Các nhà khoa học thuộc Đại học Temple và Trung tâm y khoa Nebraska (Mỹ) vừa công bố kết quả nghiên cứu có thể loại bỏ hoàn toàn virus HIV trong cơ thể sống của 9 con chuột trong phòng thí nghiệm. Kết quả nghiên cứu này đã mang lại hi vọng có thể chữa khỏi HIV trên cơ thể người trong tương lai.
Thống kê cho thấy, tại Mỹ hiện đang có khoảng 1,1 triệu người nhiễm virus HIV. Những người nhiễm virus HIV chuyển sang giai đoạn AIDS chỉ có thời gian sống trung bình chỉ còn lại khoảng 3 năm.
Được biết, các bệnh nhân nhiễm virus HIV đã và đang được điều rị bằng liệu pháp kháng virus (antiretroviral theraphy - ART). Các bệnh nhân sẽ phải tuân thủ điều trị liệu pháp kháng virus này đến hết đời. Liệu pháp kháng virus (ART) có thể áp chế khả năng HIV nhân lên nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn virus HIV ra khỏi cơ thể. Nếu bệnh nhân ngừng dùng thuốc, virus HIV sẽ hồi phục vì virus này có khả năng tích hợp chuỗi ADN của nó vào bộ gen của các tế bào hệ miễn dịch. Bởi virus HIV trong cơ thể người sẽ ngủ đông và nằm ngoài tầm với của thuốc kháng virus.
Như vậy, thông qua kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, những người nhiễm virus HIV hoàn toàn có thể hi vọng chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh thế kỷ gây ra nỗi ám ảnh cho nhiều người.
Thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, dịch HIV/AIDS có xu hướng giảm. Tuy nhiên, số người nhiễm HIV đang ở mức báo động.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2,5 triệu xét nghiệm HIV được tiến hành tại các cơ sở y tế, trong đó phát hiện khoảng 10.000 ca mắc mới. Đáng chú ý, phần lớn các trường hợp nhiễm HIV đều là nam giới, chiếm tới 70% trường hợp nhiễm HIV ở Việt Nam. Người nhiễm HIV từ 30-50 tuổi chiếm 80% các trường hợp nhiễm HIV. Điều đáng nói là hiện nay vẫn còn nhiều người chưa biết mình nhiễm HIV.
Để chủ động phòng, chống HIV, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, những đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV là nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ và bạn tình âm tính của những người sống chung với HIV nên được điều trị phơi nhiễm, đồng thời, thực hiện các can thiệp truyền thống như sử dụng bao cao su.
Đối với những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao cần được tham gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, BV Nhiệt đới trung ương cho biết, phơi nhiễm HIV/AIDS là tình trạng người không có HIV/AIDS tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch tiết cơ thể của người nghi có HIV/AIDS. Trên thực tế có rất nhiều tình huống có thể coi là phơi nhiễm HIV như sử dụng chung bơm kim tiêm, dâm phải kim tiêm, bị thương bới các vật sắc nhọn… Trong trường hợp tiếp xúc trực tiếp với máu hay dịch tiết của người nhiễm HIV/AIDS thì cần rửa sạch vết thương bằng xà phòng, sử dụng thuốc sát trùng và đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được dự phòng phơi nhiễm HIV/AIDS.
Mặc dù đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng, chống HIV nhưng với sự phát triển của y học hiện đại cùng các phương pháp điều trị, nghiên cứu mới của các nhà khoa học, người nhiễm HIV có thể sống khoẻ mạnh lâu dài và hoàn toàn có thể hi vọng chữa khỏi HIV trong tương lai.