Hậu Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX: Gừng càng già càng cay?

Lê Nhi 12/07/2015 09:10

Sáng qua (11/7), Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX họp phiên chính thức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội. Ê kíp nhân sự BCH mới được cho là gây ngạc nhiên - với con số chỉ có 6 đại biểu đạt quá bán và không có một “bóng hồng” nào. Và cũng không như kỳ vọng của nhiều người rằng BCH của nhiệm kỳ mới sẽ được trẻ hóa, bởi tuổi bình quân của BCH khóa IX là 61,8. Vậy là người ta lại tiếp tục với trông đợi vào cái sự “gừng càng già càng cay” của đa số người (cũ) gánh vác

Hậu Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX: Gừng càng già càng cay?

BCH Hội Nhà văn VN Khóa IX.

Nhà thơ Hữu Thỉnh tái đắc cử Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Sáng 11/7, kết quả bầu các vị trí trong BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX được công bố. Nhà thơ Hữu Thỉnh tiếp tục là Chủ tịch Hội nhiệm kỳ IX (2015 - 2020). Ông từng đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội 3 nhiệm kỳ trước. 3 Phó Chủ tịch là: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Trí Huân. Nhà văn Khuất Quang Thụy làm Trưởng ban Kiểm tra, nhà văn Nguyễn Bình Phương là Ủy viên BCH.

Nói như nhà văn Y Phương thì nhân sự trong BCH kỳ này còn thiếu quá nhiều, nhà văn nữ không có, đại diện tiếng nói của văn học thiểu số không có, đại diện miền Trung, phía Nam cũng không có. Những thiếu sót này phản ánh một cái nhìn của Đại hội thiếu đầy đủ, phiến diện. “Nhưng mà Đại hội cũng đã tổ chức xong rồi. Hy vọng với tinh thần đoàn kết với cái tâm, cái tài, và cái tình sẽ là hạt nhân tập hợp được tất cả tài năng văn chương của cả nước làm nên một diện mạo văn chương khả dĩ trong tương lai”, nhà văn Y Phương chia sẻ.

Trở lại câu chuyện bầu nhân sự, BCH Khóa 8 vừa qua có 15 người trong BCH. Kỳ này khi tiến hành bầu cử Đại hội vẫn cơ cấu 15 người, nhưng thực ra trong thâm tâm của các nhà văn thì nhận thấy chỉ cần 9-10 người là vừa, vì 15 người thì đông quá.

Nhà văn, nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho biết: “Chỉ có 6 người trúng BCH thực sự là một kết quả bất ngờ. 6 người thì công việc điều hành Hội vẫn cứ trôi chảy thôi, nhưng khó khăn lúc tiến hành cho việc bỏ phiếu cho các sự việc khác, vì bỏ phiếu số lẻ dễ hơn. Năm nay BCH không có một “bóng hồng” nào, nhưng nhà văn Trần Nhương lại bình rằng: Cần gì, đã là nhà văn thì nam hay nữ cũng thế thôi. Còn tôi thì nghĩ âm dương phải điều hòa, theo 6 người mà thêm một nữ vào BCH sẽ rất đẹp. Nhưng người ta nói không có gì hoàn hảo cả. Riêng tôi, tôi thấy bằng lòng, chỉ băn khoăn mỗi điều khi bỏ phiếu thì khó khăn thôi”.

Ở một góc khác, nhà thơ Hữu Việt cho biết: Về BCH năm nay, tính theo từ trên xuống dưới thì hình như phần dưới của quả trám ít quá, và nếu như những gương mặt có thể nói là trẻ trong BCH như nhà văn Nguyễn Bình Phương đã 50 tuổi rồi… Danh sách chúng ta đưa ra không đảm bảo hình quả trám như ban đầu, thì không thể đặt vấn đề thế nào là trẻ, thế nào là không. Đó là vấn đề phải suy nghĩ. Thứ hai, nhiều người cũng cho rằng hơi tiếc, vì danh sách thăm dò từ các Đại hội cơ sở thì những người lớn tuổi trúng nhiều. Ngay trong Đại hội này cũng nhiều ý kiến cho rằng, cứ theo ý kiến thăm dò, bởi đây là những người đại diện cho các nhà văn.

Nhưng với mong muốn của Đại hội là có nhiều lực lượng trẻ muốn có động lực mới cho kỳ làm việc sắp tới. Trước đó khi bàn về nhân sự, BCH đặt ra mấy tiêu chí, thứ nhất là độ tuổi, hai là giới tính, vùng miền, nghề nghiệp... và các tiêu chí đều chưa đạt được trong kỳ này, mặc dù BCH mới là những nhà văn tiêu biểu hiện nay. Nhưng với số lượng hơn 1.000 hội viên mà chỉ có 6 người điều hành thì đây là một khó khăn rất lớn đang chờ đợi trí tuệ, đột phá về mặt tư duy của BCH để đáp ứng yêu cầu của đời sống văn chương hiện nay.

Hậu Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX: Gừng càng già càng cay? - 1

Các Đại biểu tham gia bỏ phiếu

Đánh giá về 6 gương mặt trong BCH mới, nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho hay: Đội hình của BCH năm nay là đáng tin tưởng vì có những người từng trải, đầy năng lực, bản lĩnh và có năng lực chuyên môn như gương mặt rất mới là nhà văn Nguyễn Bình Phương. Người mới bổ sung (trở lại) là nhà thơ Trần Đăng Khoa. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trải qua nhiệm kỳ vừa rồi với vai trò là Phó Chủ tịch, ông là người tài hoa, quảng giao; ông hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Á Phi, có nhiều hoạt động mang tầm quốc tế…

Và với việc nhà thơ Hữu Thỉnh tái đắc cử tới lần thứ 4, liệu người đứng đầu dẫn dắt Hội những 20 năm có tránh được đưa văn chương Việt vào “lối mòn”?. Nhà văn Bùi Việt Thắng trả lời: Sẽ có 2 cách nghĩ về vị tân Chủ tịch năm nay. Một là đã làm tới khóa thứ 4 thì xơ cứng lắm rồi. Hai là ông ấy vẫn làm tốt nhiệm vụ vì ông ấy rất nhiều kinh nghiệm, có bản lĩnh và nói một cách hình ảnh thì nhà thơ Hữu Thỉnh được ví là người chèo lái con thuyền văn chương đương đại Việt Nam.

Hội nghị năm nay “nóng” chuyện nhân sự, nhưng công chúng lại mong các nhà văn hãy bàn bạc về cái mà họ viết tới đây. Làm sao để có được những tác phẩm thực sự cần thiết, hấp dẫn cho độc giả, đặc biệt là việc kiếm tìm những tác phẩm đỉnh cao.

Nhà văn Y Phương tâm tư: Theo tôi những tác phẩm đỉnh cao đã xuất hiện rồi, chiến tranh đã lùi xa 40 năm mà chúng ta chưa có một tác phẩm nào xứng đáng với tầm cỡ của chiến thắng của toàn dân tộc, đó là một điều đáng suy nghĩ. Trước hết cái tài của nhà văn chúng ta có mức độ thôi, nếu cái tài của nhà văn tầm cỡ thì tác phẩm đỉnh cao đã xuất hiện rồi. Cái thứ hai, cách nhìn nhận và cách đánh giá tác phẩm của chúng ta hiện nay vẫn còn phiến diện chứ chưa thực sự thật là mở mang để các nhà văn giải phóng năng lượng sáng tạo. Chính vì thế mà chúng ta thiếu những tác phẩm đi vào lòng người...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hậu Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX: Gừng càng già càng cay?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO