Nhiều diện tích rừng già trong Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đakrông tỉnh Quảng Trị bị triệt hạ không thương tiếc bởi lợi ích kinh tế và sinh kế của “lâm tặc” là người địa phương trước sự bất lực của Kiểm lâm và chính quyền sở tại.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2020 đến nay, “lâm tặc” phá rừng “có máu mặt” ở các xã Tà Long, A Bung, Húc Nghì trong khu BTTN Đakrông đã chấm dứt phá rừng, trở thành những thành viên tích cực bảo vệ, chăm sóc các cánh rừng.
Giữa tháng 11, chúng tôi quay lại tiểu khu 724A, 719B thuộc địa bàn thôn La Tó, xã Húc Nghì - nơi từng có đến 360 cây rừng tự nhiên đường kính từ 20 đến trên 50 cm bị chặt hạ chỉ trong vài ngày khiến tập thể Chi bộ Ban quản lý Khu BTTN Đakrông và 2 lãnh đạo chủ chốt ở Khu BTTN này bị kỷ luật. 2 tiểu khu này hiện đang được những người dân thôn La Tó, A Bung thường xuyên tuần tra, bảo vệ, chăm sóc.
“Lâm tặc” Hồ Văn Lâm, nay là Phó thôn La Tó kiêm trưởng nhóm bảo vệ rừng của thôn, nói rằng người dân La Tó không ai chặt trộm gỗ đem bán hay phá rừng trồng cây keo lai vì lợi ích trước mắt nữa vì nhà nào cũng được Ban quản lý Khu BTTN giao khoán, chi trả hợp lý tiền dịch vụ môi trường rừng. Theo quan sát của chúng tôi, 2 bên đường vào thủy điện La Tó không còn dấu vết của những thân gỗ lớn bị kéo ra khỏi rừng.
Ông Trương Quang Trung, Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Đakrông cho biết, từ đầu năm 2020 đến thời điểm này, tình trạng chặt trộm gỗ, phá rừng tự nhiên lấy đất trồng cây keo lai tại các xã thuộc khu bảo tồn đã giảm hẳn. Giao khoán rừng tự nhiên và việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (có sự đóng góp của các dự án thủy điện trong khu BTTN) không chỉ đảm bảo nâng cao đời sống, tạo sinh kế mới mà còn nâng cao nhận thức của từng hộ dân đối với rừng. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, hàng loạt tên tuổi “lâm tặc” nổi tiếng tại các xã Tà Long, Húc Nghì, A Bung (trong Khu BTTN Đakrông) đã đồng loạt bỏ nghề, trở thành những thành viên tích cực bảo vệ, chăm sóc rừng.