Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với đôi vợ chồng có hành vi đánh đập mẹ già gần 90 tuổi. Hành vi vi phạm pháp luật phải bị trừng phạt. Người với người trong xã hội còn có thể yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong cơn hoạn nạn. Vì sao với cha mẹ lại có thể nhẫn tâm hành hạ? Cũng may trường hợp đó chỉ là cá biệt và vẫn còn đó rất nhiều, rất nhiều con cháu hiếu thảo.
Trở lại vụ việc đau lòng ở Tiền Giang, cũng có ý kiến cho rằng nếu cộng đồng mạng không “dậy sóng” thì chưa chắc các cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc. Không phủ nhận trên thực tế cũng có một vài trường hợp, ở một vài nơi, các cơ quan có thẩm quyền còn có thái độ thờ ơ, vô cảm trước những nỗi bất bình, bức xúc của xã hội. Song, chúng ta hãy có cái nhìn tích cực hơn, rằng hầu hết các trường hợp “vượt giới hạn cho phép” đều sẽ bị xử lý nghiêm khắc, dù là biện pháp hành chính hay cao hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự. Chỉ cần chúng ta giữ vững lòng tin, công lý sẽ được thực thi.
Cuộc sống hàng ngày có rất, rất nhiều những tấm lòng nhân ái bao la, những tấm gương tích cực, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, sẵn sàng cùng gánh vác hoạn nạn với mọi người. Vậy tại sao chúng ta không đưa lên mạng như một hình thức động viên, chia sẻ với người tốt, đồng thời lại có tác dụng giáo dục từ những tấm gương sáng để mọi người noi theo? Đáng buồn là hiện những status về gương “người tốt, việc tốt” trên mạng xã hội còn khá ít. Thi thoảng nếu có những status như vậy thì cũng không nhận được nhiều sự chia sẻ của cộng đồng mạng.
Có những người chẳng phải là nhân vật nổi tiếng, cũng chẳng phải là quyền cao chức trọng, song họ sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để phục vụ nhân dân. Một chị thợ may ở huyện Đông Anh (Hà Nội) đã bỏ ra hơn 200 triệu đồng nhập về dây chuyền sản xuất khẩu trang đạt chuẩn, huy động nhân viên tăng ca, mỗi ngày làm ra 3.000 khẩu trang chỉ với một mục đích: Phát miễn phí cho các cháu học sinh trên địa bàn sắp sửa trở lại lớp học. Một tấm lòng nhân hậu, tốt bụng như vậy tại sao lại ít được cộng đồng mạng chia sẻ để mọi người đều biết cùng lan tỏa sự yêu thương.
Có những “lão nông tri điền”, dù chưa phải giàu sang phú quý vẫn sẵn sàng hiến đất để mở đường lớn, tạo bộ mặt khang trang, sạch sẽ cho thôn xóm. Có những nhóm tình nguyện âm thầm chi ra tới vài chục triệu đồng, về tận vườn thu mua dưa hấu giải cứu nông dân, rồi mang về phát miễn phí cho người thành thị… Họ làm việc tốt không phải để nổi tiếng, nhưng xã hội cần phải ghi nhận.
Nói như vậy không có nghĩa chúng ta không nên công khai những cái xấu, cái tiêu cực lên để răn đe những người có hành vi lố bịch, vi phạm pháp luật. Song, cần nhìn rõ cái tốt và cái xấu, cái đẹp và cái chưa đẹp, không nên chỉ mải đưa lên mạng những hành vi xấu. Người xưa dạy rằng “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, vậy tại sao chúng ta lại muốn để con em mình chỉ thấy một bầu trời đen tối?
Trở lại câu chuyện bạo lực gia đình. Lâu nay, cũng không ít gia đình sống trong tình cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” nên việc cãi vã, đánh lộn đôi khi cũng xảy ra. Trong những cuộc giải quyết mâu thuẫn bằng việc “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, người chịu thiệt thòi chủ yếu là nữ giới, trẻ em và người già. Hiện hành lang pháp lý đã khá đủ, các tổ chức chính trị - xã hội cũng không thiếu, nhưng việc thực thi còn khá nhiều bất cập, chưa kịp thời giải quyết thấu đáo mọi mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân. Đó chính là lý do nạn bạo hành gia đình vẫn xảy ra ngoài mong muốn. Tại Luật Hôn nhân gia đình, Luật Trẻ em, Bộ luật Hình sự... đều có quy định rất rõ: Mọi hành vi bạo lực gia đình cần phải bị xử lý, tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, thực tế cũng chưa có nhiều ông chồng phải đi tù vì đánh vợ đến tàn tật. Cũng còn khá ít ông bố đánh con, con đánh cha mẹ... phải đối mặt với pháp luật nên nạn bạo lực gia đình chưa thể chấm dứt.