Tôn giáo

Hạnh phúc trong gian khó

Dạ Yến 26/01/2024 17:28

Hành trình về những vùng khó của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh mang theo thông điệp của yêu thương, đoàn kết. Bằng nỗ lực và ý chí tìm hạnh phúc từ trong gian khó để vươn lên.

1.

Người có ý chí mạnh mẽ luôn tìm được hạnh phúc trong gian khó. Chúng tôi đã tìm thấy điều này ở Mái ấm Nhân hậu; Mái ấm tình mẹ 2 thuộc Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô; Nhà tình thương Giáo xứ Búng thuộc Dòng hiến sĩ Đức Mẹ Vô nhiễm và một Mái ấm của Dòng Phaolo trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Mỗi người một số phận nhưng khi đã phải nương tựa vào đây, đều là cùng khổ. Sơ Nguyễn Thị Kim Anh, Mẹ Bề trên phụ trách Cộng đoàn Mẹ Thiên Chúa- Mái ấm Tình mẹ 2 chỉ nói rằng, “thương lắm”. Vì những người già cô đơn, bệnh tật không thể tự chăm sóc mình, những đứa trẻ mồ côi không có gia đình hay những thai phụ cơ nhỡ còn ngơ ngác ở tuổi vị thành niên…Tâm Đăng là một ví dụ. Cậu bé có đôi mắt trong veo, sâu thẳm, thi thoảng lại ngước nhìn chúng tôi. Cách đây 6 năm, vào một đêm cậu bé được sinh ra và bị để lại bên vệ đường gần Mái ấm tình mẹ 2, trong tình trạng yếu ớt, người đầy vết bầm tím. Cậu bé như được sinh ra thêm lần nữa khi được các sơ cứu sống, nuôi nấng, trao cho một cơ hội đổi đời.

img_4011.jpg
Hiệp sĩ Đại Thánh Giá Lê Đức Thịnh thăm hỏi người già neo đơn được các sơ Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô chăm sóc tại Mái ấm Nhân hậu
img_3977-1-.jpg
Hiệp sĩ Đại Thánh Giá Lê Đức Thịnh, sơ Nguyễn Thị Kim Anh, Mẹ Bề trên phụ trách Cộng đoàn Mẹ Thiên Chúa thăm hỏi người già neo đơn được chăm sóc tại Mái ấm Nhân hậu.

Tâm Đăng giờ đây được các sơ chuẩn bị hành trang để bước vào lớp 1. Và em chỉ là một trong hàng trăm trẻ mồ côi tại những mái ấm này. Những đứa con dù chưa một lần sinh ra nhưng được các sơ yêu thương như người mẹ. Mái ấm của các sơ đã trở thành mái nhà chở che cho biết bao phận người không phân biệt tôn giáo, dân tộc. Hạnh phúc được tìm thấy từ chính đời sống phục vụ tràn đầy yêu thương. Và yêu thương lại gieo mầm, nâng đỡ cho những khốn khó tìm thấy hạnh phúc.

Đối với Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh, Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô là một cái tên đã nhắc lại cho ông nhiều ký ức về đợt dịch Covid-19. Khi biết được Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô có 189 người bị nhiễm bệnh gồm 58 sơ và 131 em cô nhi cùng các thai phụ cơ nhỡ, chưa một ai được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, ông đã kêu gọi các bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Ða khoa Quốc tế Nam Sài Gòn đến nhà dòng và mái ấm khám, làm xét nghiệm, hỗ trợ thuốc men cho những người bị nhiễm và tiêm vắc xin cho các trường hợp đang cần.

Ngay lúc ấy ông cũng đã nảy ra ý tưởng xin Nhà nước hỗ trợ tiêm vắc xin riêng cho các cơ sở tôn giáo, bởi tính chất đặc thù của các cơ sở này hầu hết đều đang nuôi dưỡng người già neo đơn, trẻ mồ côi, thai phụ cơ nhỡ nên việc đi lại xếp hàng chờ đến lượt sẽ khó khăn hơn những nơi khác. Lời đề nghị hỗ trợ vắc xin của Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh liền được lãnh đạo các cấp tạo điều kiện, cấp 15.000 liều vắc xin Pfizer. Ngay sau đó, ông kêu gọi lãnh đạo Bệnh viện Ða khoa Quốc tế Nam Sài Gòn đưa nhân viên y tế đến tận các cơ sở tôn giáo tiêm cho các linh mục, tu sĩ nam nữ và tăng ni Phật tử.

Gần 100 chuyến xe lăn bánh, phục vụ vô vị lợi, bất kể giờ giấc cho khoảng 50 cơ sở tôn giáo, dòng tu ở TPHCM, Bình Dương, Ðà Lạt, Buôn Ma Thuột, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Thuận, Quy Nhơn, Bình Định. Và trong những ngày cuối năm 2023 vừa rồi, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh đã được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.

img_3988.jpg
Các sơ Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô và người già neo đơn đang được chăm sóc tại Mái ấm nhân hậu cảm ơn những ân tình của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh, nhất là trong đợt dịch Covid-19.

Gặp lại Hiệp sĩ Đại Thánh Giá Lê Đức Thịnh, các sơ Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô ở Bình Dương ai cũng xúc động nhắc tới một “Hiệp sĩ với cánh tay rộng mở và trái tim yêu thương” đã cho đi rất nhiều. Nhưng với ông, sự hy sinh làm nên nghĩa tình, những gì cho đi, chỉ mong nhận lại lời cầu nguyện của mọi người, như vậy là đủ.

Bởi Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh cho rằng, chính cuộc đời dấn thân vì người nghèo khổ của các sơ đã làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, giúp ông có thêm động lực để bước tiếp hành trình của mình như lời bài hát Thánh ca “Đẹp thay”: “Ôi đẹp thay, những bước chân gieo mầm cứu rỗi/ Ôi đẹp thay những bước chân rảo khắp nẻo đường/ Ai gieo trong lệ sầu sẽ gặt trong vui sướng/ Ai gieo trong nước mắt sẽ về trong tiếng cười”.

2.

Những ngày này, trên con đường quốc lộ 14 chạy dọc các tỉnh Tây Nguyên, thênh thang trải gió ngàn trong nắng trời rực rỡ, bạt ngàn hoa dã quỹ, hoa cà phê, hoa đào. Những cánh hoa mạnh mẽ vươn lên trong cái nắng cái gió, khoác lên mình một vẻ đẹp đầy sức sống mãnh liệt trên vùng đất bazan.

Sức sống mãnh liệt ấy chúng tôi lại được bắt gặp trong những đôi mắt sáng hiền hoà của các sơ là người dân tộc Giarai, Bahnar, Rơngao, Xơđăng…ở Hội Dòng ảnh Phép lạ. Hội Dòng Ảnh Phép lạ- một tên gọi mà trên thế giới cũng ít người nghe đến lại là một Hội dòng chỉ chuyên dành cho các thiếu nữ người dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, đặc biệt ở Kon Tum- giáo phận lâu đời nhất ở Tây Nguyên. Nơi đây đang nuôi dưỡng gần 1000 trẻ mồ côi và trẻ em nghèo tại 6 mái ấm Vinh Sơn và các Cộng đoàn nội trú.

kontum-26-.png
Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh trong vòng tay chào đón của các em học sinh nghèo khó đang được các sơ Dòng ảnh Phép lạ chăm sóc, nuôi dưỡng tại Cộng đoàn Nội trú thôn Konrơbằng.
kontum-10-.png
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và những người bạn đồng hành trao quà cho 100 trẻ em nghèo đang lưu trú tại Cộng đoàn Nội trú thôn Konrơbằng.

Có những ngày các sơ gần như kiệt sức khi phải lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho hàng trăm đứa trẻ vậy mà chưa khi nào nản lòng, chưa khi nào từ bỏ. Hàng chục năm qua, từ các mái ấm, nhiều em nhỏ đã trở thành giáo viên, y tá…Có những điều kỳ diệu ngỡ chỉ có trong cổ tích đã thành hiện thực. A Long- cậu bé từng bị gia đình chôn sống theo mẹ khi vừa mới sinh ra là một ví dụ.

17 năm về trước, mẹ sinh A Long được 6 ngày thì mất. Gia đình và dân làng quyết định chôn cậu bé theo mẹ để được bình an! Cũng may, một người dân trong làng biết vậy bèn bí mật báo cho Sơ Y Deo thuộc Hội Dòng ảnh Phép lạ. Hai người đã đào bới ngôi mộ để đưa A Long lên trong tình trạng tím tái, đầy máu. Sơ Y Deo đã tự tay tắm rửa cho cậu bé và mang về Nhà Vinh Sơn 1 nuôi nấng cho đến tận bây giờ.

Ngay từ lúc cậu bé còn nằm trong nôi ở Vinh Sơn 1, sơ Y Văn đã có một tình cảm đặc biệt, càng lớn lên cậu bé lại càng quấn quýt bên sơ. A Long có cơ địa yếu và bị tim bẩm sinh. Khi cậu bé được 1 tuổi rưỡi, nhân có chương trình Trái Tim cho em, sơ Y Văn đã đưa A Long xuống Đà Nẵng ở 3 tháng trời tại Bệnh viện Hoàn Mỹ để làm phẫu thuật. Tình thương vô bờ của Y Văn khiến cậu bé luôn nghĩ sơ là mẹ. Bởi vậy câu đầu tiên khi A Long biết nói là gọi sơ Y Văn bằng mẹ.

Sơ Y Văn đã giải thích với A Long rằng sơ không phải mẹ mà chỉ là Giá (tiếng dân tộc Giá có nghĩa là sơ) nhưng cậu bé khăng khăng cho rằng “ mẹ là mẹ của con”. Mãi sau này khi lớn lên A Long mới hiểu và chịu gọi sơ Y Văn là Giá. A Long hiện đang ở Cộng đoàn Nội trú thôn Konrơbằng, nơi sơ Y Văn đang là phụ trách.

8 năm về trước, chúng tôi gặp A Long tại Mái ấm Vinh Sơn 1 đúng lúc cậu bé bị sốt xuất huyết, ngồi lọt thỏm trong lòng sơ Y Văn. Còn giờ đây, A Long đã trở thành một thanh niên khoẻ mạnh, và theo chân sơ Y Văn đi khắp các bản làng.

Có một kho tàng yêu thương trong cuộc sống vô cùng lớn lao đó là lòng yêu thương của người mẹ. Tình yêu của mẹ dành cho con là một tình yêu cao cả nhất không gì có thể đong đếm hay so sánh được. Nhưng sự thật lại có những điều lớn lao hơn thế ở ngay tại đây, trong trái tim của những nữ tu sĩ Dòng Ảnh Phép lạ với đời sống phục vụ tràn đầy yêu thương đã tìm tới khắp các bản làng, thu phục nhân tâm, trao cho những đứa trẻ không may mắn một cơ hội thay đổi cuộc đời.

Với Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh, trong tình cảm sâu lắng nhất, nơi ông luôn hướng về chính là Dòng ảnh Phép lạ. Bởi thế, ngày trở lại là ngày hội ngộ mừng vui trào nước mắt, nhất là với những sơ đã về hưu, như sơ Y Phưng, nguyên Thư ký của Dòng ảnh Phép lạ nói, “không có Hiệp sĩ, nhà dòng không thể phát triển được như ngày hôm nay”. Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh xúc động cúi đầu cảm tạ các sơ, từ già đến trẻ, trong đó có nhiều sơ đã không còn nữa, hàng chục năm qua, trên mảnh đất này, các sơ đã sống một cuộc đời tận hiến.

Giữa bao khó khăn, thiếu thốn các sơ lặng lẽ sống, cầu nguyện và viết nên câu chuyện của chính mình. Không oán giận khó khăn, không từ bỏ trước thất bại. Vì đồng bào của mình. Vì một tình yêu với Tây Nguyên.

Nhiều kỷ niệm được nhắc lại nhưng nhớ nhất là chuyến thăm miền Bắc của các nữ tu Dòng ảnh Phép lạ vào cuối năm 2014 mà Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh đứng ra tổ chức. Đây là lần đầu tiên các sơ rời mảnh đất Tây Nguyên nên chuyến đi như là sự khám phá về một “thế giới mới” mà các sơ chỉ được nhìn qua truyền hình. Các sơ được tận mắt thấy Thủ đô của đất nước, được cảm nhận cảnh đẹp của từng vùng miền và được lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo MTTQ Việt Nam, lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ và các Đức Giám mục, các Tòa Giám mục phía Bắc đón tiếp nhiệt tình, chu đáo.

Chuyến đi đã làm thay đổi nhận thức của các sơ rất nhiều, không chỉ về đất nước, mà còn về tình cảm gắn bó yêu thương, sự trân trọng giữa người miền xuôi và người miền ngược, làm cho các sơ ý thức trách nhiệm hơn về tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc trong khối đại đoàn kết, trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn mảnh đất Tây Nguyên thiêng liêng của Việt Nam.

3.

Giáo phận Kon Tum là một trong những giáo phận lâu đời nhất ở Tây Nguyên. Đạo Công giáo chỉ mới có mặt ở Việt Nam chưa đầy 5 thế kỷ nhưng tôn giáo này đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử nước nhà. Đặc biệt những chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo cùng với đường hướng gắn bó, đồng hành của dân tộc của Giáo hội Công giáo Việt Nam và quan hệ Việt Nam – Vatican ngày càng tiến triển tốt đẹp đã tác động tích cực đến mọi mặt đời sống của đồng bào Công giáo.

Trong Thư gửi Cộng đoàn Công giáo Việt Nam nhân sự kiện Việt Nam và Tòa Thánh Vatican công bố và thông qua Quy chế Văn phòng đại diện thường trú tại Việt Nam, Giáo hoàng Fancisco đã cho rằng, việc thực thi bác ái trong đời sống thể hiện căn tính của một người công giáo tốt và công dân tốt; trong mọi nơi và ở bất kỳ hoàn cảnh nào, các Kitô hữu được mời gọi lắng nghe tiếng than khóc của người nghèo khổ. Chính tinh thần này đã không ngừng thúc đẩy cộng đoàn Công giáo của Việt Nam có những đóng góp tích cực và ý nghĩa để phục vụ dân tộc, đặc biệt trong đại dịch Covid-19. Người công giáo Việt Nam đã đồng hành với sự phát triển của xã hội và đóng góp vào sự phát triển ấy với tư cách là những tín hữu có trách nhiệm và đáng tin.

Hơn 20 năm qua, kinh doanh dư dả được đồng nào, Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh lại đem tiền đi giúp đỡ người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. “Bước chân tới đâu là lo cho người nghèo tới đó. Chúa cần chúng tôi ở những điều này” Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh luôn nhắc tới sứ mệnh này như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trên hành trình bác ái của ông và những người bạn đồng hành. Ở những vùng khó, ông không chỉ mang đến sự giúp đỡ về vật chất mà còn mang theo thông điệp của yêu thương, đoàn kết. Bằng nỗ lực và ý chí tìm hạnh phúc từ trong gian khó để vươn lên.

Tại huyện Sa Thầy- huyện miền núi biên giới trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đây là một trong những huyện có mật độ dân số thấp nhất Việt Nam, dân số (năm 2019) chỉ khoảng 49.914 người, mật độ dân số 35 người/km². Trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo đảng, chính quyền, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh cho rằng, ông mang danh là Hiệp sĩ Đại thánh giá của Tòa thánh Vatican, nhưng trên hết là công dân của Việt Nam.

Là công dân của Tổ quốc thì phải có nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Là giáo dân của Công giáo thì phải lan tỏa tình yêu thương mà Thiên Chúa đã răn dạy.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh

Sa Thầy là một địa phương có nhiều dân tộc cùng sinh sống, nhưng nhờ tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo đã trở thành một khối thống nhất và hết lòng yêu thương, nâng đỡ nhau. Nhờ vậy, từ một vùng đất dù còn rất nhiều khó khăn nhưng Sa Thầy đang nỗ lực vươn lên với những tiềm năng của mình.

Mang tới những phần quà Tết cho người nghèo ở huyện Sa Thầy, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh cho rằng, trong cuộc sống chúng ta trao cho nhau một chút vật chất, trao cho nhau tinh thần yêu thương, động viên nhau nỗ lực để vượt thắng những khó khăn hiện tại chính là chúng ta nhận về sự trân quý, ấm áp tình người. Mỗi người hãy nhận tấm lòng nhiều hơn vật chất. Hãy lan toả những trái tim yêu thương. Và trong đời sống, bằng nỗ lực, ý chí tìm hạnh phúc từ trong gian khó để vươn lên.

z5108652966102_39f7208bf5ff4d54da7a60fa38c08d21.jpg

Đồng hành với Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh có ông Đặng Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Việt Phú An; ông Trần Thiện, Chủ tịch Cảng quốc tế Long Sơn; ông Võ Nguyễn Như Nguyện, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng; bà Võ Thanh Thuỷ; ông Nguyễn Văn Hiệu; ông Dương Công Phúc. Tại Kon Tum, đoàn đã trao quà cho 100 trẻ em nghèo đang lưu trú tại Cộng đoàn Nội trú thôn Konrơbằng; 185 trẻ em tại Mái ấm Vinh Sơn 2; 100 trẻ em tại Mái ấm Vinh Sơn 4; trao quà cho 30 sơ hiện đang nghỉ hưu tại Nhà mẹ Dòng ảnh Phép lạ; thăm Cộng đoàn Đaminh Kon Tum; Giáo xứ Rờ Kơi; trao 200 suất quà cho người nghèo tại huyện Sa Thầy với tổng trị giá 600 triệu đồng. Tại Bình Dương đoàn đã trao hàng trăm suất quà cho trẻ em, người già neo đơn, thai phụ cơ nhỡ và các sơ, các thầy tại Mái ấm Nhân hậu; Mái ấm tình mẹ 2 thuộc Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô; Nhà tình thương Giáo xứ Búng thuộc Dòng hiến sĩ Đức Mẹ Vô nhiễm và Mái ấm của Dòng Phaolo với tổng trị giá 300 triệu đồng.

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hạnh phúc trong gian khó