Lâu lắm, dễ chừng đến mười năm tôi mới gặp lại NSND Trà Giang. Chị ra Hà Nội dự Liên hoan Phim quốc tế rồi ở lại để hưởng vẻ đẹp của Hà Nội và gặp gỡ bạn bè. Chị được nhiều người hâm mộ lắm, nếu không nhanh hò hẹn thì khó mà gặp được…
Cuộc sống giản dị của người đàn bà đẹp
Ôm nhau một cái thật chặt, rồi nhìn nhau, ôi vẫn đôi mắt biết nói ngày xưa, nụ cười đôn hậu, thời gian không làm vẻ đẹp ấy nhạt phai. Chúng tôi ngồi với nhau bên hồ Tây, ăn một bữa cơm chiều cùng bạn bè, món ăn nhà làm, tôm cá bắt từ dưới hồ lên còn tươi nguyên. Câu chuyện trở về thuở đầu đời của người đàn bà đẹp, hồi 20 tuổi, còn quá trẻ đã vào vai “chị Tư Hậu” trong phim cùng tên rất thành công, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả đến tận bây giờ.
Quê ba ở Quảng Ngãi, quê má Phan Thiết, Trà Giang theo cha mẹ tập kết ra Bắc. Năm 17 tuổi thi đỗ trường múa. Nhưng cha chị, NSƯT Nguyễn Văn Khánh khuyên: "Con có một gương mặt đẹp, sao không thi vào trường điện ảnh”. Thế rồi nghe lời khuyên ấy, Trà Giang nhanh chóng lọt qua vòng thi tuyển sinh, trở thành một trong những diễn viên trong khóa đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), đem đến cho điện ảnh Việt Nam những hình ảnh và vai diễn xuất sắc, những giải thưởng quốc tế danh giá và điện ảnh cũng đã đem lại cho chị một sự nghiệp đáng kể...
Sau hai vai diễn nổi tiếng, Trà Giang lấy chồng, năm 1967. Chồng chị là GS.TS Nguyễn Bích Ngọc - nghệ sĩ violin, từng giữ vị trí Phó Giám đốc Nhạc viện TPHCM. Anh là tình yêu của chị, chỗ dựa tinh thần của chị, là người chăm con nhỏ khi chị đi công tác xa nhà. Chị bảo: “Mình cảm nhận đã gặp may khi lấy được anh ấy, một người chồng bao dung, độ lượng và thương vợ hết lòng”. Những người biết cả hai vợ chồng chị thì bảo, anh cũng luôn tự hào về vợ, luôn ủng hộ và giúp đỡ vợ hoàn thành sự nghiệp.
Có lần tôi gọi chị là minh tinh màn bạc. Chị cười, đừng nói thế chị ghét cho đấy. Tôi phân trần, thì truyền thông nước ngoài từng gọi chị là “Huyền thoại điện ảnh Việt Nam” đó thôi. Chị thừa nhận: “Ở thời điểm chị nhận giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim quốc tế Moskva năm 1973, có nhà báo viết bài về chị, cũng gọi chị là minh tinh. Nhưng khi gặp, chị bảo tác giả: “Anh chữa giúp em đi chứ gọi em là minh tinh, em ngại lắm”. Là chị rất thật lòng đấy, cứ gọi chị là diễn viên, là Trà Giang, giản dị thế là hạnh phúc rồi”. Không chỉ nói thế, hàng ngày chị cũng sống giản dị như thế, bè bạn ai cũng yêu quý chị ở điều này.
Nhìn gương mặt phúc hậu và nụ cười tỏa nắng của chị tôi xúc động nghĩ đến những năm tháng gian khổ của chị với nghề. Chị kể rằng, nhận vai diễn nào chị nghiên cứu rất kỹ cả lý lịch của nhân vật. Trước khi đóng phim chị và các đồng nghiệp phải đi thực tế, có lần leo núi, lội suối mới tới được ngôi làng nơi câu chuyện trong phim diễn ra. Phải tới tận nơi, sống với người dân ở đó một thời gian để hiểu được không gian sống của nhân vật, hiểu được cuộc sống của người dân tộc, cách phụ nữ ở đó yêu chồng thế nào, thậm chí cả cách họ ngồi bên bếp lửa ra sao, rồi chị học cách lội nước, chèo thuyền, nhiều khi sóng đánh lật thuyền, ngã dúi dụi xuống nước, vất vả chị cũng không nản… Nghe chị kể, tôi hiểu rằng, để có những phút thăng hoa ở phim trường, người nghệ sĩ đã phải lao động nghệ thuật cực khổ đến mức nào.
Vẽ để khỏa lấp nỗi cô đơn
Có lần tôi đặt câu hỏi sao chị không tìm một vài vai diễn mới phù hợp để sống tiếp với nghề, vì chị vẫn là gương mặt được chờ đợi: “Ngày đó chị bảo, chị cũng có ý chờ một vài kịch bản, nhưng rồi thấy không ổn. Mô hình kinh tế đang chuyển từ bao cấp sang thị trường. Những phim về đề tài chiến tranh không còn được yêu thích như trước đây. Các nhà làm phim chuyển sang làm phim video, phim “mỳ ăn liền” không phù hợp với chị. Có nhiều đạo diễn có mời tham gia các phim của họ nhưng chị thấy bản thân không trở lại là đúng. Điện ảnh là một nghệ thuật đòi hỏi sự vượt ngưỡng không chỉ với cá nhân mà là cả thời đại, môi trường sống… Chị giờ chỉ vui chơi với bạn bè và hội họa”.
Trong sự nghiệp của mình, chị đã tham gia nhiều phim, chị chọn vào vai những nhân vật chị cảm thấy yêu, những thước phim phải chuyển tải những thông điệp chân thật của con người... Giờ, với vẽ chị cũng chọn lựa đề tài. Chị chỉ vẽ hoa và phong cảnh, những vẻ đẹp đem lại nhiều cảm xúc cho chị. Chị bảo: “Chị rất cảm ơn ông trời, đã cho chị niềm đam mê mới vào đúng thời điểm chị chênh vênh nhất. Anh mất khi chị đã học vẽ được 4 tháng. Nếu không vẽ, không chìm trong những giấc mơ màu sắc, khung hình, hệt như khi còn đóng phim… thì không qua được nỗi cô đơn… Con đi học xa, không thể để con lo lắng, buồn phiền, mình vui thì con mới vui được. Chị bảo chị hạnh phúc vì luôn tìm được điều mình yêu và hết lòng với nó. Trước đây, dành tình yêu, đam mê và nỗ lực thế nào với điện ảnh, thì giờ đây, chị cũng tìm được niềm vui và sự say mê trong hội họa như vậy”.
Vào thăm chị ở TPHCM, nơi chị chuyển vào sống từ 1990, nhìn tranh của chị, tôi thật sự khâm phục ở niềm đam mê sáng tạo và sự kiên trì, khả năng lao động nghệ thuật và tài năng của chị. Màu sắc hài hòa, bút pháp có nội lực, giàu cảm xúc. Không chỉ dừng ở những bức tranh kích thước nhỏ, trung bình như đa số họa sĩ nữ, chị vẽ cả kích thước lớn 120x160cm, mà vẫn thành công. Chị bảo chị vẽ cho mình và dành tặng con gái. Nhưng nhiều người đến thăm, cũng xin chị cho được sở hữu. Tôi cũng đã đến dự vài lần triển lãm của chị, đa số tranh của chị được bạn hữu gắn nơ ngay trong ngày đầu. Nhưng, ai gọi chị là họa sĩ chị cũng bảo, đừng thế, cứ gọi mình là chị Trà Giang thôi.
Không bao giờ chị giấu tuổi của mình, tôi nghĩ, tại vì chị không có tuổi, chị nói tuổi thật cũng không ai tin. Có người hỏi lại tôi, phim “Chị Tư Hậu” năm 1962, vậy chị Trà Giang bây giờ bao nhiêu? Tôi trả lời, chị sinh 1942 tại quê mẹ Phan Thiết (Bình Thuận). Phim đầu tiên chị tham gia là “Một ngày đầu thu” năm 1961 (đạo diễn Huy Vân) và bộ phim cuối là “Dòng sông hoa trắng” năm 1989 (đạo diễn Trần Phương). “Chị Tư Hậu” (Huy chương bạc Liên hoan Phim quốc tế Moskva, 1963), “Vĩ tuyết 17 ngày và đêm” (vai Dịu, đạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim quốc tế Moskva, 1973). Các phim: “Ngày lễ thánh” (vai Nhân, 1976), “Mối tình đầu” (vai Lan, 1977), “Cho cả ngày mai” (1981), “Huyền thoại về người mẹ” (vai Hương, 1987) lấy đi nước mắt đồng thời đem lại niềm hạnh phúc cho nhiều người.
Pianist Bích Trà, con gái duy nhất của anh chị lúc 5 tuổi đã biết ngồi bên cây đàn piano chơi những hợp âm đầu tiên, rồi sau đó, vượt bao gian khổ trong học tập Bích Trà đã thi đỗ và tu nghiệp cao học ở nước ngoài, khiến mẹ con xa nhau đằng đẵng. Nhưng chị hiểu con cần môi trường nghệ thuật tương xứng để phát triển. Mỗi lần về nước thăm mẹ, Bích Trà cũng đem đến cho công chúng yêu âm nhạc những buổi biểu diễn piano thật xuất sắc.
Đời mình, Trà Giang đã sống như thế, kể từ ngày theo cha mẹ tập kết ra Bắc, hết lòng hết sức bằng tài năng, cùng sự cống hiến của mình chị đã làm nên sự nghiệp đáng nể. Tên tuổi của chị được người đời nhắc đến, không chỉ bởi nhan sắc kiều diễm, phúc hậu, chị đã 3 lần đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc tại: Liên hoan Phim Moskva (1973); Liên hoan Phim Việt Nam lần IV (1977); Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ VIII (1988). Chị nhận danh hiệu cao quý Nghệ sĩ nhân dân từ đợt I, 1984. Chị còn là Đại biểu Quốc hội khóa V, VI và VII.
Câu chuyện bên hồ Tây của chúng tôi một chiều cuối năm, chị bảo: “Giờ vui với bạn bè, với thiên nhiên và với màu sắc và toan, và vui với Bích Trà qua những lần con về, những lần trò chuyện với con qua Viber là đủ rồi. Chị có nhóm bạn, gồm 2 nhà báo: Ngô Ngọc Ngũ Long, Kim Ửng, 2 dược sĩ: Hoàng Oanh, Bích Trâm và bác sĩ Kim Chi. Chị thấy tình bạn thật kỳ diệu, đem đến cho nhau niềm vui sống tích cực nhất ngay cả khi đời có những chuyện buồn. 2 năm dịch dã, nhưng các chị đã dễ dàng vượt qua trong yêu thương đùm bọc, người này là điểm tựa tinh thần của người kia, và mỗi ngày thức dậy là một ý tưởng sáng tạo mới nên sự già không còn là một ám ảnh. Chị đang rất vui vì Bích Trà đã về đón xuân cùng chị ở Việt Nam”.