Mỗi khi có người bắt được cá lại hô to để mọi người cùng hò reo tán thưởng, tạo nên một không khí vui tươi, náo nhiệt, vang dậy khắp cả đầm.
Lễ hội đánh cá Đầm Vực thu hút hàng nghìn người dân và du khách.
Sáng 14/6, hàng trăm người dân lại nô nức về Đầm Vực (xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) để tham gia lễ hội độc nhất vô nhị với truyền thống gần 300 năm ở vùng quê Hà Tĩnh.
Từ 5h sáng, ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Khang Thịnh, xã Xuân Viên) đã thức dậy chuẩn bị nơm, vó để cùng người dân trong làng ra Đầm Vực bắt cá. Với ông Hùng, dù năm nào ông cũng tham gia lễ hội nhưng chưa khi nào ông hết cảm giác hào hứng. “Tôi gọi cả gia đình, từ lớn đến bé đều ra đầm để tham gia lễ hội truyền thống của dân làng, vừa để cho con cháu có dịp trải nghiệm một loại hình văn hóa độc đáo của quê hương” – ông Hùng vui mừng chia sẻ.
Người dân, du khách khắp nơi cùng nhau ra đầm, đúng 7h sáng, sau 1 tiếng hô lớn làm khẩu lệnh, hàng nghìn người cùng với các dụng cụ nơm, lưới, vó, nhủi... ào xuống đầm bắt cá. Mỗi khi có người bắt được cá lại hô to để mọi người cùng hò reo tán thưởng, tạo nên một không khí vui tươi, náo nhiệt, vang dậy khắp cả đầm.
Theo quan niệm, càng bắt được nhiều cá, người đó càng may mắn trong mùa màng.
Lễ hội đánh cá Vực Rào còn có tên gọi khác là Lễ hội đánh cá Đồng Hoa, được tổ chức thường niên khi người dân hoàn tất thu hoạch mùa màng (trước hoặc sau tết Đoan Ngọ, tùy theo mực nước cao hay thấp).
Hội đánh cá Đầm Vực diễn ra tại một đầm nước rộng hơn 30 ha, nằm ven chân núi Hồng Lĩnh. Đây là nơi sơn thủy hữu tình, làng quê yên bình, đẹp như tranh vẽ.
Theo các cụ cao niên trong làng, trước đây, Hội đánh cá Đầm Vực được tổ chức khá quy củ, làng lập ra quy định, có ban quản lý tuần tra canh gác thường xuyên, ngày thường không cho người dân đến đánh bắt cá. Chỉ đến ngày lễ, người dân trong xã mới được đánh bắt cá tại Đầm Vực.
Theo tục lễ xa xưa, vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch được chọn là ngày tổ chức lễ hội chính. Vào ngày này, người đứng đầu làng và các bậc cao niên trong làng cho lập bàn thờ dâng hương, hoa quả cúng tế thành hoàng bản thổ tại ngôi miếu cạnh Đầm Vực.
Qua thời gian, lễ hội đánh cá Đầm Vực không còn vẹn nguyên như xưa nhưng chính quyền và bà con nơi đây vẫn giữ được nét căn bản và duy trì vào ngày chủ nhật trung tuần tháng 5 âm lịch hàng năm để bà con xa quê có điều kiện tham gia đông đủ.
Nhiều người chuẩn bị vó với kỳ vọng sẽ cất được nhiều cá.
Bắt đầu khai hội, sau khi làm lễ cúng trên bờ, Chủ tịch UBND xã sẽ hô 1 tiếng lớn làm khẩu lệnh, hàng nghìn người cùng với các dụng cụ nơm, lưới, vó, nhủi... ào xuống đầm bắt cá, khung cảnh rộn ràng, náo nhiệt khuấy động tưng bừng khắp mặt đầm, nhất là tiếng hò reo, vui mừng vang vọng khi ai đó bắt được con cá to.
Theo quan niệm của người xưa, tại lễ hội, ai bắt được cá to, người đó sẽ gặp may mắn, mùa màng bội thu, buôn may bán đắt. Con cá to nhất, sẽ được người dân dâng cúng Thành Hoàng làng.
Những năm gần đây, để bảo vệ và nâng cao chất lượng, truyền thống và ý nghĩa của Lễ hội, xã Xuân Viên đã lập ra một đội bảo vệ đầm, cấm đánh bắt, rà, lưới trên đầm nên lượng cá vào mùa lễ hội rất nhiều, lắm cá to.
Tan cuộc, có người úp được cả vài chục ký cá. Mọi người đều thấm mệt nhưng rất vui vẻ, hứng khởi, hả hê vì được ăn cá đồng tươi ngon…
Chiến lợi phẩm của một người dân tham gia lễ hội.
Đây là một lễ hội mang đậm bản sắc dân gian độc đáo, không những nâng cao tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư mà còn mang tư tưởng khuyến nông, khuyến ngư.
Đây là 1 trong 3 lễ hội đánh cá truyền thống ở Việt Nam còn lưu giữ được đến ngày nay (Lễ hội đánh cá thờ ở Phong Châu - Phú Thọ; lễ hội đánh cá làng Me ở huyện Phúc Thọ - Hà Nội). Riêng Hội đánh cá Đầm Vực ở xã Xuân Viên đã tồn tại gần 300 năm nay.
Những năm gần đây, huyện Nghi Xuân xây dựng được một số tour tuyến du lịch trải nghiệm nông thôn mới, Hội đánh Vực độc đáo này vì thế càng thu hút được nhiều du khách hơn.
Cùng nhau xem chiến lợi phẩm.