Gần 170 cuộc gọi tới cơ quan quản lý, giải quyết các khiếu nại liên quan đến quyền của người tiêu dùng trong 1 tháng. Nhưng điểm đáng lưu ý ngành hàng được yêu cầu tư vấn giải quyết khiếu nại và được phản ánh nhiều nhất là tiêu dùng hàng ngày (77 trường hợp) với tỷ lệ 45% sau đó là nhóm điện thoại, viễn thông, truyền hình (52 trường hợp) và nhóm thiết bị điện tử gia dụng (39 trường hợp).
Nguồn: baogiaothong.vn
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ với Tiêu dùng nói, người tiêu dùng gần như lạc vào mê hồn trận thông tin thật giả, khi mua hàng qua mạng. Khách hàng chỉ biết mình bị lừa khi nhận sản phẩm. Bà kiến nghị, một khi các cơ quan chức năng cho các hãng quảng cáo sản phẩm thì phải có trách nhiệm thẩm định. Không được buông lỏng để người tiêu dùng bị lừa.
Điều đáng nói nữa là, khi mua hàng người tiêu dùng chỉ dừng lại ở mức quan tâm đến ngày sản xuất, hạn sử dụng, nhà sản xuất, còn khi biết mình mua phải hàng giả, hàng nhái thì dường như ngại đòi lại quyền lợi.
Cục quản lý Cạnh tranh công bố trung bình 170 trường hợp yêu cầu được tư vấn giải quyết khiếu nại và được phản ánh cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Chỉ tính riêng trong tháng 5, hàng hóa tiêu dùng nhận được yêu cầu tư vấn giải quyết khiếu nại nhiều nhất. Sau đó là nhóm điện thoại, viễn thông, truyền hình (52 trường hợp), nhóm thiết bị điện tử gia dụng (39 trường hợp). Sau 3 nhóm ngành hàng này là nhóm dịch vụ vận tải, phương tiện vận tải, làm đẹp, môi trường, thực phẩm...
Ông Vũ Vĩnh Phú, nguyên phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, các vụ việc nhỏ lẻ liên quan tới mua hàng giả hàng kém chất lượng nếu như kiện cáo thì rất lâu. Thậm chí còn bị “chìm xuồng” do cơ quan quản lý không quan tâm. Chúng ta có Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng nhưng Luật đi vào cuộc sống chưa sâu. Cần lập các hòm thư tại xã, phường để nhận đơn góp ý của người dân, giúp người tiêu dùng hiểu được quyền lợi của mình, đó là điều rất đáng quan tâm.