Hãy là người bệnh thông minh

ĐỖ HƯƠNG 11/12/2022 09:18

Nhiều người dân khi bị nhức đầu, xổ mũi, đau họng thường tự ra nhà thuốc kể sơ sơ các triệu chứng bệnh của mình rồi được bán cho một túi thuốc gồm nhiều loại “xanh, đỏ” về uống từ 3-5 ngày. Thực trạng này diễn ra khá phổ biến tại các hiệu thuốc, bất chấp quy định của Bộ Y tế và khuyến cáo phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Khi có vấn đề về sức khỏe, không tự uống thuốc.

Gần đây, trên trang cá nhân của mình, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, kể một số ví dụ mà ông trực tiếp chứng kiến.

Ví dụ 1: “Tôi vừa gặp một bác bệnh nhân không phải già lắm nhưng bệnh khá nặng phải nhập viện liên tục vì đau ngực. Mở trong túi ra một bọc thuốc, bác phân trần đã "vái tứ phương" nhưng bệnh ngày càng nặng lên. Tôi mới hỏi đơn thuốc của bác đâu? Lục mãi cũng có cái đơn nhàu nhĩ nhưng từ năm ngoái và thuốc trong đơn chẳng liên quan gì đến bọc thuốc trên tay.

Hóa ra mỗi bệnh viện bác chọn một loại uống, rồi của nhà bán thuốc khuyên uống, thuốc của anh bạn đi nước ngoài về cho, thuốc ông bác sĩ già đầu ngõ, và thậm chí thuốc của vợ cũng giữ một ít để phòng khi huyết áp lên dùng tạm một vài viên”.

Tình trạng kháng kháng sinh đang khiến các bác sĩ lâm sàng vô cùng nhức óc mà nguyên nhân sâu xa là việc dùng thuốc bừa bãi, không đúng liều lượng và không tuân thủ ngày điều trị.

Ví dụ 2: “Trong chuyến đi khảo sát Nhà chống lũ, trưởng nhóm Jang Kều bị đau họng nhưng chắc ngại làm phiền tôi nên bảo cậu trợ lý đi mua thuốc. Cậu chạy qua cửa hàng thuốc nói cần mua thuốc viêm họng và ngay lặp tức nhận được gói thuốc với giá 50 nghìn đồng. Thật may (cho cô Jang) hoặc có thể là không may (vì mất oan tiền) vừa đúng lúc định uống thì có mặt tôi. Mở gói thuốc ra mới giật mình vì có đến 2 loại kháng sinh cùng nhóm Cephalosporin. Đây là chống chỉ định mà ai cũng hiểu, chưa kể còn mấy loại vàng, đỏ không thể đoán là thuốc gì vì không có tên và hàm lượng. Không hướng dẫn cũng chẳng hoá đơn nên uống vào có sao cũng không thể kêu ai”.

Theo BS Nguyễn Lân Hiếu, những gói thuốc kiểu này có mặt ở khắp nơi và ngày càng phổ biến cho dù cơ quan chức năng có kiểm tra xử phạt, răn đe. Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu chắc là do sự dễ dãi đối với sức khoẻ của mình, nghĩ thuốc nào uống vào cứ đỡ, cứ khỏi là dùng.

Chúng ta đều biết bệnh thông thường đại đa phần đều tự khỏi, đặc biệt các bệnh do virus gây ra. Chính vì vậy đúng là thuốc nào uống cũng có khả năng chữa bệnh nhưng điều nguy hiểm là tác dụng phụ của thuốc và sự nhờn thuốc. Bất cứ thuốc gì kể cả thuốc bổ đều có tác dụng phụ và phản ứng dị ứng. Tình trạng kháng kháng sinh đang khiến các bác sĩ lâm sàng vô cùng nhức óc mà nguyên nhân sâu xa là việc dùng thuốc bừa bãi, không đúng liều lượng và không tuân thủ ngày điều trị.

BS Nguyễn Lân Hiếu đưa ra 5 lời khuyên:

Thứ nhất nên chọn một bác sĩ điều trị lâu dài bệnh lý mạn tính của mình và gia đình. Nếu sử dụng bảo hiểm y tế nên cố gắng sắp xếp lịch để khám một hoặc cùng lắm là 2 bác sĩ, xin số liên lạc để lần sau đến khám theo hẹn.

Thứ hai nếu thuốc chưa hợp, có tác dụng phụ cần quay trở lại bác sĩ để điều chỉnh, đừng vội chuyển bác sĩ, đi khám cơ sở y tế khác.

Thứ ba nếu phải khám đa chuyên khoa, luôn đưa đơn thuốc của mình đang dùng cho các bác sĩ chuyên khoa khác để bảo đảm sự tương tác thuốc tốt.

Thứ tư nếu thực sự muốn thay đổi bác sĩ điều trị, khi đi khám cơ sở y tế khác cần mang đầy đủ hồ sơ bệnh án để tránh tốn kém thời gian, tiền bạc và đặc biệt không để bác sĩ mới "đi lại" đúng con đường cũ trong chẩn đoán và điều trị bệnh của mình.

Thứ năm, nếu bệnh viện hết thuốc thường cấp (do hết thầu, trượt thầu), nên đề nghị bác sĩ cho loại thuốc cùng nhóm tương đương. Lý do này nghe không khoa học chút nào, nhưng lại là chuyện thường ngày không chỉ ở tuyến huyện.

BS Nguyễn Lân Hiếu mong muốn các nhà thuốc phải nghĩ đến những hậu quả không đong đếm được lên sức khoẻ của người dân. Giữ đúng được nguyên tắc có thể làm giảm thu nhập của mình trong một thời gian nhưng về lâu dài sẽ tạo ra thương hiệu uy tín đối với các bác sĩ và cả cộng đồng dân cư. Không bán thuốc mà không có đơn (ngoài các loại được cho phép người dân tự mua như: vitamin, hạ sốt, giảm đau non-steroid...). Nếu slogan này được các nhà thuốc trong cả nước coi là “kim chỉ nam”, chắc chắn tỷ lệ dị ứng thuốc, kháng thuốc trong cả nước sẽ giảm rõ rệt.

“Hãy là người bệnh thông minh”, BS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh, đồng thời lưu ý: “Không nhận các túi thuốc không hướng dẫn, không rõ tên thuốc. Nếu không rõ đừng ngần ngại hỏi kỹ người bán thuốc, bác sĩ của mình. Nên để ý đến liều lượng, thời gian dùng và tác dụng phụ của thuốc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hãy là người bệnh thông minh