Cơ quan CSĐT Công an TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Chánh Văn phòng Sở Y tế Tiền Giang Nguyễn Văn Nguyện, về tội nhận hối lộ. Cơ quan công an xác định, thời điểm bị can Nguyện khi giữ chức vụ Trưởng phòng Tổ chức cán bộ đã vòi vĩnh, bắt nhiều bác sĩ “chung chi”, để làm sai nguyên tắc.
Được biết, nhiều bác sĩ được cử đi học bằng kinh phí của UBND tỉnh Tiền Giang với cam kết học xong phải về công tác tại tỉnh. Tuy nhiên, sau đó có một số người do cả điều kiện khách quan và chủ quan nên không thể về hoặc không muốn về công tác tại tỉnh. Lợi dụng điều đó, bị can Nguyện gạ gẫm hối lộ để “giúp đỡ”. Thậm chí có một số trường hợp, UBND tỉnh Tiền Giang đã đồng ý nhưng bị can này vẫn đòi tiền của đương sự.
Đáng buồn là hiện tượng như Chánh Văn phòng Sở Y tế Tiền Giang Nguyễn Văn Nguyện lại không phải là hiếm gặp. Có không ít cán bộ lợi dụng chức vụ quyền hạn, vị trí làm việc của mình để nhũng nhiễu, vòi vĩnh phong bì lót tay. Mọi người vẫn rỉ tai nhau một câu hết sức đau lòng: Làm nghề nào ăn nghề ấy. Nghĩa là đối với một số cán bộ, công chức, viên chức, dù ở bất cứ vị trí nào họ cũng có thể “kiếm tiền”.
Nếu như những cán bộ tổ chức, nội vụ như bị can Nguyễn Văn Nguyện có cách “kiếm tiền” bằng việc buôn bán nhân sự, thì các cán bộ làm việc ở bộ phận nhà đất lại có cách “kiếm tiền” bằng việc nhũng nhiễu người dân. Nếu như cán bộ kế hoạch đầu tư có cách “kiếm tiền” bằng việc hành doanh nghiệp, thì cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật có cách “kiếm tiền” bằng việc “nhắc nhở” tội phạm có muốn mức án nhẹ đi hay không.
Tất nhiên là cán bộ ở vị trí nào có thái độ nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng, nhận hối lộ đều đáng bị lên án và cần phải bị trừng trị trước pháp luật cả. Song, những cán bộ làm công tác tổ chức, nhân sự mà có tư duy “xôi thịt” thì sẽ tai hại vô cùng. Trong trường hợp này, bị can Nguyện không chỉ làm cán bộ tổ chức, mà còn liên quan đến nhân sự ngành y, nên hành vi của ông ta là vô cùng nguy hiểm cho xã hội.
Ai cũng có thể thấy rõ, nếu cán bộ làm công tác tổ chức mà có sự thiên lệch, nhận tiền để giới thiệu, tham mưu cho lãnh đạo đề bạt, bổ nhiệm thì làm sao có thể trọng dụng người tài. Với họ, tiêu chí đầu tiên là tiền chứ không phải là tài, vì thế trình độ chuyên môn sẽ được xếp hàng thứ yếu. Như vậy thì làm sao đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước có thể đảm bảo vừa hồng, vừa chuyên đây?
Hơn nữa, ngành y lại liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người. Nếu giám đốc, phó giám đốc bệnh viện bất tài, được đề bạt, bổ nhiệm bằng tiền thì liệu đơn vị đó có thể sử dụng được những người có chuyên môn giỏi để hành y cứu người? Một bác sĩ năng lực hạn chế, thậm chí còn yếu kém về chuyên môn, nhưng vì đã có lót tay cho cán bộ tổ chức để có một suất biên chế thì liệu tính mạng của người bệnh có được đảm bảo?
Đó là còn chưa kể, một ông giám đốc bệnh viện, một bác sĩ phải “chạy” để lọt vào vị trí mong muốn, họ có chấp nhận mất tiền không? Đương nhiên là không rồi, họ phải nghĩ mọi cách để “hồi vốn”, tức là lấy lại số tiền mà họ đã bỏ ra để mua vị trí làm việc, mua chức vụ họ đang giữ. Tiền đó ở đâu ra nếu không phải là vòi vĩnh cấp dưới “bôi trơn”, nhũng nhiễu người bệnh để nhận phong bì lót tay?
Đó là lý do vì sao dù Bộ Y tế, các sở y tế địa phương cùng các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực trong việc ngăn chặn vấn nạn nhũng nhiễu vòi vĩnh lót tay của cán bộ, nhân viên y tế, nhưng vẫn chưa thể xóa bỏ nó khỏi đời sống xã hội. Người bệnh đã rất khổ rồi, nhất là những người nghèo, lại mắc bệnh nan y, nhưng vì tiền, một số cán bộ y tế không mảy may xúc động, vẫn cứ phải “nặn” cho bằng ra tiền mới thôi.
Nạn chạy chức chạy quyền, sự tha hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức đang là bài toán đau đầu của nhiều cấp, ngành, địa phương. Để có thể triệt để xóa bỏ vấn nạn này không có gì khác hơn là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần phải thật sáng suốt, công tâm, quan trọng hơn là phải có sự giám sát quyền lực. Khi đó sự tha hóa mới bị đào thải, người có tâm có tầm mới được trọng dụng.