Mới đây Đại Đoàn Kết có bài “Gỗ từ đâu về”, phản ánh việc sau lũ gỗ tràn ngập lòng sông và hồ thủy điện, Kiểm lâm Quảng Ngãi nói gỗ từ Quảng Nam, Quảng Nam khẳng định không phải thế. Vậy gỗ từ đâu về?
Tại hội nghị về quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) sáng nay (1/12) lại thừa nhận có đến hàng trăm vụ phá rừng ở vùng giáp ranh, gần 900.000m3 gỗ trái phép, xe ô tô và các phương tiện khai thác gỗ trái phép bị tịch thu.
Cụ thể, sáng 1/12, tại Quảng Nam, đã diễn ra Hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp QLBVR giáp ranh 3 của 3 tỉnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum, qua đây cho thấy tình trạng phá rừng ở các vùng giáp ranh còn rất phức tạp.
Việc phá rừng ở vùng giáp ranh là rất hệ trọng, bởi vì hầu hết hệ sinh thái rừng giáp ranh giữa 3 tỉnh là rừng tự nhiên, tính đa dạng sinh học cao, với sự hiện diện của nhiều loài động thực vật quý, hiếm, đặc hữu.
Đặc biệt, rừng tại khu vực giáp ranh này là đầu nguồn của các con sông lớn, có tác dụng phòng hộ bảo vệ chống xói mòn, điều hòa nguồn nước. Với đặc điểm đó, khu vực rừng này đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội và phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân 3 tỉnh. Thế nhưng đáng lo ngại khi tình trạng phá rừng vẫn liên tục xảy ra.
Phát biểu tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho rằng, trong những năm qua công tác phối hợp QLBVR vùng giáp ranh 3 tỉnh nói trên đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên theo ông Bửu, các giải pháp QLBVR vẫn còn nhiều hạn chế, công tác phối hợp ở một số nơi chưa thực sự hiệu quả;… ông Bửu mong rằng, hội nghị lần này là dịp để các ngành, đơn vị liên quan của 3 tỉnh chia sẻ về kinh nghiệm về công tác phối hợp QLBVR giáp ranh. Hướng đến mục tiêu cao nhất trong phát triển bảo vệ rừng là tạo sinh kế cho người dân.
Nói đến việc phá rừng ở vùng giáp ranh, ông Trần Văn Thu, Chi cục Trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam có vùng rừng giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum với chiều dài hơn 260km. Trong đó, các huyện như Phước Sơn, Nam Trà My, Núi Thành giáp ranh với 3 huyện Đắk Glei, Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum và 3 huyện Bình Sơn, Trà Bồng, Sơn Tây của tỉnh Quảng Ngãi.
Để QLBVR, thời gian qua kiểm lâm Quảng Nam nói riêng và 3 tỉnh nói chung thường xuyên chỉ đạo cho kiểm lâm làm việc tại địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương vùng giáp ranh tổ chức triển khai nhiều đợt tuyên truyền các văn bản pháp luật về công tác QLBVR, phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng tại các xã vùng giáp ranh. Cụ thể tại Quảng Nam đã có 53 đợt/4.459 lượt người tham gia và tổ chức ký cam kết cho các hộ dân sống gần rừng, ven rừng khu vực vùng giáp ranh không phá rừng làm rẫy; không khai thác lâm sản trái pháp luật và bảo vệ động vật hoang dã được 15 đợt/969 hộ;…
“Trong thời gian qua, các Hạt kiểm lâm vùng giáp ranh, đội Kiểm lâm cơ động và đội Phòng cháy chữa cháy rừng thuộc Chi cục kiểm lâm 3 tỉnh đã tổ chức kiểm tra, truy quét, đẩy đuổi các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng tại vùng giáp ranh; trong đó tổng số đội tuần tra truy quét bảo vệ rừng là gần 2.500 đợt…”.
Theo ông Thu: “Qua đó đã đẩy đuổi hơn 150 lượt người ra khỏi rừng, phát hiện và lập biên bản vi phạm 277 vụ, xử lý 272 vụ; trong đó xử phạt hành chính 256 vụ; tang vật, phương tiện bị tịch thu hơn 850.000m3 gỗ quy tròn các loại, 25.023kg gỗ các loại, 1 cá thể vọoc, 11 cá thể rùa núi viền, 5 xe ô tô;… với tổng số tiền thu được vào ngân sách nhà nước hơn 5,6 tỷ đồng”.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã trình bày các tham luận như: Công tác phối hợp giải quyết tranh chấp đất lâm nghiệp vùng giáp ranh giữa xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây với xã Trà Vân huyện Nam Trà My; Hiệu quả việc sử dụng dịch vụ môi trường trong công tác QLBVR; công tác phối hợp trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi trái pháp luật thuộc lâm phần quản lý; Công tác tổ chức phối hợp tuần tra, truy quét lâm, khoáng sản trái phép và công tác PCCC rừng vùng giáp ranh;…
Dịp này, UBND tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum ký kết Quy chế phối hợp QLBVR giáp ranh. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã tặng bằng khen cho 1 tập thể, UBND tỉnh Kon Tum tặng bằng khen cho 3 tập thể, cá nhân và UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng bằng khen cho 4 tập thể, cá nhân đã có thành tích trong công tác QLBVR và quản lý lâm sản giai đoạn 2018-2020.
Như vậy, Quy chế phối hợp QLBVR đã được ký kết, đẩy đuổi lâm tặc liên tục, tịch thu hàng chục nghìn mét khối gỗ, công tác khen thưởng cũng đã được chú trọng. Thế nhưng rừng tự nhiên vẫn bị tàn phá. Sau lũ vừa rồi là một minh chứng. Vấn đề này Đại Đoàn Kết đã có rất nhiều tin, bài phản ánh, thế nhưng rừng tự nhiên vẫn bị tàn phá. LÀm sao QLBVR hiệu quả vẫn là câu hỏi lớn.