Trong thời gian gần đây, tại các địa phương liên tiếp có việc nhiều cán bộ, công chức không đủ tuổi tái cử nhiệm kỳ tới xin nghỉ hưu trước tuổi. Trong bối cảnh ngân sách hiện nay đang khó khăn do dịch Covid-19 thì việc giải quyết chế độ chính sách cho những cán bộ này là vấn đề cần được tính toán. Vậy có nên “động viên” những cán bộ này nghỉ hưu trước tuổi, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ?
Báo cáo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An cho thấy, tính đến cuối tháng 6, có 243 cán bộ huyện và xã ở Nghệ An không đủ tuổi tái cử nhiệm kỳ tới nên xin nghỉ hưu trước tuổi và hưởng hỗ trợ theo chính sách theo quy định, trong đó cấp huyện có 27 người. Ngoài ra, có 33 cán bộ cấp huyện và xã nghỉ việc chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu. Các trường hợp nghỉ việc sẽ được hỗ trợ theo Nghị định 26/2015, mức hỗ trợ với cán bộ huyện từ gần 100 đến 300 triệu đồng.
Trong khi đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình cho biết, tỉnh cũng có hơn 200 cán bộ xin nghỉ vì không đủ tuổi tái cử. Cụ thể, ở cấp tỉnh có 12 cán bộ không đủ tuổi tái cử sẽ nghỉ trước tuổi hoặc nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu. Ở cấp huyện có 16 cán bộ, trong đó nghỉ trước tuổi là 11 cán bộ, nghỉ công tác chờ đủ tuổi là 5 cán bộ. Cấp xã tổng cộng có 214 cán bộ, nghỉ trước tuổi là 203, nghỉ công tác chờ đủ tuổi là 11. Còn tại Đà Nẵng đến nay đã có 20 cán bộ, lãnh đạo của tỉnh xin nghỉ việc trước tuổi.
Thực tế, việc không đủ tuổi tái cử nhiệm kỳ tới nên xin nghỉ hưu trước tuổi được thực hiện theo Nghị định 26 quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội. Trước đây, Nhà nước đã động viên cán bộ, công chức không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm nghỉ hưu trước tuổi nhưng lại rất ít người xin nghỉ, mà tiếp tục ở lại
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, hiện nay, nhiều người tình nguyện xin nghỉ thì Nhà nước ủng hộ và rất hoan nghênh. Việc này cũng là chủ trương sắp xếp trước đại hội để chuẩn bị các phương án nhân sự cho khóa mới thuận tiện hơn. Nhân cơ hội này, các địa phương thực hiện chính sách đối với những trường hợp nghỉ trước tuổi hưu 1, 2 năm.
“Nhiều người họ nghĩ còn 1, 2 năm ở lại cũng khó cho đơn vị, cho cơ quan sắp xếp bố trí nhân sự. Vì vậy họ nghỉ trước để tạo điều kiện cho cơ quan sắp xếp thuận lợi hơn và bản thân người nghỉ cũng được giải quyết chế độ chính sách. Họ cân nhắc giữa cái chung cái riêng đúng theo quy định thì nên ủng hộ”, ông Tân cho hay.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, việc cán bộ xin nghỉ hưu vì không đủ tuổi tái cử có cái hay là sẵn sàng giao trách nhiệm cho thế hệ trẻ hơn. Tuy nhiên mặt khác có bất lợi khi qua thực tế thời gian qua cho thấy, một số nơi lớp trẻ lên “dính” ngay sai phạm như: Nghiêm Xuân Anh; Lê Phước Hoài Bảo...
“Kinh nghiệm của một số đồng chí lãnh đạo trước đây cho thấy, nhường chỗ cho thế hệ trẻ nhưng ở lại giúp đỡ cho thế hệ trẻ vững vàng, khi vững vàng thì mới nghỉ. Đó là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ lại thay vì xin nghỉ sớm để “nhận một cục” theo chế độ chính sách", ông Nguyễn Túc nói.
Theo quy định, đối với những cán bộ xin nghỉ trước tuổi thì Nhà nước phải giải quyết chế độ chính sách cho nên ngân sách phải chi một khoản khá lớn trong lúc bối cảnh ngân sách đang gặp khó khăn do dịch Covid-19, từ đó theo ông Túc, ngân sách Nhà nước đang khó khăn nên nếu một lúc chi ra một loạt để giải quyết chế độ chính sách cho họ sẽ khiến ngân sách càng khó khăn hơn. Vì vậy, thay vì nghỉ, nếu ở lại tạo điều kiện giúp đỡ để anh em trưởng thành vững vàng sau đó nghỉ sẽ hợp lý hơn.
“Là một người cộng sản, hết mình vì thế hệ trẻ thì cố gắng ở lại để rèn giũa để lớp trẻ vững vàng", ông Túc cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, có 3 trường hợp không đủ tuổi tái cử xin nghỉ sớm là: nghỉ chờ hưu; nghỉ trước tuổi; và nghỉ chờ phân công. Do đó có thể “động viên” để họ về trước tuổi theo chế độ chính sách.
“Việc giải quyết chế độ chính sách là việc phải làm vì vừa qua trước đại hội, cộng với việc sáp nhập thôn, xã nên thời gian công tác còn 1-2 năm nên nhiều cán bộ xin nghỉ luôn”, ông Dĩnh cho hay.
Ông Dĩnh cũng cho rằng, hiện nay, chúng ta không có chế độ cố vấn, chuyên gia cao cấp chỉ có ở cấp Trung ương, còn cấp bộ, ngành và địa phương không có chế độ cố vấn, chuyên gia cao cấp. Ngay ở cấp Trung ương, làm chuyên gia cũng rất khó vì người đương chức phải chịu trách nhiệm nên có thể có ý kiến của anh họ nghe, có ý kiến họ không nghe. Lúc trước làm lãnh đạo có quyền quyết nhưng giờ làm chuyên gia góp ý khi họ không nghe lại thấy không thoải mái. Cho nên để tận dụng chất xám, trí tuệ của đội ngũ này, khi có vấn đề thì có thể tổ chức hội thảo, hoặc mời họ đến để xin ý kiến góp ý.