Hành Thiện (huyện Xuân Trường, Nam Định) là làng khoa bảng, có nhiều người đỗ đạt. Đây là một trong những ngôi làng cổ nổi tiếng có bề dày truyền thống văn hiến và hiếu học, là quê hương của nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử.Địa linh và nhân kiệt
Chùa Keo HànhThiện. (Ảnh: Ngữ Thiên).
Gốc tích xưa của làng Hành Thiện là làng Giao Thủy, có tên Nôm là làng Keo. Nhiều lần đất làng ở cạnh sông bị sạt lở, nhiều lần dân làng phải di cư rồi lập thành hai làng Hành Thiện (ở bờ Nam) và Dũng Nhuệ (ở bờ Bắc) ngày nay, chếch nhau qua con sông Hồng. Người ta biết đến làng Hành Thiện (nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định) là nơi có ngôi chùa Keo nổi tiếng. Chùa Keo ở Hành Thiện là chùa Keo hạ, phân biệt với chùa Keo thượng của làng Dũng Nhuệ (thuộc huyện Vũ Thư, Thái Bình). Cả hai ngôi chùa Keo đều có tên chữ là Thần Quang tự, cùng niên đại xây dựng, cùng là nơi (phối) thờ phụng Lý triều Quốc sư -Thiền sư Nguyễn Minh Không. Vị Thiền sư từ đời thực đã bước vào đời sống dân gian đậm màu truyền thuyết và huyền thoại. Trong tâm thức dân gian, Nguyễn Minh Không là người có khả năng phi thường, đi mây về gió, là người có phép thuật tài ba, là ông tổ nghề đúc đồng... Nguyễn Minh Không hiện tồn tại trong hình tượng ông Khổng Lồ có sức mạnh phi thường, dời non, lấp biển, khai sơn, phá thạch. Ngoài ra, Nguyễn Minh Không còn (được coi) là ông tổ y dược và ông tổ nghề đúc đồng Việt Nam. Vị thiền sư huyền thoại này thần thông biến hoá đã mang cả kho đồng của vua Tống về trong chiếc tay nải của mình(?). Khi qua Hoàng Hà, không thuyền nào chở nổi ông và chiếc tay nải đồng. Ông ngả chiếc nón làm thuyền vượt sông trước con mắt kinh ngạc của người Trung Hoa. Cho đến ngày nay, trong hội chùa Keo vào tháng chín hàng năm, nhân dân không rước kiệu mà rước thuyền, trên thuyền có chiếc nón và cây gậy để tưởng nhớ đến tích xưa…
Hàng năm, làng Hành Thiện có hai dịp hội lớn. Hội xuân sau tết Nguyên đán và hội tháng chín (âm lịch) kéo dài từ 12 đến tận ngày rằm để tưởng nhớ Không Lộ thiền sư. Hội xuân có các trò thi bắt vịt dưới ao, thi nấu cơm và thi hát. Hội tháng chín tưng bừng với cuộc so tài bơi chải của các chàng trai. Mỗi “giong” (tương ứng như mỗi xóm, ở Hành Thiện có 15 xóm) chọn thanh niên trai tráng để lập một đội chải thi đấu với các đội của “giong” khác. Mỗi đội chải có chín tay chèo, nhưng quan trọng nhất lại là người cầm lái và giữ nhịp. Sau lễ tế, rước trang trọng là phần hội sôi động với màn đua tài của các chàng trai. Thuyền đua của từng “giong” lần lượt lao ra trong sự cổ vũ đông đảo cả trên bờ, dưới nước, huyên náo một khúc sông Ninh Cơ. Nét độc đáo của chải ở Hành Thiện là chải đứng - tức là đứng giữa lòng thuyền mà chèo. Chải đứng đòi hỏi phải giữ thăng bằng thật tốt giữa lòng thuyền hẹp mới có thể nhịp nhàng đồng loạt mạnh tay chải đưa thuyền luớt tới. Những cuộc thi ở Hành Thiện in đậm dấu ấn văn hoá của một vùng quê nông nghiệp nhiều sông nước, nhấn mạnh sự khéo léo, tinh thần đoàn kết cộng đồng, tôn vinh những giá trị lao động. Giá trị của phần thưởng cho đội thắng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng nhưng cùng với đó, đội chải thắng mang về niềm hãnh diện cho cả “giong”. Niềm tự hào chiến thắng (dù chỉ một lần) của cả đội còn đi theo suốt cả cuộc đời mỗi tráng niên là thành viên góp sức.
Truyền thống hiếu học và đỗ đạt
Nhưng trước hết và trên hết, người ta biết đến Hành Thiện là một làng nổi tiếng hiếu học và có nhiều người đỗ đạt. Từ xưa dân gian đã truyền tụng câu ca “Đông (hoặc Bắc) Cổ Am - Nam Hành Thiện”. Xứ Đông (Bắc) có làng Cổ Am (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) quê hương của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Vùng Sơn Nam hạ - bao gồm Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định ngày nay - có làng Hành Thiện. Đó là hai làng nổi tiếng vì có nhiều người đỗ đạt. Trong hơn 10 thế kỷ khoa cử Nho học Việt Nam, làng Hành Thiện đã có 350 người thi đỗ từ tú tài trở lên, 11 trong số 17 họ ở Hành Thiện có người thi đỗ. Chỉ riêng trong thời Nguyễn, làng Hành Thiện đã có 88 người thi đỗ Cử nhân trở lên, trong đó có 7 người đỗ đại khoa, đứng đầu cả nước về số người đỗ đạt. Làng đứng thứ hai là làng Đông Ngạc (huyện Từ Liêm, Hà Nội) chỉ có 42 người thi đỗ.
Bàn về chuyện Hành Thiện có nhiều người thi đỗ, có thể điểm qua những thuyết “âm phù” với mù sương phong thủy: Có người cho rằng đất làng Hành Thiện có hình giống một con cá chép. Xung quanh làng là những con sông bao bọc, đầy ắp phù sa. Học trò Hành Thiện như cá gặp nước, thả sức vẫy vùng trong biển học, và khi cá chép vượt vũ môn sẽ hoá thành rồng (!). Lại có người cho rằng làng Hành Thiện ở giáp khu đất có hình cây bút lông, ngọn bút hướng về làng Hành Thiện. Ở làng Ngọc Cục gần đó lại có khu đất trũng ngập nước hình chiếc nghiên mực. Vì có sẵn bút nghiên nên người Hành Thiện học hành tấn tới, đỗ đạt dễ dàng… (?). Lại có người nhận xét rằng đình làng Hành Thiện hướng ra khúc sông Bùi Chu, đoạn sông này nở rộng, là nơi “tụ thuỷ” nên dân làng phát đạt, thịnh vượng (?).
Nhưng từ góc nhìn “dương trợ”, biện chứng có thể thấy ngay rằng: Trước hết ở làng Hành Thiện có nhiều trường học và nhiều thày giỏi. Chỉ tính từ đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, ở Hành Thiện lúc nào cũng có hơn 10 trường học do các vị khoa mục nổi tiếng giảng dạy như các cụ Nguyễn Bá Hướng, Nguyễn Bá Nghi, Phó bảng Đặng Đức Dịch, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên… Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng nổi tiếng thần đồng từ nhỏ. Sau khi từ quan, ông về làng mở trường dạy học từ năm 1878 tới đầu thế kỷ XX. Ông đã lập nên thư viện Hy Long là thư viện Hán học lớn nhất Bắc kỳ thời đó. Ngoài ra còn phải kể đến tủ sách của cụ Phó bảng Đặng Đức Dịch, của cụ nghè Nguyễn Ngọc Liên… Học trò Hành Thiện vốn học hành chăm chỉ, có nhiều thày giỏi lại được đọc rộng hiểu nhiều.
Làng Hành Thiện không có nhiều ruộng, thu nhập từ nghề nông không nhiều song cả làng luôn trân trọng những người có học. Làng xây văn chỉ, lập quỹ khuyến học, miễn những khoản tạp dịch cho những người đi học, các vị tân khoa được khắc tên vào bia đá dựng trước văn chỉ… Truyền thống hiếu học, khuyến học ở Hành Thiện còn đi vào ca dao: “Sáng trăng trải chiếu hai hàng / Chiếu anh đọc sách chiếu nàng quay tơ” như một nét văn hóa khó quên.
Ở Hành Thiện có nhiều gia đình có cả cha con đều đỗ dạt như cụ Nhị trường Đặng Vũ Kiểm có ba con đậu Cử nhân, hai con đậu Tú tài; cụ Đặng Văn Tường có năm con đều đậu Nhị trường, Cử nhân. Nhiều học trò Hành Thiện sớm bộc lộ thông minh và lòng hiếu học đã đỗ đạt rất sớm như Đặng Huyến đỗ Tú tài từ năm 11 tuổi; Nguyễn Âu Chuyên đỗ Tú tài năm 19 tuổi, đỗ Giải nguyên (thủ khoa) năm 20 tuổi, đỗ Phó bảng năm 25 tuổi; Đặng Xuân Bảng đỗ Tiến sĩ năm 29 tuổi… Nhiều người gặp hoàn cảnh khó khăn vẫn quyết chí học tập và đỗ đạt như Nguyễn Như Bổng nhà nghèo nhưng đã hai lần đỗ Tú tài, đỗ Cử nhân năm 60 tuổi; Nguyễn Ngọc Liên đỗ Cử nhân nhưng không nhận chức Huấn đạo mà ở nhà học thêm ba năm và thi đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu năm 1889… Các nhà Nho Hành Thiện đều là những người yêu nước, thương dân, giúp ích nhìều cho dân, cho nước…
Truyền thống tốt đẹp của quê hương, gia phong nghiêm cẩn của gia đình đã được nhiều thế hệ cháu con Hành Thiện tiếp thu và phát triển trong sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Nơi đây là quê hương của cố Tổng Bí thư Trường Chinh - cháu nội Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng, quê hương của nhà cách mạng, nhà văn hoá Đặng Xuân Thiều, GS - Anh hùng lao động Đặng Vũ Khiêu, Trung tướng Đặng Quốc Bảo, cố Bộ trưởng Bộ Y tế - GS TS Đặng Hồi Xuân, Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Gia Triệu và nhiều nhà khoa học, nhà văn hoá khác trên nhiều lĩnh vực. Từ mùa thu 1945, đến nay Hành Thiện đã có khoảng gần 500 người tốt nghiệp đại học. Trong đó có tới trăm người có bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ, nhiều người được phong Giáo sư, Phó giáo sư… Những năm gần đây, mỗi năm trong làng đều có trên 30 sinh viên mới của các trường đại học.
Dù ở đâu, người Hành Thiện vẫn mang theo hồn cốt của quê hương , giữ nếp nhà, sống mực thước, trọng tri thức, ham học hỏi. Truyền thống văn hiến của đất học Hành Thiện sẽ tiếp tục nối dài.