Trong những ngày qua, một số lượng khổng lồ người hâm mộ môn thể thao vua đã đổ đến nước Pháp để dự khán Euro 2016, một giải đấu bóng đá được xem là có nhiều vấn đề đáng ngại nhất từ trước đến nay ở châu Âu.
90.000 cảnh sát và lính gác được triển khai tại Pháp để bảo vệ Euro 2016 (Nguồn: AFP).
Biểu tình và đình công
Chỉ ngay việc đến các địa điểm sân vận động có tổ chức các trận đấu bóng đá trong khuôn khổ Euro 2016 ở Pháp cũng là một việc khó khăn đối với fan hâm mộ. Các phi công của hãng hàng không Air France hiện đang lên kế hoạch đình công lớn trong cuối tuần này, tức lúc mùa giải đã đi đến ngày thứ hai, và sẽ tiếp diễn trong suốt 4 ngày kế tiếp.
Một người phát ngôn hãng Air France đã xác nhận thông tin về cuộc đình công này, nhưng cam kết rằng 70% các chuyến bay của họ vẫn được đảm bảo. Bởi vậy mà những fan hâm mộ nếu may mắn thì có thể đến được Pháp bằng đường hàng không, còn không may mắn thì sẽ phải đi bằng tàu hỏa.
Thế nhưng, trong lúc mà công nhân ngành đường sắt cũng đang tổ chức đình công khắp nước Pháp, thì các chuyến tàu ra và vào nước này cũng bị ngưng trệ kể từ ngày 31/5 tới nay - trong đó gồm cả tuyến đường sắt RER D nối với sân vận động Stade de France.
Đến nước Pháp trong thời điểm này, các fan hâm mộ bóng đá luôn phải dè chừng các cuộc biểu tình và đình công. Ngoài các cuộc đình công của công nhân đường sắt và các phi công ngành hàng không, hàng nghìn nhân công từ các ngành nghề khác nhau cũng đang tổ chức biểu tình trên khắp nước Pháp trong suốt hơn 2 tháng qua để phản đối một cuộc cải cách lao động mới - trong đó giúp các công ty có thể dễ dàng thuê mướn và sa thải nhân công.
Các cuộc biểu tình này đã từng dẫn đến các vụ đụng độ với cảnh sát và đủ kiểu bạo lực, chủ yếu ở khu vực trung tâm Paris và Place de la Republique.
An ninh thắt chặt
Để đảm bảo tình hình an ninh, chính phủ Pháp đã phải triển khai một lực lượng an ninh khổng lồ với xấp xỉ 90.000 cảnh sát và lính gác để kiểm soát tình hình tại các địa điểm diễn ra sự kiện Euro 2016. Điều này vừa có nghĩa rằng các fan hâm mộ được bảo vệ tốt, nhưng họ cũng phải trải qua các thủ tục kiểm tra rườm rà mỗi khi tới gần 1 trong số 110 địa điểm tổ chức sự kiện - bao gồm các sân vận động, khu vực fan hâm mộ và các khách sạn nơi đội tuyển các nước lưu lại.
Một người muốn vào bất kỳ sân vận động nào cũng phải chờ đợi khoảng 3 giờ đồng hồ trong một hàng người dài, bởi có khoảng 2,5 triệu người dự kiến đến nước Pháp trong dịp này.
Mối đe dọa khủng bố
Bất chấp hàng loạt các biện pháp thắt chặt an ninh, các chính phủ nước khác vẫn không tin rằng các biện pháp này sẽ khiến mùa giải Euro năm nay an toàn tuyệt đối và vẫn thường xuyên cảnh báo công dân nước mình về “khả năng xảy ra khủng bố”.
Bộ Ngoại giao Mỹ là cơ quan đầu tiên đưa ra cảnh báo như vậy. “Các sân vận động Euro 2016, khu vực fan hâm mộ, và các địa điểm giải trí trên khắp nước Pháp và châu Âu đều có khả năng trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố”, cảnh báo trên nêu rõ. Nước Anh cũng đưa ra cảnh báo như vậy, khuyến cáo rằng công dân nước họ có thể “trở thành nạn nhân bất cứ lúc nào”.
Người đứng đầu Ủy ban tổ chức Euro 2016, ông Jacques Lambert, đã cam kết rằng các nhà tổ chức không nhận được bất kỳ thông tin tình báo nào cho thấy mối đe dọa đối với 10 sân vận động chính và các khu vực fan hâm mộ, thêm rằng nước Pháp vẫn duy trì tình trạng khẩn cấp kể từ vụ tấn công khủng bố đẫm máu hồi tháng 11 năm ngoái.
Người hâm mộ đến với mùa giải năm nay cũng sẽ không được chung niềm vui lớn cổ động ngay trên đường phố nữa, bởi theo biện pháp an ninh mới, Pháp đã cấm tất cả các quán cà phê và quán bar trình chiếu trực tiếp giải đấu bên ngoài quán của họ. Điều này có nghĩa người ta vẫn có thể xem trận đấu qua TV màn ảnh nhỏ trong quán bar, nhưng không được phép xem màn hình lớn được lắp đặt bên ngoài.