Hành động ngay để chặn bạo lực học đường

Thu Hương 26/04/2023 08:23

Bạo lực học đường vẫn đang là nỗi đau ám ảnh toàn xã hội. Gia đình, nhà trường và xã hội không thể thờ ơ, chậm trễ xử lý.

Những vụ bạo lực học đường không chỉ để lại nỗi đau thể xác mà còn cả về tinh thần, ám ảnh trong suốt cuộc đời học sinh. Ảnh minh họa.

Những vụ bạo lực học đường không chỉ để lại nỗi đau thể xác mà còn cả về tinh thần, ám ảnh trong suốt cuộc đời của học sinh. Thậm chí không ít vụ bạo lực học đường đã cướp đi sinh mạng của những học sinh vô tội. Đáng lo ngại là vấn nạn này đang ngày càng gia tăng.

Không phải chuyện trẻ con

Đầu tháng 4, 2 học sinh lớp 6 ở Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Huế) xảy ra mâu thuẫn trong việc xả rác trong lớp học. Sau đó cả 2 lao vào đánh nhau và một em bị ngã xuống nền, trúng vào chỗ hiểm ngất xỉu. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng em đã qua đời.

Ngày 2/4, một số học sinh Trường Cao đẳng Việt - Hàn, Trường THCS Xuân Nộn (Đông Anh, Hà Nội) và một số em học sinh khác đến nhà em G.T.C. (học sinh lớp 8A2, Trường THCS Xuân Nộn) để nói chuyện. Sau đó, nhóm học sinh xảy ra đánh nhau và quay clip đưa lên nhóm. Hậu quả là em C. bị chấn thương, phù nề vùng mặt, phải nhập viện điều trị. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do các nữ sinh này mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt, học tập.

Một vụ việc gây chấn động dư luận những ngày qua là nữ sinh lớp 10 của Trường THPT chuyên Đại học Vinh, thuộc Đại học Vinh tự tử tại nhà riêng, nghi do bị đánh, ngược đãi và áp đảo tâm lý bởi nhóm bạn học cùng lớp. Điều đáng nói sự việc này gia đình, cô giáo chủ nhiệm và hiệu trưởng cũng biết vì gia đình và cả nữ sinh đều đã gặp hiệu trưởng để xin chuyển lớp trước đó, nhưng không được đáp ứng.

Bạo lực học đường không phải là vấn đề mới xảy ra. Hàng loạt vụ việc xảy ra thời gian qua với mức độ ảnh hưởng khác nhau nhưng với nạn nhân là những thanh thiếu niên đang còn ở lứa tuổi bồng bột, chưa va vấp sự đời thì nỗi ám ảnh bị bắt nạt sẽ đeo bám dai dẳng suốt cuộc đời. Cuộc sống, việc học tập của các em chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực, thậm chí nếu không được xử lý đúng đắn và kịp thời sẽ dẫn đến việc chán nản, bỏ học, cuộc đời rẽ sang một hướng khác…

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội khẳng định, trong thực tế sẽ còn nhiều học sinh đang phải chịu sự bắt nạt mà không thể tâm sự cùng ai hoặc tệ hơn, các em chia sẻ nhưng không nhận được sự quan tâm đúng mức của người lớn, cụ thể là giáo viên và cha mẹ. “Tôi đã chứng kiến có những bố mẹ ban đầu khi con tâm sự bị bạn học bắt nạt thì không quá để tâm, cho rằng chuyện trẻ con và chỉ khuyên con tránh xa các bạn đó, tập trung học hành cho tốt. Sau đó, chuyện đau lòng xảy ra… Ngược lại cũng có những cha mẹ hành xử nóng vội, thấy con bị bạn đánh thì đến trường đánh bạn kia, như vậy cũng không thể giải quyết được việc con bị bắt nạt, thậm chí càng khiến vụ việc bị đẩy đi xa hơn” - ông Lâm kể và cho rằng, trong từng vụ việc cụ thể sẽ có những cách xử lý khác nhau, nhưng quan trọng nhất là phải đứng về phía trẻ, không được để các em cảm thấy bơ vơ không biết bấu víu vào đâu, không thể chia sẻ hay tâm sự với ai vì không có ai tin mình…

Không thể chậm trễ

Hiện nay, bạo lực, bắt nạt không chỉ là những là hành vi bạo hành, đánh đập gây ra những thương tích về mặt thể xác. Nguy hiểm không kém là những hình thức bắt nạt mà người ngoài nhìn vào khó nhận ra như bắt nạt bằng ngôn từ, bằng những hành động tẩy chay, bị phớt lờ trong tập thể... Chính những hình phạt vô hình này lại khiến trẻ cảm thấy không thể chịu đựng được, dễ có những suy nghĩ dại dột vì mất kiểm soát mà đôi khi với người lớn, chuyện chỉ “bé như cái kẹo”.

TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, giải pháp hàng đầu với các nhà trường đó là phải tạo được môi trường thân thiện hơn, các thầy cô giáo đã xử lý vấn đề của mình tốt hơn, học sinh được hạnh phúc hơn. Phương án là đưa giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống vào trong nhà trường.

“Để giải quyết bạo lực học đường, tôi có đề nghị với các cơ quan quản lý, trước hết chúng ta chuyển từ giáo dục chỉ cung cấp kiến thức sang giáo dục để phát triển con người, phát triển năng lực toàn diện. Cần thay đổi nhất là quy chế về đánh giá học sinh, không nhìn nhận học sinh dưới lăng kính điểm số… Nhà trường không quá nặng về xử lý kỷ luật hay đánh giá về đạo đức giáo viên mà cần đưa vào các giá trị và kỹ năng; bồi dưỡng cho giáo viên, giúp họ biết quản lý cảm xúc của mình và chuyển hóa cảm xúc đó: từ áp lực thành động lực, từ những vấn đề căng thẳng hằng ngày trở thành những chuyện họ có thể xử lý được và có động lực phấn đấu, cảm thấy hạnh phúc hơn” - ông Hòa kiến nghị.

“Cha mẹ phải là người tiếp thêm sức mạnh cho trẻ. Khi trẻ bị xúc phạm, bắt nạt, hãy đứng về phía trẻ. Đồng thời, tôi cũng mong rằng mỗi nhà trường, mỗi giáo viên sẽ quan tâm hơn nữa đến tâm lý học sinh, thay vì chỉ quan tâm đến điểm số của các em” – TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành động ngay để chặn bạo lực học đường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO