Hậu Giang: Tái cơ cấu sản xuất gắn với kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp

Lê Quốc Khánh 17/01/2017 15:09

Để thích ứng với sản xuất trong tình hình hội nhập kinh tế thế giới, ngành nông nghiệp Hậu Giang từng bước thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, mùa vụ hướng đến một nền nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị.

Thu hoạch khóm tại Cầu Đúc, vùng nguyên liệu khóm của Hậu Giang.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp - yêu cầu cấp thiết

Những năm qua, thực hiện đề án “chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi” (Đề án 1.000), ngành nông nghiệp Hậu Giang đã xây dựng 10 sản phẩm nông sản chủ lực gồm: lúa, mía, cam sành, bưởi, chanh không hạt, khóm, xoài cát, quýt đường, cá thát lát, cá rô đồng áp dụng tiêu chuẩn GAP. Đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện tái cơ cấu sản xuất, đã có 9 trong tổng số 10 nhãn hiệu nông sản chủ lực được công nhận gồm: bưởi Năm Roi Phú Thành, cam sành Ngã Bảy, khóm Cầu Đúc, chanh không hạt, cá thát lát Hậu Giang, cá rô đồng Hậu Giang, lúa Hậu Giang 2, mía đường CASUCO, quýt đường Long Trị.

Ông Nguyễn Văn Đồng cho biết: Giai đoạn 2014-2016, có 80% nông dân trong tỉnh được chuyển giao khoa học kỹ thuật; 10-15% diện tích cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; 70-80% diện tích sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm; 80% diện tích lúa sử dụng giống xác nhận; từ 90 – 100% nhóm cây ăn quả có múi, mía, rau màu,… sử dụng giống sạch bệnh, có năng suất, chất lượng cao; 80% giống phục vụ nuôi trồng thủy sản là giống sạch bệnh.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tại Hậu Giang đạt hơn 25 triệu đồng/người/năm, cao gấp 2,4 lần so với thời điểm 5 năm trước. Hiện nay, toàn tỉnh Hậu Giang có hơn 35.000 hộ có mô hình sản xuất hiệu quả, doanh thu trên 100 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt trên 30%, tăng 1,93 lần so với năm 2010.

Hiện đã có gần 3.000 hộ dân đăng ký tham gia thực hiện đề án trong đó có 641 hộ đủ điều kiện vay vốn, với tổng kinh phí thực hiện trên 49 tỉ đồng, chiếm gần 17% tổng kinh phí của đề án.

Hậu Giang định hướng đến năm 2020, sẽ nhân rộng các mô hình nhằm phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa các nông sản và chuyển đổi mạnh mẽ kinh tế hộ theo hướng gia trại, trang trại trong đó về sản xuất lúa, chuyển dần diện tích đất vụ 3 sang cơ cấu 2 lúa - thủy sản 2.679 ha, chuyển đổi 4.000 ha đất mía kém hiệu quả, 3.535 ha diện tích vườn tạp được cải tạo, tỷ lệ đàn heo nuôi tập trung trang trại so với tổng đàn tăng lên 60%, đàn gia cầm lên 70% năm 2020.

Để tạo nguồn nguyên liệu cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu, Hậu Giang chủ trương sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn với diện tích hơn 1.700 ha tại các huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Long Mỹ và thị xã Ngã Bảy; hỗ trợ nông dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật để phục vụ sản xuất, giúp giảm chi phí sản xuất lúa từ 4.100 đồng/kg xuống còn dưới 3.000 đồng/kg. Đặc biệt, nông dân còn được phía doanh nghiệp hỗ trợ một phần chi phí sản xuất đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Tỉnh đã hỗ trợ cho nông dân vay 35,5 tỉ đồng mua 100 máy gặt đập liên hợp (GĐLH) nâng tổng số máy GĐLH hiện có trên toàn tỉnh lên con số 317 máy, đảm bảo phục vụ 80% diện tích gieo trồng, góp phần giảm chi phí sản xuất so với thu hoạch thủ công 4,3 triệu đồng/ha, tương đương gần 20% chi phí sản xuất, đồng thời khắc phục tình trạng khan hiếm nhân công ở nông thôn vào mùa thu hoạch rộ. Ngoài ra, các hợp tác xã, tổ hợp tác còn đầu tư gần 500 lò sấy lúa vĩ ngang công suất từ 4-8 tấn/mẻ, giải quyết 50% sản lượng lúa được sấy.

Máy gặt đập liên hợp được tăng cường phục vụ cho thu hoạch lúa từ “Đề án cơ giới hóa trong sản xuất lúa”.

Kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết: Những năm qua, ngành nông nghiệp Hậu Giang chủ trương xây dựng chiến lược phát triển ngành để thích ứng với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng. Tỉnh qui hoạch vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao 32.000 ha, vùng nguyên liệu mía 10.300 ha, vùng nguyên liệu khóm 1.500 ha, vùng cây ăn trái đặc sản 2.500 ha, vùng nuôi trồng thủy sản 11.000 ha trong đó có 1.500 ha tập trung phân bố đều khắp ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu, từng bước hình thành mô hình “mỗi địa phương mỗi sản phẩm” độc đáo, khác biệt, phù hợp với các dự án đầu tư trên địa bàn.

Đây là cơ sở để các HTX liên kết cùng với doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh về chế biến nông sản, thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao và các dự án phát triển thương mại, du lịch. Hậu Giang ưu tiên khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực: Ứng dụng công nghệ sinh học trong lai tạo, nhân giống có hàm lượng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; Ứng dụng tiến bộ khoa học, kĩ thuật vào sản xuất nông sản an toàn, thân thiện với môi trường; Khuyến khích đầu tư các công nghệ hiện đại phục vụ chế biến, bảo quản sau thu hoạch, nhằm giảm tổn thất, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước.

Hiện nay, Hậu Giang đang kêu gọi đầu tư 6 dự án lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, với tổng số vốn đầu tư lên đến 326 triệu USD bao gồm: Dự án chế biến nước khóm cô đặc xuất khẩu, vốn đầu tư 8 triệu USD, công suất 6.000 tấn sản phẩm/năm; Dự án chợ nông sản chất lượng cao quy mô 100 ha, nguồn vốn khoảng 150 triệu USD; vùng nguyên liệu 11.700 hec-ta gắn với dự án nhà máy bảo quản, chế biến trái cây, vốn đầu tư 50 triệu USD; Dự án kêu gọi đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao diện tích 5.200 hec-ta, vốn đầu tư 50 triệu USD; Dự án đầu tư Vùng chăn nuôi tập trung gắn với vùng nguyên liệu 600 hec-ta, vốn đầu từ 45,5 triệu USD; Dự án Nuôi trồng thủy sản đặc sản nước ngọt Hậu Giang, vùng nguyên liệu 900 hec-ta, vốn đầu tư 22,5 triệu USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hậu Giang: Tái cơ cấu sản xuất gắn với kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO