‘Hậu kiểm toán’, sao chưa ai bị xử lý?

Việt Thắng 24/02/2016 11:04

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ băn khoăn về "hậu kiểm toán" khi hiện nhiều kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước chưa được xử lý triệt để.

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Nguyễn Hữu Vạn cho biết: Bình quân hàng năm, KTNN thực hiện kiểm toán khoảng 180 đến 200 cuộc kiểm toán với quy mô năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10%.

Trong 5 năm (2011-2015), KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính tổng số tiền 101.037 tỷ đồng, bằng 55% số kiến nghị xử lý tài chính trong 21 năm hoạt động của KTNN (184.486 tỷ đồng).

Trong đó, 3 năm gần đây số liệu kiến nghị thực tăng thu, giảm chi NSNN tăng cao gần 2 lần so với các năm trước (năm 2013 là 8.683 tỷ đồng; năm 2014 là 8.061 tỷ đồng; năm 2015 ước đạt 12.658 tỷ đồng); kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 360 văn bản; chuyển 9 hồ sơ về 11 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; cung cấp nhiều bộ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra, cơ quan nhà nước khác và Đại biểu Quốc hội để phục vụ kiểm tra, giám sát.

Tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu lại cảm thấy lo nhiều hơn mừng. Ông Giàu mừng vì kiểm toán đã làm việc tích cực, nhưng lo nhiều hơn bởi nếu 5 năm sau lại phát hiện tăng hơn 5 truớc thì quản lý tài chính công đi đến đâu?

Đặc biệt KTNN còn thấy một số địa phương còn cắt giảm, sử dụng nguồn kinh phí, kéo dài nhiều năm. Nếu đánh giá đó chính xác thì quản lý tài chính công không tiến bộ vì để xảy ra tình trạng trên.

"Làm sao để kiểm soát quản lý tài chính công chứ kết quả 5 năm mà bằng 55% của 21 năm thì lo quá" - ông Giàu bày tỏ.

Theo nhận định của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, kiểm toán là vũ khí của Quốc hội để kiểm soát vấn đề tài chính quốc gia, ngân sách nhà nước, thu-chi tiêu như thế nào? đặc biệt kiến nghị của KTNN hằng năm, và kiểm toán chuyên đề. Khi Quốc hội có các cuộc giám sát lớn đều đề nghị KTNN, từ đó giúp cho Quốc hội kiểm soát được tình hình thu chi nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên ông Phước bày tỏ băn khoăn về "hậu kiểm toán" khi hiện nhiều kiến nghị của KTNN lại chưa được xử lý triệt để.

"Vậy yêu cầu Chính phủ và các cơ quan phải thực hiện như thế nào?. Chứ hàng năm kiểm toán kiến nghị hàng nghìn tỷ nhưng xử lý được đến đâu? thu được bao nhiêu? số còn lại xử lý thế nào? thì chưa rõ. Như vậy là chưa yên tâm, hậu kiểm toán làm chưa tốt vì tiền của nhà nước chính là tiền của nhân dân. Chúng ta đại diện cho nhà nước chính là đại diện cho nhân dân để kiểm soát lượng tiền thu chi này"-ông Phước nêu vấn đề.

Cũng bày tỏ băn khoăn về "hậu kiểm toán" Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý đặt vấn đề: Kết quả thực hiện kiến nghị của kiểm toán đến đâu thì chưa rõ? trách nhiệm như thế nào?.

Luật KTNN có quy định trách nhiệm đối với việc thực hiện kết luận của KTNN, quy định trách nhiệm của Chính phủ đôn đốc kiểm tra thực hiện kết luận của kiểm toán và trách nhiệm của UBND, các cơ quan tổ chức. Vậy không thực hiện kết luận của kiểm toán thì phải bị xử lý như thế nào?.

Báo cáo kiểm toán luôn được ĐBQH quan tâm, vì có vai trò trong chống tham nhũng, thu chi ngân sách nhà nước, nhưng tiếng nói chính thức của KTNN cần được tăng cường hơn nữa tại Quốc hội. Nhiều nước có mối kết nối kiểm toán với tài chính ngân sách của Quốc hội. Họ làm luôn nhiệm vụ giám sát thực hiện kết quả của kiểm toán.

"Tôi chưa thấy ai bị xử lý kỷ luật không thực hiện kết luận của kiểm toán. Quốc hội, Chính phủ cũng chưa xử lý kỷ luật ai không thực hiện theo kết luận của kiểm toán, ngay bản thân kiểm toán cũng chưa đề xuất kỷ luật được ai, Chủ tịch tỉnh nào vi phạm trong khi kiến nghị của kiểm toán rất đúng" - ông Lý chỉ rõ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, kiểm toán mới chủ yếu đi vào kiểm toán ngân sách nhà nước, còn kiểm toán hoạt động còn nhiều hạn chế nhất định, chưa kiến nghị làm sao kiểm tra kiểm soát nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản và các đơn vị được kiểm toán. Phát hiện được nhiều nhưng chủ yếu là vẫn xử lý hành chính còn các vấn đề xử lý hình sự còn hạn chế.

Đưa ra dẫn chứng: "Ở nước khác họ coi trọng thanh tra, kiểm toán lắm. Có tới 80-90% phát hiện tham nhũng là do kiểm toán, thanh tra. Vì tham nhũng tinh vi chỉ có cơ quan có trình độ chuyên môn mới phát hiện được. Còn ở ta thì ngược lại vì chủ yếu là do nhân dân và báo chí phát hiện", ông Hiện nói:" KTNN là thay mặt nhà nước trong quản lý sử dụng tài sản nhà nước, do đó cần tăng cường phát hiện những vi phạm, tham nhũng thông qua kiểm toán việc sử dụng chi tiêu ngân sách của các đơn vị, cơ quan, tổ chức".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Hậu kiểm toán’, sao chưa ai bị xử lý?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO