Xâm nhập mặn xuất hiện bất thường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang từ đầu tháng 7 đến nay mức độ ngày càng nặng nề hơn, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Các ngành chức năng nhận định đây là hiện tượng bất thường chưa từng xảy ra.
Cần chủ động đóng cống ngăn mặn bảo vệ mùa màng.
Ghi nhận thực tế địa bàn tỉnh Hậu Giang, đến ngày 18-7 mặn đã lấn sâu vào 3 huyện: Long Mỹ, Phụng Hiệp và thành phố Vị Thanh độ mặn được Chi cục Thủy lợi tỉnh đo được dao động từ 1,1%o đến hơn 6%o. Nước mặn xâm nhập ăn theo dòng kênh xáng Xà No đi từ tỉnh Kiên Giang sâu vào xã Tân Tiến, Hỏa Lựu của TP.Vị Thanh, ở tuyến kênh Quản lộ Phụng Hiệp nước mặn xâm nhập từ dòng kênh này đi từ hướng Bạc Liêu vào địa phận huyện Long Mỹ và Phụng Hiệp.
Hàng năm đến khoảng tháng 5/2015 hạn hán và mặn chấm dứt, nhưng ở vào thời điểm này, mặc dù hơn 1 tháng nay trên địa bàn có mưa nhiều nhưng hiện tượng xâm nhập mặn vẫn diễn ra hết sức phức tạp, gây tâm lý bất an, lo lắng cho người dân, nhất là sản xuất nông nghiệp.
Theo kết quả quan trắc của Trạm Thủy lợi huyện Long Mỹ vào ngày 16/7, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn huyện Long Mỹ, độ mặn cao nhất đo được tại kênh Trà Ban, xã Long Phú (giáp ranh tỉnh Sóc Trăng) là 9,5%o, cầu Hậu Giang 2,8%o. Còn tại UBND thị trấn Trà Lồng là 6,3%o, tăng 0,2%o so với tuần trước. Xã Lương Nghĩa độ mặn đang ở mức từ 5,2-6,8%o; xã Lương Tâm từ 3,4-4,6%o; tại thị trấn Long Mỹ độ mặn cũng đã xâm nhập.
Các xã của huyện Phụng Hiệp như Phương Phú, thị trấn Búng Tàu, hàng chục năm qua chưa từng có mặn nhưng năm nay đã phải nếm mùi, độ mặn tại khu vực này đo được từ 2,6-4,4%o. Mặn diễn biến phức tạp và đột ngột xuất hiện trên địa bàn Phụng Hiệp nên chính quyền huyện rất lo lắng, nhất là việc tìm ra cách ứng phó và bảo vệ diện tích lúa Thu Đông, vườn cây ăn trái và mía. Ngành nông nghiệp huyện cảnh báo, đối với vườn cây ăn trái chỉ cần độ mặn khoảng 2%o sẽ gây thiệt hại nặng nề.
Ông Cam Quang Vinh, Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp cho biết: Do tình hình mặn xâm nhập bất ngờ nên chính quyền và người dân gặp nhiều lúng túng. Tuy nhiên chúng tôi đã kịp thời vận động và tuyên truyền bà con sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái, nuôi cá nước ngọt… cần theo dõi độ mặn trên kênh để chủ động đóng cống đập ngăn mặn, giữ ngọt, bơm nước vào đồng trước khi độ mặn vượt mức cho phép…
Ông Lê Phước Đại, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết: Năm nay đã gần cuối tháng 7 mà tình trạng xâm nhập mận diễn ra bất thường lấn sâu vào nội đồng. Một số xã của huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy lần đầu tiên bị nhiễm mặn ở ngay mùa mưa.
Tuy có bất ngờ, nhưng các ngành chức năng của Hậu Giang đã kịp thời ứng phó với diễn biến của tình hình nhiễm mặn. Theo lý giải của ngành chức năng tỉnh thì nguyên nhân khiến cho mặn diễn biến bất thường là do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam thổi mạnh đẩy nước mặn từ cửa biển tỉnh Bạc Liêu lên. Ngoài ra nguyên nhân nữa, do ảnh hưởng của đỉnh triều cường Biển Đông và Biển Tây cao hơn cùng kỳ các năm trước nên đẩy nước mặn tràn vào trong lục địa. Trong khi đó, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, ở Tân Châu, Châu Đốc (An Giang) hiện thấp hơn cùng kỳ từ 60-90 cm nên nước mặn từ biển rất dễ xâm nhập sâu vào đất liền qua các tuyến sông và kênh lớn ở các địa bàn.
Để ứng phó với diễn biến xâm nhập mặn bất thường, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang đã có văn bản yêu cầu các địa phương theo dõi sát diễn biến của xâm nhập mặn; đồng thời chỉ đạo khẩn cấp và thông báo rộng rãi đến bà con nông dân biết để có biện pháp ứng phó kịp thời. Trong đó, tiến hành bồi trúc đê bao và đóng tất cả các cống, bọng tập thể và cá nhân; tạm thời không lấy nước lên đồng để bơm cho lúa Thu đông và vườn cây ăn trái; cũng như khuyến cáo, vận động nhân dân ngăn mặn, trữ ngọt trong thời gian này để phục vụ nước sinh hoạt và tưới cho cây trồng…