Mạng xã hội vẫn là một vấn đề mới đối với mọi quốc gia trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Chính vì thế, ứng xử như thế nào với mạng xã hội để chúng ta tận dụng được những mặt tích cực, hạn chế được những mặt tiêu cực là bài toán khó đối với tất cả các nước.
Tôi rất ủng hộ ý kiến đề xuất việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Chúng ta sống trong một xã hội tôn trọng pháp luật, chính vì thế, đưa những nguyên tắc của luật pháp vào tất cả các môi trường xã hội, kể cả trên mạng xã hội là điều cần thiết. Bộ quy tắc ứng xử sẽ là công cụ điều tiết để tránh những rắc rối có thể có giữa những người giao tiếp trên mạng xã hội. Một bộ quy tắc ứng xử sẽ cần có thời gian thẩm định nhưng chúng ta cần sớm ban hành để sớm có nhận thức và hành động đúng đối với một vấn đề quan trọng đối với sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Vụ việc YouTuber Thơ Nguyễn vừa qua cho thấy, ảnh hưởng từ các trang mạng xã hội đến trẻ em nói riêng và cả xã hội nói chung ngày càng mạnh mẽ. Giờ đây, không chỉ gia đình, nhà trường, mà ngay chính các trang mạng xã hội đã góp phần chi phối nhận thức, và từ đó ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi của con người. Vì thế, những thông tin đến từ mạng xã hội nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ phía xã hội. Giáo dục nói chung, giáo dục đạo đức nói riêng phải chú ý nhiều hơn đến các trang mạng xã hội…
Lợi ích kinh tế là một yếu tố quan trọng chi phối hành vi sản xuất thông tin trên mạng xã hội. Chính việc cổ vũ các nội dung không phù hợp qua lượt share, view, like tạo điều kiện cho các chủ trang kiếm được nhiều tiền, khiến cho xu hướng tạo ra các nội dung không lành mạnh, nhưng lại kích thích sự tò mò từ người xem, đã tạo ra những xu hướng sản xuất nội dung không phù hợp trong thời gian vừa qua.
Người sử dụng mạng xã hội thông thái sẽ tận dụng được lợi thế của công nghệ từ mạng xã hội để phát triển năng lực bản thân, và ngược lại. Điều cần phải nhắc lại ở đây, chúng ta chưa thực sự hình thành văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. Vì lý do đó, những hành động, hình ảnh nào là phù hợp, không phù hợp cũng như những tranh luận trên mạng xã hội nên dừng ở mức độ như thế nào là vừa đủ vẫn chưa được định hình một cách rõ ràng. Một phần vì các phương tiện truyền thông như mạng xã hội đang khiến chúng ta không thể đúc kết kinh nghiệm từ những gì chưa được trải nghiệm.
Để hạn chế những hiện tượng tiêu cực trên các trang mạng xã hội, hãy trở thành những người sử dụng mạng xã hội thông minh để biến những lợi ích của mạng xã hội thành lợi ích cho bản thân, hạn chế những tiêu cực trên mạng xã hội. Mặt khác, cần hình thành nên bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, là định hướng cho việc tạo nội dung cũng như là cơ sở để đánh giá, bình luận về những hoạt động trên mạng xã hội…