Trận chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2020 đã chính thức khép lại với chiến thắng thuyết phục thuộc về nữ sinh Ninh Bình.
Sáng 20/9, 4 “nhà leo núi” xuất sắc nhất từ Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Trị, Đắk Lắk đã hoàn thành vòng thi Về đích trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia 20. Nguyễn thị Thu Thu Hằng (Ninh Bình) được 235 điểm chung cuộc và giành vòng nguyệt quế.
Hằng là nữ thí sinh đầu tiên về nhất cuộc thi sau 9 năm và giành suất học bổng 40.000 USD. Vũ Quốc Anh đoạt 165 điểm, giành giải Nhì. Lưu Đào Dũng Trí (130 điểm) và Văn Ngọc Tuấn Kiệt (85 điểm) cùng nhận giải Ba.
Trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 diễn ra tại điểm cầu trường quay S14 - Đài Truyền hình Việt Nam và 4 điểm cầu tại Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Trị và Đắk Lắk. Chương trình được phát sóng trực tiếp trên VTV3.
Với chúng tôi, những người đã theo dõi cuộc thi này từ những số đầu tiên của 20 năm trước, sức hấp dẫn của một cuộc thi trí tuệ vẫn vẹn nguyên dù đã trải qua bao nhiêu năm ghi hình.
Cách đây 18 năm, tôi cũng có may mắn được có mặt trong trường quay S9 để trực tiếp theo dõi và cổ vũ cho một người chị học khóa trên cùng trường tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh . Ấn tượng đến giờ với tôi vẫn là những cảm xúc hồi hộp, lo lắng trong từng câu hỏi được công bố đến vỡ òa cảm xúc vui sướng khi người chị đó đoạt điểm cao nhất của cuộc thi tuần hôm đó và lọt vào vòng thi tháng. Tự hào và cũng nhen nhóm ước mơ một ngày được đứng trên bục ghi hình với tư cách là người dự thi đã khiến chúng tôi ngày ấy thêm nỗ lực biết bao để học tập, để trau dồi tri thức…
Là một gameshow trên truyền hình, Đường lên đỉnh hiện đang giữ kỷ lục là chương trình có tuổi đời dài nhất trong các chương trình trò chơi truyền hình của VTV3. Được ghi hình và phát sóng đều đặn hàng tuần với 36 cuộc thi tuần, 12 cuộc thi tháng, 4 cuộc thi quý và 1 cuộc thi chung kết được truyền hình trực tiếp trên VTV3, chương trình hiện đang ghi hình năm thứ 21 vẫn giữ nguyên được tính hấp dẫn với không chỉ lứa tuổi học sinh THPT mà với mọi tầng lớp nhân dân bởi những kiến thức hữu ích mà chương trình mang lại. Mỗi tuần lại xuất hiện những gương mặt mới đến từ mọi miền đất nước.
Có thể chiến thắng hay chiến bại song những cô cậu học sinh THPT tài năng ấy đã không chỉ ghi một kỷ niệm đẹp trong đời học sinh của chính mình mà còn là một dấu ấn trong lòng khán giả cả nước về quyết tâm chinh phục đỉnh cao tri thức không chỉ ở các môn học trong nhà trường mà còn là vô vàn kiến thức, tri thức xã hội…
Đó là một tổng kết không đầy đủ về những học sinh tài năng này- tôi tạm gọi là vậy vì khi vượt qua được vòng tuyển chọn của VTV để có mặt trong cuộc thi thì các em đều phải sở hữu những thành tích học rất xuất sắc so với các bạn bè cùng trường của mình.
Bước ra khỏi cuộc thi, có em du học và định cư ở nước ngoài, có em học tập tại các trường đại học top đầu trong nước và làm các công việc với thu nhập cao. Song cũng có những cá tính như cô nữ sinh Olympia Lương Việt Nga (THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa) - dự thi Đường lên đỉnh năm thứ 7 (2006) từ bỏ công việc thu nhập vài chục triệu một tháng để theo đuổi đam mê của mình là trở thành một… thợ xăm.
“Bao năm miệt mài đèn sách, sao cuối cùng lại chọn nghề xăm?” là câu hỏi đặt ra với cô. Lý do là vì cô không lựa chọn đóng khung mình trong một công việc nhất định mà quyết tâm thử sức và theo đuổi đam mê đến cùng với một sự nghiêm túc học hỏi, lao động. Một công việc đem lại cho cô niềm vui, cũng phù hợp với khả năng và các giá trị sống và cô tin tưởng…
“Tất cả những trải nghiệm ở đại học hay môi trường công sở đều giúp ích cho mình của hôm nay, từ tổ chức công việc đến nghiên cứu, tìm hiểu vấn đề. Bởi vậy, mình chưa từng tiếc nuối vì một quyết định nào cả” - nữ sinh này khẳng định.
Kể lại câu chuyện này để thấy, mỗi người có một lối đi, một lựa chọn riêng. Quan trọng là khi đã xác định được mong muốn, đam mê của mình thì cần nỗ lực vì đam mê đó. Thành công, dù ở bất cứ công việc gì cũng không dành cho những người thiếu nghiêm túc và không kiên trì.