Thị trấn nhỏ Les Sables d’Olonne của Pháp vốn không còn lạ lẫm với người dân trên thế giới về những nhiệm vụ đầy tham vọng hướng tới bảo vệ thiên nhiên. Và nhiệm vụ mới nhất của họ là chuyến bay hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời vượt biển Đại Tây Dương vào 6 tới.
Chiếc máy bay Eraole chạy bằng năng lượng mặt trời và xăng sinh học. (Nguồn: BBC).
Les Sables d’Olonne trở nên nổi tiếng với việc tổ chức chuyến đi bằng thuyền buồm vòng quanh thế giới mà không ngừng nghỉ. Đó là lý do vì sao mà tại một nơi tránh xa các trung tâm sản xuất máy bay hàng đầu của thế giới, một đội ngũ chuyên gia thân thiện với môi trường đang sẵn sàng đưa ra một mẫu máy bay đột phá mới của họ.
Đội ngũ, gồm các nhà khoa học và cựu vận động viên thuyền buồm Raphael Dinelli, đã lên kế hoạch khởi hành chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đầu tiên mà không cần đến các loại nhiên liệu truyền thống vốn sản sinh ra nhiều khí thải carbon độc hại.
Trong khi ngành công nghiệp xe hơi đang rục rịch chuyển mình sang sử dụng các loại năng lượng sạch, tránh xa nhiên liệu hóa thách, thì ngành công nghiệp hàng không dường như lại bị tụt hậu. Tuy nhiên, nếu xét về các nỗ lực nhằm tạo bước tiến tới sử dụng năng lượng sạch của ngành hàng không, thì đây không phải lần đầu tiên.
Hồi tháng 7/2015, hai phi công người Pháp Didier Esteyne và Hugues Duval đã khởi hành chuyến bay bằng năng lượng điện đầu tiên trên thế giới. Dinelli cùng đội ngũ của ông làm việc tại viện nghiên cứu khoa học môi trường thuộc Fondation Ocean Vital còn lên kế hoạch cho nhiều hành trình tham vọng hơn nữa - chuyến bay xuyên Đại Tây Dương mà không cần dùng các loại nhiên liệu gây khí thải carbon.
Chiếc máy bay Eraole
Và họ sẽ thực hiện hành trình đó trên chiếc Eraole: Một chiếc máy bay vận hành bằng năng lượng mặt trời và nhiên liệu sinh học, được chế tạo từ năm 2009 đến nay. Eraole vận hành bằng một động cơ điện, lấy năng lượng từ các tấm pin năng lượng mặt trời lớn phủ kín hai cánh của nó. Vào ban đêm, hoặc những lúc mà Eraole không thể nạp đủ năng lượng mặt trời, phi công sẽ chuyển sang sử dụng năng lượng sinh học.
Raphael Dinelli và đội ngũ của ông đã bỏ ra 2 năm trời để tìm ra loại xăng sinh học phù hợp nhất cho nhiệm vụ này, và cuối cùng chọn ra được một loại dầu làm từ tảo siêu vi, được trồng và thu hoạch một cách đặc biệt để phục vụ cho hành trình này.
Xét tổng thể, Eraole dự kiến sẽ sử dụng năng lượng mặt trời khoảng 25% tổng thời gian hành trình bay của nó. 55% tiếp theo sẽ được thực hiện nhờ xăng sinh học, và 20% còn lại là tự lướt đi trên gió. Vật liệu làm từ hợp chất nhẹ sẽ giúp Eraole giảm trọng lượng rất nhiều. Ngoài ra, nó còn được trang bị các cục pin lithium-ion để cung cấp thêm điện năng trong quá trình cất cánh.
Hành trình khắc nghiệt
Eraole được chế tạo có sức chịu đựng rất tốt với các điều kiện thời tiết, nhưng hành trình này lại đòi hỏi các phi công lái nó cũng phải có thể lực cực tốt để chống lại các thách thức trên hành trình, chứ không giống như phi công Charles Lindbergh trước đây khi ông có chuyến bay vượt Đại Tây Dương đầu tiên năm 1927.
Vận tốc trung bình của Eraole chỉ đạt khoảng 100 km/giờ, có nghĩa rằng Dinelli sẽ phải ở trong buồng lái của nó liên tục trong 60 giờ, chưa kể máy bay này không hề có chế độ bay tự động. Dinelli do phải bay ở độ cao 10.000 ft trong một buồng lái không áp suất, nên sẽ nhận được lượng oxi ít hơn 30% so với bình thường. Ngoài ra phi công cũng phải đối mặt với các thách thức về vấn đề ngủ nghỉ.
Để chuẩn bị cho hành trình khắc nghiệt này, Dinelli đã tham gia vào các khóa huấn luyện khắc nghiệt để tăng cường sức chịu đựng của cơ thể trong một khoảng thời gian dài, bao gồm các bài tập chạy đường dài và đứng yên trên một khối đá lạnh. Mục tiêu cuối cùng của Dinelli là hoàn tất quá trình khởi hành chuyến bay vào tháng 6-2016, và Eraole dự kiến sẽ cất cánh từ khu vực Bắc Mỹ trên hành trình tiến về phía Đông của mình.