường học.

Một giờ học của học sinh Hà Nội.

Theo đó, UBND TP Hải Phòng giao Sở GDĐT chủ trì, cùng UBND các quận, huyện, các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm rà soát, chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm, phối hợp liên kết giáo dục, việc thu chi trong trường học; bảo đảm thực hiện đúng quy định, có điều chỉnh quy định tối đa số buổi, số tiết học thêm trong tuần, phù hợp đối với mỗi khối học, giảm áp lực cho người học…

Đồng thời, có giải pháp xử lý nghiêm những trường hợp thực hiện sai quy định việc dạy thêm, học thêm, việc liên kết giáo dục và lạm thu trong trường học.

Theo Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh, Sở sẽ rà soát tất cả hồ sơ pháp lý các đơn vị tổ chức hoạt động ngoài giờ chính khoá gồm ngoại ngữ, kỹ năng sống, tin học.

Sở cũng sẽ tiếp tục giám sát việc sử dụng giáo viên người nước ngoài, thực hiện chế độ chính sách, liên kết giáo dục, nhượng quyền thương mại các chương trình kỹ năng sống của tổ chức nước ngoài. Sở cũng cho biết sẽ phối hợp với các đơn vị rà soát, đôn đốc việc kê khai giá.

Sở GDĐT Nam Định cũng vừa có văn bản gửi các trường THPT, phòng GDĐT trực thuộc về chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm năm học 2023 - 2024.

Theo đó, Sở yêu cầu các trường phải thực hiện đúng quy định về thời gian, thời lượng, các yêu cầu chung về dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Tuyệt đối không dạy thêm, học thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm với học sinh tiểu học.

Ngoài ra, Sở GDĐT Nam Định yêu cầu các trường không tự ý cho giáo viên trong trường mượn hoặc thuê cơ sở vật chất, tài sản nhà trường để tổ chức dạy thêm, học thêm. Nếu cho cá nhân, tổ chức mượn hoặc thuê cơ sở vật chất, tài sản nhà trường để tổ chức dạy thêm, học thêm, nhà trường phải xây dựng đề án báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Tại Nghệ An, theo ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An, Sở quyết định tạm dừng việc các trung tâm liên kết dạy kỹ năng sống trong cơ sở giáo dục công lập. Đồng thời, rà soát các trung tâm, thẩm định chương trình dạy kỹ năng sống và tổ chức triển khai khi đầy đủ điều kiện và đảm bảo quy định.

Sở GDĐT Thanh Hóa yêu cầu các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn không vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; không tổ chức theo lớp học chính khóa. Mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học (mỗi tuần không quá 3 tiết học) đối với hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khoá.

Đối với dạy học làm quen tiếng Anh của trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học, Sở GDĐT Thanh Hóa quy định mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người Việt Nam; 30.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người nước ngoài.

Bất cập do đâu?

Trong bối cảnh đầu năm học 2023-2024, hàng loạt các sự việc liên quan tới dạy thêm học thêm, các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa có nhiều biến tướng ở một số nhà trường, Bộ GDĐT cũng vừa có công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về liên kết, tổ chức, triển khai hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa (dạy thêm, dạy liên kết...) theo nhu cầu người học.

Trong công văn, Bộ GDĐT khẳng định, kết quả về hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng và giáo dục nhân cách toàn diện cho người học.

Tuy nhiên, Bộ GDĐT cũng nhìn nhận, công tác quản lý hoạt động này còn có hạn chế dẫn đến băn khoăn, lo lắng và tạo ra dư luận không tốt về hoạt động giáo dục này.

Có thể thấy, nhiều địa phương đã có văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, chèn môn tự nguyện vào giờ học chính khóa. Về phía Bộ GDĐT, cũng đã có các quy định về nội dung liên quan. Tuy nhiên, thực tế, công tác quản lý các hoạt động này vẫn còn lúng túng, bất cập.

Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến dạy thêm, học thêm.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nghĩ, ngoài xuất phát từ phía giáo viên, phụ huynh thì gốc cũng từ phía chương trình, thi cử nặng nề. Đây là cả một dây chuyền nên nếu muốn bàn tới giải pháp thì phải “sửa” hệ thống chứ không riêng một khâu nào.

Do vậy, ông Nhĩ cho rằng, giải pháp đầu tiên là cần giáo dục đạo đức cho người thầy. Thứ hai, làm thế nào để đời sống của người thầy tương đối để họ có thể sống được với nghề.

Thứ ba, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cha mẹ học sinh, đừng ép buộc con mình quá mức về việc học. Cuối cùng là xem lại toàn bộ hệ thống chương trình, nội dung sách giáo khoa hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng loạt địa phương chấn chỉnh dạy thêm, học thêm: Liệu có hiệu quả?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO