Ngày 20/10, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Dự phiên khai mạc có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn. Trước đó tại phiên trù bị, Quốc hội đã dành 1 phút mặc niệm Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, ĐBQH khóa XIV, ĐBQH tỉnh Quảng Bình, và các cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang đã hy sinh khi đi cứu hộ tại Thủy điện Rào Trăng 3.
Có giải pháp hiệu quả để sớm khắc phục hậu quả của mưa lũ
Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, kỳ họp diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo.
Đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, kinh tế thế giới suy thoái, cùng những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh trong nước đã tác động bất lợi đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Với sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, sự quyết tâm, đồng lòng, hợp lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, cả nước đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để sớm kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
“Trong những ngày qua, nhiều tỉnh miền Trung của chúng ta vẫn đang phải oằn mình gánh chịu những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do mưa lũ gây ra, trong đó, có sự hy sinh của nhiều cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Quốc hội chia sẻ trước những đau thương, mất mát to lớn này và xin gửi lời thăm hỏi ân cần đến đồng bào, chiến sĩ vùng bị nạn, cùng lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình cán bộ, chiến sĩ hy sinh và người dân bị tử nạn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, qua đó yêu cầu Chính phủ và chính quyền các cấp tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác với những diễn biến cực đoan của thời tiết, có các giải pháp tích cực, hiệu quả để sớm khắc phục hậu quả của mưa lũ; đồng thời, kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”, “thương người như thể thương thân” hết lòng quan tâm, động viên, chia sẻ, ủng hộ vật chất và tinh thần giúp nhân dân các địa phương bị thiệt hại sớm vượt qua khó khăn, ổn định đời sống và sản xuất.
Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015
Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Thủ tướng nhấn mạnh: Năm 2020, trước những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều kết luận, nghị quyết, chỉ thị và chỉ đạo các cấp, các ngành quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.
“Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2-3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục duy trì và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến động mạnh”, Thủ tướng cho hay.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động, ảnh hưởng lớn, ngoài dự báo của đại dịch Covid-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016-2020 không đạt mục tiêu đề ra.
Khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc; năng lực cạnh tranh và tính tự chủ còn hạn chế. Sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình mới có một số điểm chưa phù hợp. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiêm túc rút kinh nghiệm, tiếp thu các ý kiến đóng góp để sửa đổi ngay.
Đề cập đến dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng cho rằng, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
“Trong bối cảnh đó, chúng ta cần tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội để đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ, thu hẹp khoảng cách phát triển, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và hiện thực hoá khát vọng phát triển về tầm nhìn đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết, trong giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, Chính phủ xác định: Trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021-2025, Chính phủ tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng gia tăng
Cũng trong buổi chiều ngày 20/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng: Kết quả giảm nghèo một số nơi chưa thật bền vững, chưa đồng đều, 3/8 vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn nhiều so với mục tiêu. Chất lượng giảm nghèo đa chiều chưa thực chất, về cơ bản vẫn chỉ giảm nghèo về thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn còn cao, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng.
Liên quan đến giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Tài chính, Ngân sách bày tỏ quan điểm cho rằng, việc tiếp tục đầu tư cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; và giảm nghèo bền vững là cần thiết. Tuy nhiên, Chính phủ cần rà soát kỹ đối tượng, nội dung chính sách, địa bàn thực hiện giữa chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với 2 chương trình mục tiêu quốc gia sẽ được trình Quốc hội xem xét quyết định.
Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; định hướng giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, năm 2020 dự kiến có 8/12 chỉ tiêu đạt và vượt, GDP tăng trưởng dương, ước đạt trên 2% là một điểm sáng trong khu vực và thế giới.
Theo ông Thanh: Sau 4 năm đầu nhiệm kỳ thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch, năm 2020 đại dịch Covid-19 bùng phát, cùng với ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu đã tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện một số chỉ tiêu.
Đánh giá sơ bộ 5 năm, có 15 chỉ tiêu đạt và vượt, 4 chỉ tiêu không đạt. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, vững chắc; lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp, giá cả hàng hóa diễn biến tương đối ổn định.
Riêng năm 2021, ông Thanh đề nghị bố trí nguồn lực và thực hiện giải pháp phù hợp về thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ để tiếp tục duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp, giữ việc làm cho người lao động giai đoạn hậu Covid-19.
Để có cơ sở vững chắc cho giai đoạn 2021-2025, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng: Chính phủ cần hoàn thiện thể chế, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số. Đẩy nhanh xây dựng khung chính sách, pháp luật đối với xây dựng chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số.
Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng. Khai thác hiệu quả thị trường trong nước, các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ các cuộc xung đột thương mại đến xuất khẩu; nâng cao uy tín, chất lượng hàng Việt Nam, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và lợi ích người tiêu dùng...
Còn tình trạng khởi công mới trong khi nhiều dự án bị giãn, hoãn tiến độ
Chiều 20/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Thẩm tra nội dụng trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện như: Tiến độ của một số dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm chậm, một số công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lớn, ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực, hiệu quả vốn đầu tư, có dự án vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự. Còn tình trạng khởi công mới trong khi nhiều dự án bị giãn, hoãn tiến độ từ giai đoạn trước chưa được bố trí vốn để tiếp tục thi công. Sử dụng nguồn dự phòng chung và dự phòng 10% để lại tại bộ, ngành, địa phương còn dàn trải. Việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn trung hạn trong một số trường hợp còn chậm, sử dụng nguồn vốn ODA, việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chưa sát với thực tế.