Nhiều địa phương hiện vẫn trong mùa lễ hội. Giới chuyên gia nhận định, với việc nâng cao chất lượng phục vụ và đưa ra nhiều trải nghiệm, nhiều loại hình du lịch đang ngày càng “có đất” phát triển, hấp dẫn du khách.
“Mỏ vàng” ngành du lịch
Du lịch tâm linh mang lại những cảm xúc và trải nghiệm thiêng liêng, tạo sự thanh thản, thư thái cho con người. Đây là loại hình du lịch văn hóa, khai thác những yếu tố tâm linh dựa vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Nhiều năm trở lại đây du lịch tâm linh tại Việt Nam đã được đẩy mạnh và ngày càng có sức hấp dẫn.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người dân thường đi du Xuân, đi lễ đền chùa đầu năm với mong muốn, ước nguyện có một năm bình an, may mắn. Đó là lý do thời điểm này, các điểm du lịch tâm linh và danh thắng ở các địa phương thu hút đông đảo du khách đến dâng hương, cầu phúc lành.
Là địa phương có hơn 1.000 lễ hội lớn nhỏ, Hà Nội đã có sự tăng cường chỉ đạo tới các quận, huyện, thị xã trong việc triển khai, thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2023. Một trong những lễ hội quy mô lớn và kéo dài là lễ hội Chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) được dự báo thu hút đông đảo khách thập phương về trảy hội. Dự kiến mùa lễ hội năm nay, chùa Hương sẽ đón khoảng 1,5 triệu lượt khách.
Bắc Giang cũng là địa phương hút khách đến du Xuân đầu năm với nhiều điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách. Số liệu thống kê cho hay, tại Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2023, có hơn 40 vạn du khách tới các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh tham quan, lễ Phật. Đây là tín hiệu vui đối với ngành du lịch Bắc Giang, nhất là sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Năm 2023, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu phấn đấu đón 2 triệu lượt khách du lịch.
Ninh Bình là một trong những tỉnh có kho di sản văn hóa lớn, phong phú và đặc sắc. Các di sản văn hóa vật thể là những đình, chùa, miếu, đền thờ, trong đó hiện có 357 ngôi chùa, với 40 chùa được xếp hạng di tích cấp tỉnh, 26 chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Nét độc đáo riêng của Ninh Bình là có tới gần 20 ngôi chùa gắn liền với núi đá, hang động. Với những lợi thế trên, du lịch tâm linh luôn là một trong những thế mạnh của tỉnh Ninh Bình.
Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, Ninh Bình đón gần 400.000 lượt khách, gấp 2,2 lần so với dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đặc biệt, lượng khách đến với các điểm du lịch tâm linh tăng từ 6 - 8 lần so với ngày thường. Trong đó, Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính là một trong những điểm đón du khách đông hơn cả.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định, du lịch tâm linh chính là dòng sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của Việt Nam. “Nếu khai thác tốt, du lịch tâm linh còn mang đến nhiều lợi ích, không chỉ thu hút khách nội địa, mà còn là sản phẩm để thu hút khách quốc tế” – ông Bình nói.
Phát triển nhiều sản phẩm
Với những thế mạnh có được từ du lịch tâm linh, nhiều địa phương đã và đang nỗ lực phát huy dòng sản phẩm văn hóa này.
Mới đây, Ban Quản lý Khu di tích đền Sóc (huyện Sóc Sơn) phối hợp với các công ty du lịch WonderTour và Sunvina Travel xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh kết hợp với du lịch chăm sóc sức khỏe, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của Thủ đô. Tour văn hóa, tâm linh kết hợp chăm sóc sức khỏe tại Sóc Sơn diễn ra trong ngày, gồm các hoạt động trải nghiệm, chiêm bái, cầu an, tham quan tại Khu di tích đền Sóc, chùa Non Nước, Học viện Phật giáo Việt Nam. Ngoài ra, du khách sẽ được khám phá, trải nghiệm hoạt động cắm trại, nghỉ ngơi tại Đồng Quan. Cuối hành trình, du khách được tư vấn và trải nghiệm dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Trung tâm Chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, dưỡng sinh đông y tại Sóc Sơn.
Xác định du lịch văn hóa vẫn là thế mạnh của du lịch Thủ đô, bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Sở đã đề nghị các địa phương nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng các sản phẩm liên kết để tăng tính trải nghiệm, hấp dẫn mới cho du khách.
Tại Bắc Giang, Công ty Du lịch Go Travel đã phối hợp với UBND tỉnh khởi động lại tour du lịch “Theo dấu chân Phật hoàng”, giúp du khách không chỉ hành hương, đi lễ, mà còn có nhiều hoạt động khám phá, tìm hiểu sâu hơn các địa chỉ văn hóa, di tích của tỉnh Bắc Giang… Xác định phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tỉnh đã tập trung xây dựng hình thành không gian du lịch Tây Yên Tử gắn với “Con đường Hoằng dương Phật pháp” của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.
Ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện tỉnh đang phối hợp với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương thống nhất việc lập hồ sơ đề cử Quần thể di tích danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Khi được công nhận đây sẽ là điều kiện tốt cho việc thúc đẩy phát triển du lịch cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực.
Theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, để hấp dẫn du khách tham quan hơn nữa, nhất là khách quốc tế, ngoài việc tập trung đầu tư về nguồn lực, các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch cần tăng trải nghiệm cho du khách dựa vào các giá trị văn hóa sẵn có, hướng du khách tới giá trị trong các hoạt động thực hành tín ngưỡng dân gian.