Dù có nhiều người được xem là có dính líu tới vụ tấn công chợ Giáng sinh ở Berlin, Đức hôm đầu tuần khiến 12 người thiệt mạng và 48 người khác bị thương, nhưng gã đàn ông có tên Anis Amri lại được cho là nghi phạm duy nhất đã được xác nhận danh tính và đang bị truy lùng gắt gao khắp châu Âu.
Nghi phạm Anis Amri được treo thưởng truy nã 100.000 Euro. (Nguồn: DW).
Từng có tiền án ở Italy
Nghi phạm 24 tuổi có quốc tịch Tunisia này được xem là có tính cách hung bạo và có vũ trang.
Amri được sinh ra trong một gia đình có 4 người con, theo một người đàn ông tự nhận là cha của kẻ này. Người đàn ông nói trong một buổi phỏng vấn với kênh phát thanh Tunisia hôm 22/12 rằng, Amri đã bỏ nhà để tới Italy cách đây khoảng 7 năm, bỏ dở việc học tập ở trường lúc bấy giờ.
Trong lúc ở Italy, Amri đã phải chịu mức án 7 năm tù giam sau khi có dính líu tới một vụ phóng hỏa nhằm vào một ngôi trường, cha của gã cho hay. Amri tới Đức cách đây hơn một năm. Cha của nghi phạm nói rằng ông đã không thể liên lạc được với con trai mình, dù Amri vẫn duy trì liên lạc với các anh chị em ruột trong gia đình.
Một người phát ngôn của lực lượng cảnh sát Italy, ông Mario Viola, cho hay Amri từng bị án tù giam ở nước này vì cố ý phá hoại tài sản công, tấn công và phóng hỏa tại Trung tâm Tị nạn Mapedusa. Án tù giam của gã bắt đầu từ cuối năm 2011 và đến tháng 5/2015 thì được trả tự do.
Được biết, Amri đến Italy hồi tháng 2/2011 mà không có thẻ căn cước, và tự nhận mình là một người dân thiểu số 17 tuổi. Chính quyền Italy đã ra lệnh trục xuất Amri, nhưng chính quyền Tunisia lại từ chối chấp nhận điều này do Amri không có đủ giấy tờ để xác minh danh tính.
Bởi vậy, chính quyền Italy đã yêu cầu Amri rời khỏi nước này và kể từ đó các quan chức mất dấu gã, theo ông Viola. Lúc bấy giờ, Amri không bị tình nghi liên quan tới chủ nghĩa khủng bố mà chỉ bị coi là một kẻ tội phạm thông thường. Kẻ này đã đi vào Italy trong thời điểm mà hàng nghìn người di cư khác đổ đến nước này do phong trào Mùa xuân Arab.
Bị Đức khước từ đơn tị nạn
Amrri được tin là đã tới Đức vào tháng 7/2015 và từng di chuyển giữa Berlin tới nhiều thành phố khác - nhưng hầu hết gã ở Berlin kể từ tháng 2 năm đó, theo ông Ralf Jaeger, Bộ trưởng Nội vụ của bang North Rhine-Westphalia, Đức, cho hay. Amri sau đó nộp đơn xin diện tị nạn nhưng bị chính quyền nước này từ chối.
Một tiến trình trục xuất diễn ra sau đó nhưng chưa được thực hiện do danh tính của Amri không thể được xác nhận rõ ràng. Khi còn ở Đức, Amri đã bị chính quyền để mắt tới vì họ tin rằng gã có mối liên hệ với những kẻ Hồi giáo cực đoan, trong đó có một mạng lưới tuyển mộ cho binh sỹ của IS hoạt động ở Đức, theo giới chức an ninh nước này.
Kẻ được cho là cầm đầu mạng lưới này, Ahmad Abdulaziz Abdullah - một công dân Iraq 32 tuổi còn được biết đến dưới cái tên Abu Walaa - cùng 4 kẻ khác đã bị bắt giữ và cáo buộc với tội danh khủng bố hồi tháng 11 vừa qua. Tuy nhiên, theo ông Jaeger, giới chức không thể tìm thấy mối liên hệ giữa Amri và Abu Walaa.
Amri - người được cho là có tới 6 bí danh khác nhau - còn lọt vào tầm ngắm của cảnh sát Đức do tên này lùng sục mua một khẩu súng.
Hồi tháng 8 vừa qua, gã đã bị bắt giữ cùng một số tài liệu giả mạo ở thị trấn Friedrichshafen miền Nam nước Đức, trong lúc đang tìm cách đến Italy. Tuy nhiên, vị thẩm phán tại phiên tòa địa phương lúc bấy giờ đã quyết định trả tự do cho Amri.
Cuộc truy lùng gắt gao
Bên trong chiếc xe tải đã thực hiện vụ tấn công man rợ nhằm vào khu chợ Giáng sinh Đức hôm đầu tuần, cảnh sát đã phát hiện một người đàn ông Ba Lan đã bị bắn chết và một bộ hồ sơ thuộc về Amri. Người tài xế thiệt mạng có khả năng đã giằng co với nghi phạm bên trong phòng lái trước khi bị bắn hạ, và số giấy tờ trên của nghi phạm có thể đã bị rơi xuống trong lúc đó.
Chính quyền Đức đã công khai danh tính của nghi phạm Amri trong hôm 22/12, đồng thời công bố nhiều bức ảnh của gã và đưa ra mức tiền thưởng 100.000 Euro (104.000 USD) cho bất cứ ai cung cấp thông tin về nơi ẩn náu của gã. Nhiều người tin rằng Amri đang lẩn trốn đâu đó tại North Rhine-Westphalia, và hiện cảnh sát Đức cũng đang triển khai các cuộc truy bắt tại đó.
Tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trước đó đã tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công. Hãng thông tấn Amaq của tổ chức này đã mô tả kẻ tấn công là “một binh sỹ của IS”, người đã hành động theo lời kêu gọi tấ công phương Tây của chúng, tuy nhiên không nêu rõ danh tính của kẻ này.