Cậu bé Aylan Kurdi – nhân vật xuất hiện trong bức ảnh gây chấn động thế giới tuần qua về số phận của những người di cư vượt biển đến châu Âu – đã tạo nên một làn sóng ủng hộ trong cộng đồng mạng cùng giới nghệ sỹ, trong khi hành trình cuối cùng của cậu đã kết thúc ở chính vùng chiến sự ác liệt mà gia đình cậu sống.
Bức điêu khắc nghệ thuật bằng cát của nghệ sỹ Ấn Độ
nhằm bày tỏ sự thương tiếc đối với Aylan. (Nguồn: AFP).
Ra đi và trở về
Thi thể của Aylan đã được chuyển tới thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối ngày 4/9 vừa qua, để sau đó chuyển tới quê hương của cậu ở thị trấn Kobani (miền Bắc Syria) nơi mà gia đình Kurdi cố gắng chạy trốn khỏi các đợt đánh bom và nã pháo dữ dội.
Đám đông người dân thị trấn Kobani trong sáng hôm 5-9 đã tụ họp đông đủ tại gia đình Kurdi để tiễn đưa Aylan cùng anh trai và mẹ của cậu về nơi an nghỉ cuối cùng. Cha của Aylan, ông Abdullah, trước đó cũng bắt chuyến bay từ Istanbul tới Urfa, Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó trở về quê hương để cử hành tang lễ. Trả lời phỏng vấn hãng tin Dogan News, Abdullah dường như vẫn còn trong cú sốc tinh thần sau khi mất đi toàn bộ thành viên trong gia đình bé nhỏ của mình.
“Là một người cha đã mất đi những đứa con của mình, tôi không còn mong muốn gì cho bản thân nữa. Mọi thứ tôi muốn là tấn thảm kịch ở Syria lập tức chấm dứt và hòa bình trở lại” – Abdullah nói.
Toàn bộ 3 người thân của ông Abdullah đã được chôn cất tại nghĩa trang Martyr thuộc thị trấn Kobani. Sau tấn thảm kịch, Abdullah Kurdi thề rằng sẽ từ bỏ mọi cố gắng rời khỏi khu vực chiến sự nguy hiểm để tìm đến châu Âu.
Đám đông người dân địa phương đã đổ dồn về nghĩa trang Martyr để tiễn đưa những người con xấu số của thị trấn và nghe lời điếu văn cảm động của người cha gần như đứng bất động vì cú sốc tinh thần. “Tôi không đổ lỗi cho ai cả mà chỉ tự đổ lỗi cho bản thân. Tôi sẽ phải trả giá trong suốt phần đời còn lại của mình vì lỗi lầm này”; Abdullah nói trước những người đến viếng.
Theo một số hãng tin địa phương, đây chỉ là tấn bi kịch mới nhất xảy đến với gia đình Kurdi. Hai cậu bé bị chết đuối và trôi dạt vào bờ biển Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số rất nhiều nạn nhân khác của cuộc xung đột kéo dài 4 năm ở Syria. Riêng chỉ trong vòng vài tháng qua, đã có 11 thành viên trong gia đình Kurdi bị thiệt mạng vì cuộc xung đột diễn ra ở thị trấn chiến lược Kobani giữa lực lượng người Kurd và tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Cộng đồng mạng tiễn đưa Aylan
Cậu bé Aylan với nụ cười rạng rỡ tuy không còn, nhưng những hình ảnh của cậu trên bờ biển Bodrum thì không. Bức ảnh này trong suốt tuần qua đã trở thành cú sốc đối với toàn thế giới về số phận của những người di cư phải vượt biển để trốn thoát khỏi các vùng chiến sự nguy hiểm. Bức ảnh cũng trở thành cảm hứng sáng tạo cho một số nghệ sỹ cùng cộng đồng mạng với mục đích thể hiện sự tiếc thương cậu bé.
Nghệ sỹ người Ấn Độ Sudarsan Pattnaik hôm 4-9 đã tạo nên một bức điêu khắc bằng cát về cậu bé Aylan trên bãi biển Puri, cách thành phố Bhubaneswar 65 km về phía Đông. Dòng chữ phía dưới bức điêu khắc có ghi: “Nhân tính trôi dạt vào bờ. Xấu hổ. Xấu hổ. Xấu hổ…”. Bức tượng cát mô tả chính xác tư thế của cậu bé Aylan khi được phát hiện trên bờ biển Bodrum.
Trên các mạng xã hội khắp thế giới, nhiều người cũng bày tỏ sự thương cảm cho Aylan bằng cách chỉnh sửa ảnh hoặc tạo nên một số ảnh nghệ thuật về cậu, trong đó nhiều bức mô tả cậu như một thiên thần nhỏ trở về với thiên đường. Một số bức ảnh khác được vẽ bằng bút chì hoặc bút bi, mô tả cảnh cậu bé đang nằm trên cát, trong khi nhân viên cảnh sát bờ biển đang đứng cạnh.
Lãnh đạo thế giới lên tiếng
Thảm kịch di cư trên biển đối với những người như gia đình Kurdi cũng đã khiến một số lãnh đạo thế giới quan ngại. Hôm 4-9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cùng lên tiếng về khủng hoảng di cư ở châu Âu, trong đó lên án giới lãnh đạo châu Âu và nước Mỹ vì đã gây nên cuộc khủng hoảng lớn chưa từng thấy trong thời hiện đại.
“Thành thật mà nói, toàn thế giới phương Tây phải chịu trách nhiệm về vấn đề này” – hãng CNN dẫn lời ông Erdogan, nói.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin cũng chia sẻ quan điểm tương tự trong bài phỏng vấn hôm 4/9, nói rằng chính chính sách ngoại giao sai lầm của phương Tây về vấn đề Trung Đông và Bắc Phi là nguồn gốc của cuộc khủng hoảng trầm trọng này.
Những con người tuyệt vọng, trong đó có cả trẻ em, vẫn đang cố gắng chạy thoát khỏi khu vực chiến sự Syria, hay Iraq và buộc phải lao vào những cuộc hành trình nguy hiểm trên biển hoặc đất liền để đến được châu Âu. Khi đã đến được châu Âu, họ lại phải đối mặt với vô vàn các giấy tờ thủ tục phức tạp do khác biệt về chính sách của các nước thành viên EU.