Xã hội

Hết cuộc đời lênh đênh

NGUYỄN CHUNG 25/02/2024 14:28

Dạo này ông Mười hay đứng lặng lẽ dưới rặng xoan già đã trút hết lá đốt thuốc nhìn vô định về phía dòng sông Chu đang lững lờ trôi về phía biển. Với ông, những ngày tháng trên bờ đã và đang có được như một giấc mơ nửa hư, nửa thực.

thieu-vu-3.jpg
Con em của đồng bào sinh sống trên sông tại làng Lam Vũ đến trường. Ảnh: Nguyễn Chung.

Ông vẫn thầm cầu mong, những bình yên này cứ kéo dài mãi để những thế hệ con cháu tiếp sau của dân làng chài quê ông có thể chấm dứt những cuộc đời lênh đênh, trôi dạt và bước sang một trang mới.

Đoạn tuyệt với dòng sông

Bên bậc thềm căn nhà rộng hơn 100m2, còn thơm mùi sơn mới, ông Nguyễn Văn Mười - trú tại thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) ngồi lặng lẽ hút thuốc lào. Bên cạnh là bà vợ đang luôn tay chuốt những chiếc nan tre màu vàng ngà. Đã hơn 5 tháng nay, chưa đêm nào ông ngủ yên giấc.

Lưng chưa quen với cảm giác bình yên, vững chãi của đất bằng, nó nhớ cái chênh chao của sông nước. Cũng phải thôi! Suốt hơn 60 năm cuộc đời mà ông đã đi qua gắn chặt với con thuyền chật hẹp, với dòng sông lênh đênh, nay đây mai đó, dễ gì ngày một, ngày hai quên được. Với ông, dòng sông như một người bạn tâm giao, hào phóng đã nuôi nấng, chở che cho ông và làng chài này nhưng rồi cũng đến lúc phải nói với nhau những lời đành đoạn.

“Tương lai của đám trẻ không thể cứ gắn mãi với dòng sông đã cạn kiệt sinh kế! Chúng phải được đi học, phải được tự mình trở thành những con người mà chúng mơ ước anh ạ! Với người dân làng chài chúng tôi, được lên bờ an cư thực sự là một giấc mơ có thật, một cuộc đổi đời…”- ông Mười cất lời.

Dân làng chài này và ông Mười không biết ông tổ nghề là ai. Chỉ biết rằng, từ đời ông, đời cha rồi đến đời con cháu, lớn lên đã thấy mình lênh đênh, trôi dạt từ khúc sông này qua khúc sông khác. Con thuyền là nhà. Ở đấy mọi hạnh phúc hay khổ đau đều diễn ra trong lòng khoang tù túng, chật hẹp. Đám trẻ trong làng không cần (hoặc không được) đi học, lên 16 - 17 tuổi, cha mẹ đôi bên ướm với nhau rồi đem trầu cau qua dạm hỏi nên vợ, thành chồng. Người chết được gia đình lặng lẽ đưa lên đắp điếm sơ sài ở một bãi bồi nào đó nơi con thuyền tiện đi qua…

Cứ thế, đời người dân chài như đường chân trời hư ảo, vô định không thấy điểm cuối.

“Dân thuyền chài chúng tôi muốn rời bỏ dòng sông, từ bỏ cuộc sống lênh đênh, tương lai mịt mùng này không ư? - Có chứ! Cuộc sống cùng cực, nhiều lần tôi đã tính dồn tiền mua một mảnh đất, đưa cả gia đình lên bờ nhưng không thể. Có người trong làng chài mua được đất làm nhà nhưng chỉ được ít năm lại phải quay về với dòng sông vì trên bờ không tìm được sinh kế. Đấy, nói như thế để thấy, lên bờ với tôi là một giấc mơ chưa bao giờ có thật”- ông Mười bùi ngùi nhớ lại.

Mùa xuân đầu tiên

Để mặc chồng lần dở lại những kỷ niệm mặn chát giờ đây đã vào quá vãng, bà Hiền - vợ ông Mười đứng dậy xếp đống nan đã được chuốt cẩn thận rồi lấy cây chổi lau sàn, chà đi chà lại những bậc tam cấp, dù chúng đã sáng bóng dưới ánh nắng xế trưa buổi đầu xuân.

Nhìn cái cách bà Hiền tỉ mẩn với cây chổi mới thấy vợ chồng bà thương căn nhà, yêu cuộc sống mới này đến nhường nào. Có lẽ với họ, đây là giấc mơ tươi đẹp nhất vừa trở thành hiện thực mà họ được thấu trải trong cuộc đời mình.

“Tết trên đất liền có vui bằng Tết trên sông nước không ạ?”- tôi cười hỏi ông. “Khác chứ, khác nhiều lắm! Đây là lần đầu tiên gia đình tôi cùng 27 hộ dân của làng chài được đón Noel và Tết Nguyên đán trong một không gian, tâm thế khác. Trước kia, giao thừa cả gia đình quây quần bên ngọn đèn nửa mờ, nửa tỏ trong khoang thuyền chật chội, thắp hương cúng tổ tiên xong rồi tắt đèn đi ngủ, mọi thứ mờ mịt như mặt sông.

Năm nay, sau giao thừa, thanh niên trong làng, ngoài xã tổ chức thành đoàn, rộn ràng đi chúc Tết đến mờ sáng mới về. Sáng mồng 1, chính quyền các cấp tại địa phương đến chúc Tết, mừng tuổi cho người già, trẻ nhỏ. Chưa bao giờ chúng tôi có được cảm giác đùm bọc, chia sẻ của cộng đồng như bây giờ…”- ông Mười xúc động.

Tôi đưa mắt nhìn một vòng quanh gian phòng khách. Mọi thứ còn đơn sơ quá! Nhưng chắc chắn, sang năm mới mọi thứ rồi sẽ khác, sẽ tốt đẹp lên như mong ước của những người dân thuyền chài ở đây. Dẫu để bắt đầu một cuộc sống mới với họ chưa bao giờ là dễ dàng.

Đi cùng tôi, ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa cho hay: Ngay sau khi tỉnh có chủ trương, huyện Thiệu Hóa đã ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án khu tái định cư cho đồng bào sinh sống trên sông tại thôn Lam Đạt (xã Thiệu Vũ) với tổng mức gần 6,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện.

Cùng với nguồn ngân sách Nhà nước, sự hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp, việc xây dựng nhà ở cho 28 hộ dân đã được đồng loạt tiến hành, lễ khởi công được thực hiện ngày 6/4/2023. Sau hơn 3 tháng, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm nay, 28 hộ đã xây dựng xong nhà ở và các công trình phụ trợ, rời thuyền chuyển về sinh sống tại khu tái định cư trong niềm phấn khởi, hân hoan.

“Ngay sau khi bàn giao nhà cho các hộ, địa phương đã yêu cầu các nhà trường tiếp nhận học sinh, tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu học tập, tìm kiếm và hỗ trợ đào tạo, dạy nghề để người dân có việc làm, yên tâm ổn định đời sống. Đồng thời, Đảng ủy xã Thiệu Vũ đã chỉ đạo UBND xã rà soát diện tích đất nông nghiệp, đất thầu ngân sách xã, đất của các hộ nông dân không có nhu cầu sử dụng, ưu tiên giao cho các gia đình có nhu cầu sản xuất nông nghiệp…”- ông Vũ hào hứng.

thieu-vu-2.jpg
Vợ chồng ông Mười hài lòng với cuộc sống mới.

Nghĩa đồng bào

Là người dồn hết tâm huyết của mình cho đề án đưa đồng bào sinh sống trên sông của tỉnh lên bờ an cư, bà Phạm Thị Thanh Thủy - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa cho biết: Qua rà soát cho thấy, toàn tỉnh có 247 hộ dân sinh sống trên sông thì có 183 hộ đủ điều kiện được cấp đất ở, 64 hộ không đủ điều kiện

Sau khi có số liệu thực tế, các địa phương đã chủ động kêu gọi nguồn quỹ hỗ trợ xây dựng nhà, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho người dân sinh sống trên sông với tổng số tiền lên đến gần 4.500 tỷ đồng. Và sau gần 20 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh đã vận động, cấp đất, hỗ trợ xây dựng được 812 căn nhà cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông, trong đó chủ yếu là đồng bào các tôn giáo.

Về giải pháp tổng thể và lâu dài cho bà con, trước hết là cấp đất ở, thứ hai là vận động xây dựng nhà, và sau nữa là tạo sinh kế lâu dài, ổn định cuộc sống cho người dân. Việc cấp đất, hỗ trợ xây nhà mới là bước đầu an cư còn lập nghiệp mới là quan trọng. Vì vậy, việc xây dựng các khu tái định cư cho bà con đều được các địa phương ưu tiên những nơi thuận lợi, tập trung, gần trung tâm; giúp bà con một mặt vẫn được ở gần nhau, giúp đỡ nhau như lâu nay. Nhưng mặt khác hội nhập nhanh với cộng đồng, thuận lợi cho quá trình sản xuất... Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm, giúp bà con ổn định cuộc sống, để chương trình mang tính bền vững, đúng với chủ trương của tỉnh.

“Một cuộc sống hoàn toàn mới đối với người dân bao đời quen với sông nước sẽ không hề dễ dàng. Tuy nhiên, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, đời sống của người dân tại các dự án tái định cư đang dần ổn định. Tôi tin, trong một thời gian không xa, đồng bào sinh sống trên sông được cấp đất sẽ vươn lên bắt kịp với dòng chảy đời sống xã hội hiện nay. Kết quả này là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã; sự góp sức của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”- bà Thủy chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hết cuộc đời lênh đênh