Hé lộ dấu tích dinh chúa Nguyễn

Gia Bách 04/08/2016 07:39

Sau gần nửa tháng khai quật khảo cổ Lỵ sở dinh chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong, Quảng Trị, giới khảo cổ học đã thu được những kết quả bước đầu, hé lộ một phần dấu tích về thời kỳ chúa Nguyễn dựng nghiệp trên mảnh đất này.

Những hiện vật được khai quật tại buổi công bố.

Trung tâm Bảo tồn Di tích và Danh thắng phối hợp Bảo tàng tỉnh Quảng Trị và Ủy ban Nhân dân huyện Triệu Phong vừa công bố sơ bộ kết quả cuộc thăm dò, khai quật khảo cổ Lỵ sở Dinh chúa Nguyễn (1558-1626) tại Trung tâm văn hóa huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Cuộc thăm dò và khai quật khảo cổ đã tìm ra được những bằng chứng thông qua những chứng tích, kí ức lịch sử về Lỵ sở của chúa Nguyễn, với một khu vực có sự góp mặt của nhiều công trình kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc la thành.

Sau đợt khai quật đã phát hiện nhiều dấu tích khác nhau như: gạch ngói và đồ gốm gạch chủ yếu là gạch thẻ màu đỏ, có độ nung thấp, dễ gọt cắt, chất liệu được làm khá kĩ; ngói chủ yếu là ngói phẳng, mỏng, độ nung thấp, có phát hiện thấy ngói mũi sen nhưng rất hiếm; đồ đất nung chủ yếu là các loại bát, nhiều mảnh nối còn giữ nguyên cả vết cháy đen do hun nấu, có niên đại từ thế kỷ XVI-XIX; gốm sành khá phổ biến, đa dạng về loại hình như bình, vò, hũ, chậu, lọ… có niên đại từ thế kỷ XV-XIX; gốm men và gốm sứ chủ yếu là đồ Trung Hoa có xuất xứ từ các lò Phúc Kiến, Quảng Đông, Cảnh Đức, gốm đẹp và có tính thương mại cao, có nhiều mẫu sang trọng để dùng trong tầng lớp quý tộc có niên đại từ thế kỷ XV- XIX…

Cuộc khai quật được tiến hành tại khu vực thực địa ở Cát Dinh, thôn Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong trong 14 ngày từ 20/7 đến 2/8, trên tổng diện tích 113,63m2, bao gồm 3 khu vực: Trà Bát 1, Trà Bát 2 và Trà Bát 3, thuộc xã Triệu Giang.

Giới khảo cổ nhận định, đây mới chỉ là kết quả bước đầu nên cần phải có thời gian tìm hiểu sâu hơn mới có thể đưa ra khẳng định chính xác.

Dấu ấn chúa Nguyễn Hoàng tại Quảng Trị được ghi lại theo lịch sử bắt đầu từ tháng 10/1558 khi chúa Nguyễn Hoàng xin vua vào trấn thủ vùng đất mới. Ông đã dừng lại ở Ái Tử (nay là huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) và đặt thủ phủ đầu tiên tại đây, còn gọi là Dinh Ái tử từ năm 1558-1570.

Đến tháng 1/1570, chúa Nguyễn Hoàng cho dời dinh từ Ái Tử sang làng Trà Bát, còn gọi là Dinh Trà Bát. Năm 1600, Nguyễn Hoàng trở lại Thuận Hóa và tiến hành chuyển Lỵ sở một lần nữa gọi là Dinh Cát hay Cát Dinh. Năm 1626, ông tiến hành cho dời Lỵ sở từ Quảng Trị vào vùng Phước Yên của Thừa Thiên-Huế.

Tuy nhiên, Dinh Cát vẫn được sử dụng như một căn cứ tiền tiêu. Lúc này, Dinh Cát được xem là 1 trong 12 dinh của xứ đàng trong; đồng thời là trung tâm hành chính, chính trị từ thế kỷ XVII-XVIII. Vào thời kỳ 1802-1809 khi vua Gia Long lập dinh Quảng Trị thì Dinh Cát là được xem là Lỵ sở của dinh Quảng Trị buổi ban đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hé lộ dấu tích dinh chúa Nguyễn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO