Theo một số nguồn tin ban đầu, sự cố kỹ thuật được cho là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn máy bay thảm khốc trên.
Indonesia tuyên bố triển khai chiến dịch tìm kiếm liên tục trong 24h chiếc máy bay mang số hiệu JT-610 của hãng hàng không Lion Air lao xuống biển, làm 189 người thiệt mạng. (Ảnh: AFP/Getty).
Ngày 30/10, nhà chức trách Indonesia tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực tìm kiếm hành khách và mảnh vỡ chiếc máy bay xấu số, nhằm tìm ra nguyên nhân tại sao một chiếc máy bay mới được đưa vào sử dụng lại gặp nạn chỉ ít phút sau khi cất cánh.
Nhà chức trách Indonesia đã huy động 250 nhân viên cứu hộ cùng thuyền và máy bay trực thăng trong nỗ lực rà soát khu vực xảy ra tai nạn rộng chừng 150 hải lý, nằm cách khu vực duyên hải Đông Bắc Java khoảng 34 hải lý. Các thợ lặn ngụp ở độ sâu 35m trong điều kiện sóng lớn và thủy triều cao. Đèn hiệu dưới nước cũng đã được đưa vào sử dụng để lần tìm bộ lưu dữ liệu hộp đen của máy bay, với hy vọng giải mã nguyên nhân vụ tai nạn.
Phát biểu trước báo giới ngày 29/10, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói: “Tôi đã yêu cầu lực lượng cứu hộ làm việc 24/24 giờ, sử dụng cả đèn hiệu dưới nước để đẩy nhanh quá trình tìm kiếm phần thân của máy bay. Hiện chúng tôi đã biết vị trí của nó”.
Máy bay mang số hiệu JT-610 của hãng hàng không Lion Air, đang trong lộ trình từ thủ đô Jakarta đến thành phố Pangkan Pinang, đã lao xuống biển. Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy một số thi thể hành khách và đồ dùng cá nhân, trong đó có giày trẻ em. Các mảnh vỡ, áo phao cứu hộ, điện thoại di động được phát hiện ở vùng nước cách tọa độ được cho là nơi máy bay rơi khoảng 2 hải lý. Lực lượng cứu hộ cũng đã tìm thấy mảnh vỡ được cho là đuôi của máy bay. Tuy nhiên, phần mảnh vỡ chính có chứa hộp đen của máy bay đến nay vẫn chưa được tìm thấy.
“Từ thông tin chúng tôi có được, chúng tôi đã tìm thấy một số mảnh vỡ của máy bay và đồ dùng của hành khách. Chúng tôi đã đưa một số thi thể hành khách về Jakarta để xác định danh tính. Chúng tôi đang tập trung nguồn lực tối đa để tìm kiếm các mảnh vỡ máy bay”, ông Budi Maryoto, cảnh sát trưởng Tây Java cho biết.
Theo Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Quốc gia Indonesia, cho đến nay đã có 27 túi được cho là đựng thi thể các hành khách xấu số được đưa về một bệnh viện ở phía Đông Jakarta để xác định danh tính. Các gia đình có hành khách trên máy bay đã được thông báo tới bệnh viện để xác nhận người thân. Trên chiếc máy bay xấu số còn có 20 viên chức của Bộ Tài chính.
Người đứng đầu Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia cho biết, máy bay xấu số được đưa vào sử dụng vào tháng 8 vừa qua và mới chỉ hoạt động được 800 giờ bay. Một câu hỏi được đặt ra lúc này là tại sao một máy bay mới đưa vào sử dụng lại gặp tai nạn nghiêm trọng như vậy. Để trả lời câu hỏi này chắc sẽ phải mất nhiều thời gian.
Tuy nhiên, trong bản tin mới nhất, hãng tin BBC của Anh và hãng tin CNN dẫn nhật ký kỹ thuật bay cho biết, máy bay xấu số đã gặp sự cố kỹ thuật trước đó. Dụng cụ đọc tốc độ bay ở khoang buồng lái của cơ trưởng không đảm bảo an toàn và cơ trưởng đã buộc phải đưa thiết bị cho nhân viên kỹ thuật để sửa chữa.
Trước đó, Giám đốc Điều hành hãng hàng không Lion Edward Sirait trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình địa phương TV1 cũng xác nhận, chiếc máy bay đã gặp vấn đề trước chuyến bay từ Denpasar đến Jakarta. Tuy nhiên, các kỹ thuật viên đã kiểm tra, khắc phục vấn đề và xác nhận máy bay đủ tiêu chuẩn an toàn để bay.