Quả bong bóng lợn màu đục ngà có những tíc tắc dừng trên mái tóc cháy nắng của bọn trẻ xóm tôi, mãi là “chiếc vé” đưa tôi trở về với bao háo hức đụng lợn Tết xưa.
Quê tôi, xóm nghèo miền Trung du vẫn theo tục lệ xưa như lời ông kể: Nếu ngày 30 Tết đúng vào “ngày Hợi”, thì mọi nhà đụng lợn Tết phải làm vào ngày 29. Nếu giết mổ vào ngày Hợi thì sau đó nuôi lợn không được “mát tay”, lợn còi cọc hoặc hay toi vì bệnh dịch. Nên tiếng lợn kêu vào cùng một ngày 29 hoặc 30 chẳng ai còn lạ lẫm. Bọn trẻ chúng tôi cũng biết được năm nay đụng lợn Tết vào ngày nào và nhà nào đụng lợn với nhà nào, do người lớn bàn tán cả tháng trời trước khi Tết đến, xuân về.
Ngày đụng lợn bắt từ rất sớm. Mỗi người một công việc, người tay dao, tay thớt, người thúng mủng, rổ rá, người cắt lá chuối đựng phần.
Khi lợn đã được mổ phanh, một người lấy chiếc bát ăn cơm vét hết tiết đọng đưa cho ông Thi - người có tiếng biết làm dồi ngon, vì ông đã từng làm anh nuôi trong quân đội. Khi ngồi xem ông bóp tiết đọng cùng các loại rau gia vị, ông kể chuyện nhân vật Trư Bát Giới là nửa người nửa lợn trong Tây Du Ký, rồi Trạng Lợn, hồi bé hay theo bố đi mổ lợn thuê, nên đặt tên Trư, “trư” nghĩa chữ Hán là “lợn”. Đang nghe chuyện thì ông Thiềng bới trong cái đám bùng nhùng, cắt cái bong bóng đưa cho tôi với câu: “Đi ra cho rộng chỗ!”.
Tôi cầm cái bong bóng vụt chạy vì thỏa nỗi hóng chờ và tự nhủ, “lần này phải tự mình làm lấy”. Chả là năm ngoái anh tôi cậy lớn và khỏe hơn lấy gót chân nhay bóng đến mức mỏng dính, khi thổi căng lên là “nổ đùng một cái”, làm tôi hờn dỗi khóc nức nở tiếc đứt ruột, vì Tết ấy mất một trò chơi bong bóng lợn.
Công đoạn “nhay bóng” không khó, chỉ đòi hỏi sự khéo léo. Sau khi rửa sạch bong bóng bằng nước muối, tôi vào bếp lấy ít tro, rắc lên hòn gạch vuông, đặt bóng lên, lấy gót chân nhẹ nhàng nhay đi nhay lại một hồi, rồi lấy cuống dạ thổi xem bóng đã đủ độ mỏng chưa. Nếu nhay chưa đủ độ mỏng thì khi thổi lên quả bóng không thể căng to đều, nếu mỏng quá thì rất dễ vỡ.
Đến đoạn thổi bóng thì đám trẻ con dường như không giữ được bình tĩnh nữa. Cùng thở sâu, cùng hồi hộp, cùng nhún người sau mỗi lần tôi phồng má thổi bóng qua cái ống dạ. Chỉ một lát sau bong bóng đã phình to gần bằng đầu trẻ và được cột chặt bằng đoạn chỉ đã chuẩn bị. Áp bóng vào tai, tôi lấy ngón tay búng… búng… nghe tiếng kêu boong boong, rồi giơ cao trong tiếng òa vui của cả bọn trẻ có nam, có nữ.
Chúng tôi chơi “bóng tất niên” bằng đầu, chứ không đá vì sợ vỡ, hơn nữa cả bạn nữ con cháu của những nhà cùng đụng lợn cũng có thể vào cuộc vui này được. Luật chơi chẳng biết có từ khi nào, lấy dây chuối căng ra góc sân, hai bên có số người bằng nhau, chỉ tâng bóng bằng đầu, qua dây, nếu dùng tay là bắt lỗi. Quả bong bóng lợn màu đục ngà có những tíc tắc dừng trên mái tóc cháy nắng của bọn trẻ xóm tôi, cứ thế mà cười đùa, thích thú.
Có lần ham bóng, tôi cộp vào đầu cái Hỹ, con ông Thi, để lại cái dấu đỏ lựng, nếu phải buổi chạy nhảy chơi ú tim thì nó đã phụng phịu bắt đền, nhưng cái trò chơi bóng một năm mới có một lần, có lẽ nó thể tất cho, chỉ cười khì khì. Thắng “ngọng” nhân đó mà lấy tay xoa xoa, vuốt vuốt vào trán Hỹ nói trêu đùa tôi, “đau mà không dám kêu, phải đứa khác thì có mờ...”.
Trò tâng bóng lợn tất niên quả là “độc”, nó như từ đâu đến và biến mất rồi lại bất ngờ xuất hiện trong ngày áp Tết. Tâng bóng qua dây nghe boong boong vui tai, bóng bay lên, đi qua đi lại nhẹ nhàng là thế mà chơi ngót hai tiếng đồng hồ cũng thấm mệt, đã thấy những giọt mồ hôi đọng lại trên đôi má ửng hồng, đầu tóc bọn con gái thì rũ rượi.
Chấm dứt trò chơi được ông Thi gọi tới chia cho mỗi đứa một miếng thịt đuôi lợn, với lời nói đùa, “chúng mày là được ưu tiên, ăn trước cả khi cúng bữa tất niên đấy nhé”. Thịt đuôi chấm muối thôi, sao mà ngon đến lạ. Vừa ăn tôi vừa nhìn quả bóng buộc bằng dây chuối bay bay trong làn gió nhẹ và lòng thầm mong nó đừng xẹp, để còn chơi tiếp những ngày sau…
Trong lúc bọn trẻ ăn đuôi lợn người lớn chia thịt, chặt xương, thịt chia đều bằng chiếc cân đĩa, cán gỗ, còn xương ước lượng, để riêng từng phần. Sau khi chia xong, mẹ tôi chọn tảng thịt ngon nhất, cắt vuông vắn đem luộc lên để làm đĩa cúng chiều 30, thịt ba chỉ thì cắt thành từng miếng to bản làm nhân bánh chưng, mỡ được lọc riêng, rán đựng vào liễn da lươn để xào nấu suốt tháng giêng, hai. Tất cả những thứ còn lại được nấu thành một nồi thịt đông ăn cùng dưa hành, bánh chưng.
Giờ đây đời sống vật chất quê tôi cũng tạm đủ, con trẻ có cơm ngon canh ngọt, chẳng thiếu thốn gì nên không còn cái cảm giác thèm thuồng, háo hức như mình ngày xưa. Thế nhưng, có đụng lợn, gói bánh mới có không khí Tết cổ truyền. Sau một năm với bộn bề vất vả lo toan, đi làm ăn nơi xa về, người lớn có dịp đoàn tụ “ôn cố tri tân”, còn con trẻ thì hiểu thêm về một nét đẹp văn hóa đón Tết cổ truyền của dân tộc, nên đụng lợn Tết vẫn được duy trì ở quê tôi.
Áp Tết mấy đứa cháu con anh cả, lại điện thoại thông báo năm nay đụng lợn nhà nào, lợn to gần tạ, sạch một trăm phần trăm, chia nhiều phần, trong đó có phần của chú thím.
Đúng hẹn, tôi về quê và những ký ức về xóm thôn, những thú vui bình dị, thiết thực Tết đụng lợn sống lại, và có lẽ mãi là sợi dây nối quá khứ với hiện tại, thời mà hầu như nhà nào cũng có điện, có tủ lạnh để dành thịt đụng, lại được gặp bạn thời tâng bóng lợn, giờ đang chơi bóng chuyền hơi ở Nhà văn hóa thôn chiều tất niên.