Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Séc Hoàng Đình Thắng là người có nhiều đóng góp cho quê hương qua việc cùng với bạn bè đầu tư vào khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Phúc) và Công ty cổ phần SOIVA mà ông cùng các cộng sự lập ra. Nhân dịp dự tọa đàm “Doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào phát triển cùng đất nước”, ông đã chia sẻ nhiều yếu tố để hàng Việt đứng vững ở nước ngoài.
Ông Hoàng Đình Thắng.
PV:Thưa ông, việc Việt Nam vừa ký các FTA thế hệ mới có thực sự là cú hích để bà con đầu tư về trong nước hay tạo điều kiện đưa hàng Việt ra nước ngoài?
Ông Hoàng Đình Thắng: Việc ký kết đó rất có lợi. Quả thực, nó tạo điều kiện cho giao thương tốt hơn. Người Việt Nam ở từng địa bàn nắm rõ phong tục tập quán, sở thích của người địa phương, cũng biết rõ hàng hóa, tiềm năng của Việt Nam- đó là một lợi thế. Tôi có thể khẳng định việc ký các FTA thế hệ mới đã tạo ra cơ hội mới. Tuy nhiên, việc các DN của ta trong đó đặc biệt là các DN kiều bào có nắm bắt được cơ hội và biến cơ hội thành hiện thực hay không cũng là vấn đề.
Vậy với riêng CH Séc thì việc ký FTA mà cụ thể ở đây là EVFTA với Việt Nam được đánh giá thế nào, thưa ông?
Với CH Séc thì việc Việt Nam ký các FTA nói chúng và ký EVFTA nói riêng cũng tạo thuận lợi về mặt đối ngoại với Séc. Hiện Séc coi Việt Nam là một trong 12 đối tác ưu tiên và chính quyền có sự ủng hộ tốt đối với hàng hóa của Việt Nam sang Séc và hàng hóa của Séc về Việt Nam.
Từ kinh nghiệm hoạt động của ông tại Trung tâm thương mại Sapa (CH Séc), ông thấy hiệu quả kinh doanh hàng Việt ở nước ngoài hiện đến đâu?
Về vấn đề này, tôi nghĩ: Hiệu quả kinh doanh còn phụ thuộc nhiều yếu tố; trong đó bao gồm cả sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong nước khi xuất hàng từ Việt Nam sang và từ nước ngoài về Việt Nam.
Sapa là trung tâm thương mại lớn nhất của người Việt tại Séc nhưng cũng phải nói thật, hiện ở đó nhiều nhất vẫn là hàng Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng với việc ký kết và đi vào thực hiện của FTA thế hệ mới thì hàng hóa của Việt Nam sang CH Séc sẽ tăng lên.
Chúng ta cũng có một lợi thế, đó là, khách hàng Séc có sự chọn lọc ngày càng tinh tế. Hàng Trung Quốc thực sự không có uy tín với dân sở tại. Chúng tôi hy vọng hàng Việt Nam đưa từ trong nước sang với sự quản bá tích cực sẽ trở nên ngày càng phổ biến.
Nhưng hàng Việt Nam sang CH Séc cũng cần một quá trình. Hiện chúng ta đã có mặt hàng nông thủy sản, đã có vải sang được Séc nhưng so với hàng Trung Quốc và hàng Thái Lan thì quả thực chưa nhiều. Nhưng hiện thời, hàng nông sản Việt Nam phục vụ cho người Việt ở Séc cũng khiến người dân Séc rất quan tâm. Các quán ăn trong Trung tâm thương mại Sapa đã có nhiều quán dùng nông sản Việt. Các Đại siêu thị ở Séc cũng bắt đầu việc triển khai bán hàng Việt. Đây là điều rất đáng mừng.
Đã có ý kiến cho rằng cần có một danh bạ doanh nghiệp với việc giới thiệu cụ thể về ngành nghề kinh doanh của từng doanh nghiệp Việt ở trong và ngoài nước. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Để việc liên kết DN trong và ngoài nước đạt hiệu quả, tôi đồng ý việc tạo danh bạ, cơ hội gặp gỡ giữa các DN như cuộc tọa đàm này. Tôi thấy cần tăng cường tổ chức thêm các diễn đàn, cách tổ chức thế nào đó Vđể chúng tôi có cơ hội gặp gỡ, liên hệ và cơ hội tìm hiểu thị trường.
Trân trọng cảm ơn ông!