Hành trình để có được những đứa trẻ của các gia đình hiếm muộn luôn đi cùng với biết bao khó khăn, vất vả.
Tại Hội thảo kỷ niệm 8 năm thành lập Khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức ngày 12/7, những tâm sự của các gia đình hiếm muộn kể về hành trình gian nan tìm kiếm con yêu của mình đã khiến cả khán phòng nghẹn ngào xúc động.
Mỗi gia đình, mỗi trường hợp là một câu chuyện riêng, không ai giống ai nhưng điểm chung là họ đã có được niềm hạnh phúc- những thiên thần nhỏ sau những tháng ngày chạy chữa hiếm muộn nhờ những can thiệp từ các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại.
Đó là câu chuyện của vợ chồng chị Bùi Thị Loan (30 tuổi) và anh Bùi Tiến Mạnh (33 tuổi) ở Hương Sơn, Hoà Bình. Anh chẳng may bị chấn thương tinh hoàn, dẫn đến vô tinh. Sau hơn 9 năm chạy chữa hiếm muộn, tháng 5/2018, vợ chồng anh chị tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Các bác sĩ đã thực hiện mổ cho anh để lấy tinh trùng thực hiện IVF ICSI (thụ tinh trong ống nghiệm với phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn).
Chị Loan chia sẻ, vợ chồng chị kết hôn được 10 năm, 3 năm đầu do nghĩ rằng vẫn còn trẻ nên không có kế hoạch sinh con. Nhưng sau 3 năm không sử dụng biện pháp tránh thai mà mãi chẳng có gì, lúc đó vợ chồng chị mới bắt đầu lo lắng.
Ngày vợ chọc trứng cũng là ngày chồng mổ lấy tinh trùng. Tôi rất lo lắng. Chồng vào phòng mổ mãi không ra, không biết có lấy được tinh trùng hay không. Nếu không được thì mọi hi vọng đều dập tắt. Chỉ đến khi bác sĩ ra thông báo là lấy được rồi thì tất cả vỡ òa. Một tháng sau vợ chồng tôi chuyển phôi, và thành công 1 bé trai vào 2019.
“Nếu kiên trì chúng ta sẽ có thành công. Mọi người hãy tự tin, và có niềm tin trên hành trình tìm kiếm con yêu của mình”, chị Loan chia sẻ.
Câu chuyện của gia đình chị Lê Thị Xuân (36 tuổi) và anh Nguyễn Minh Thắng (43 tuổi) ở Sóc Sơn, Hà Nội cũng lấy đi nước mắt của nhiều người. Kết hôn năm 2006, đến năm 2007, chị sinh bé gái khoẻ mạnh bình thường. Nhưng đến năm 2012, khi sinh bé trai thứ hai, bé lại chẳng may bị bệnh do bố mẹ đều mang gen Thalassemia và mất khi vừa 1 tuổi.
Năm 2018, hai vợ chồng tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Tại đây, họ được các bác sĩ tư vấn thực hiện thụ tinh ống nghiệm với sự hỗ trợ của kỹ thuật sàng lọc di truyền tiền làm tổ; kết quả đã chuyển phôi thành công ngay từ lần đầu can thiệp. Chị Xuân đã sinh 2 bé (1 trai, 1 gái) vào đầu năm 2019 và 2 bé hoàn toàn khoẻ mạnh, không mang gen Thalassemia như bố mẹ.
Tham gia giao lưu còn có gia đình chị Nguyễn Thị Minh (43 tuổi) và anh Mẫn Xuân Minh (47 tuổi) ở Hiệp Hoà, Bắc Giang. Đây là trường hợp hiếm muộn đến 20 năm. Anh chị kết hôn vào năm 2000, chị mang thai ngoài tử cung 2 lần, phải cắt bỏ vòi tử cung, đồng thời lại có tiền sử lạc nội mạc tử cung. Năm 2008, hai vợ chồng đã làm IVF nhưng kết quả không thành công.
Anh chị đã từng có ý định dừng lại không điều trị tiếp. Nhưng rồi, sau mọi cố gắng, vợ chồng chị thực hiện IVF thêm 1 lần nữa. Kết quả chị đã có thai và sinh bé vào năm 2019…
BSCK II Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện đã thực hiện thành công cho hàng ngàn ca hiếm muộn, trong đó có không ít ca khó như: Hiếm muộn trên 20 năm, cả hai vợ chồng cùng mang gen tan máu bẩm sinh (Thalassemia), người chồng vô tinh, gia đình bị liệt cả vợ lẫn chồng...