Sau những lùm xùm xung quanh quốc tịch Síp, thì thu nhập của viên chức quản lý tại IPC dưới thời ông Phạm Phú Quốc là thông tin đáng chú ý tuần qua.
Tiền “mua” hộ chiếu đảo Síp của ông Phạm Phú Quốc bằng thu nhập 90 năm của cán bộ Công ty Tân Thuận
Về chế độ tiền lương, tiền thưởng của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận ( Công ty Tân Thuận - IPC), báo cáo số 126/IPC.20 do Tổng giám đốc Phạm Phú Quốc ký ban hành vào tháng 3/2020 cho thấy, trong năm 2018, tiền lương của người lao động rơi vào khoảng 27,38 triệu đồng/tháng. Lương bình quân của 12 người trong ban lãnh đạo IPC ở mức 53,588 triệu đồng/người/tháng (kế hoạch 54,83 triệu đồng/người/tháng).
Theo kế hoạch của năm 2019, lương của người lao động giảm so với các năm trước, còn khoảng 25,06 triệu đồng/tháng, Ban lãnh đạo IPC giảm về số lượng nhưng thu nhập chênh lệch không đáng kể so với năm trước (54,47 triệu đồng). Như vậy, nếu ước tính theo con số này mức thu nhập bình quân của viên chức quản lý tại Công ty Tân Thuận (IPC), nơi ông Phạm Phú Quốc làm Tổng giám đốc trong năm 2018 và 2019 đều trên 600 triệu đồng.
Trong khi đó, mức giá để mua quyền công dân tại Quốc đảo Síp được hãng thông tấn Al-Jazeera nêu là khoảng 2,5 triệu USD (tương đương khoảng 58 tỷ đồng).
Như vậy, viên chức quản lý tại Công ty Tân Thuận (IPC), phải mất tới 90 năm mới “tích” được khoản tiền tương đương mức giá để mua “hộ chiếu vàng” Cyprus (đảo Síp).
IPC ra sao dưới thời ông Phạm Phú Quốc?
Đầu tháng 12/2019, Uỷ ban Nhân dân TPHCM đã ra quyết định điều động và bổ nhiệm ông Phạm Phú Quốc giữ chức vụ Thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC), thay cho ông Tề Trí Dũng bị khởi tố và bắt giam hồi tháng 5/2019.
Đáng chú ý trong báo cáo tài chính quý 2 vừa công bố của TPC, doanh thu thuần của Tân Thuận - IPC lại “không thấm là bao” so với lợi nhuận.
Cụ thể, trong quý 2 vừa rồi, doanh thu thuần của Tân Thuận - IPC đạt 9,85 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ so với quý 1. Thế nhưng, trong quý vừa rồi, Tân Thuận - IPC có nguồn thu nhập khác tăng đột biến lên 616,48 tỷ đồng, tăng gấp 22,3 lần quý 1. Theo đó, lợi nhuận kế toán trước thuế tăng lên 637,43 tỷ đồng, tăng gấp 15 lần quý 1/2020. Lãi trước thuế đạt 624 tỷ đồng trong quý 2, tăng gấp 16 lần quý trước.
Lãi khủng, nhưng mức thu nhập bình quân của viên chức quản lý cũng chỉ đạt 54 triệu đồng/người/tháng.
Đại gia Võ Trường Thành khắc phục xong hậu quả
Mới đây, nhà sáng lập thương hiệu Gỗ Trường Thành cuối cùng cũng đã khép lại “duyên nợ” với tập đoàn này sau hơn 3 năm, khi khắc phục xong hậu quả do quản lý yếu kém khiến doanh nghiệp thua lỗ nặng nề, âm vốn…
Theo đó, ông Võ Trường Thành và ông Võ Diệp Văn Tuấn (con trai ông Thành) đã hoàn tất việc chuyển giao tài sản theo thỏa thuận khắc phục hậu quả với tập đoàn này.
Phương án được thực hiện là ông Thành và ông Tuấn dùng nhiều tài sản đảm bảo để khắc phục hậu quả như bao gồm 15,4 triệu cổ phiếu TTF và hơn 57 tỷ đồng vốn thực góp tại các doanh nghiệp khác như CTCP Trường Thành, CTCP Chế biến Gỗ Trường Thành, Nông Lâm Nghiệp Trường Thành, Phú Hữu Gia, Trường Thành Xanh...
Vợ và con Chủ tịch Vinasun có động thái lạ
Tuần qua, cổ phiếu VNS của Vinasun biến động phức tạp trong bối cảnh hãng taxi này đang có những thông tin về giao dịch trái chiều liên quan đến gia đình Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Đặng Phước Thành.
Cụ thể, ông Đặng Thành Duy, Phó Tổng Giám đốc Vinasun vừa đăng ký bán toàn bộ 5,4 triệu cổ phần, tương đương 7,97% vốn điều lệ của công ty để giải quyết việc riêng. Nếu giao dịch thành công, ông Đặng Thành Duy sẽ thu về khoảng gần 60 tỷ đồng, đồng thời không còn là cổ đông của công ty. Ông Đặng Thành Duy là con trai ông Đặng Phước Thành.
Một thông tin có liên quan khác là bà Ngô Thị Thuý Vân, vợ ông Đặng Phước Thành lại vừa công bố thông tin đăng ký mua vào hơn 5,4 triệu cổ phiếu VNS để nâng sở hữu từ 16,9 triệu cổ phiếu tương ứng tỉ lệ 24,92% lên 7,17 triệu cổ phiếu tương ứng tỉ lệ 10,56%.
Theo đó, nhiều khả năng đây sẽ là giao dịch chuyển nhượng giữa vợ và con Chủ tịch Vinasun. Tại Vinasun, ông Thành hiện sở hữu hơn 16,9 triệu cổ phiếu VNS, tương đương 24,92% vốn điều lệ và là cổ đông lớn nhất của công ty.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tái cấu trúc nội bộ
Mới đây, ông Phạm Nhật Vượng đã ký quyết định tái cấu trúc nội bộ: chia tách doanh nghiệp đối với công ty con là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (mã chứng khoán là SDI).
Theo quyết định này của ông Vượng, Công ty Sài Đồng chuyển một phần cổ phần của các cổ đông hiện hữu cùng tài sản, quyền và nghĩa vụ tương ứng để thành lập một công ty con có tên là CTCP Kinh doanh Thương mại Sado có vốn điều lệ xấp xỉ 500 tỷ đồng.
Sau chia tách, vốn điều lệ của Công ty Sài Đồng giảm từ 1.200 tỷ đồng xuống còn 700 tỷ đồng và Vingroup sở hữu 98% cổ phần của cả 2 công ty trên.