Hiểm họa không dừng trên đồng ruộng

Hữu Nguyên 22/04/2016 14:10

Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (TBVTV) trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đang ngày càng trở nên phổ biến. Hậu quả là các sản phẩm nông nghiệp cũng đang ngày càng có nguy cơ mất an toàn, độc hại cho người tiêu dùng. Chưa kể bản thân người nông dân trực tiếp sử dụng TBVTV cũng bị nhiễm độc, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Việc lạm dụng TBVTV gây tác hại lâu dài cho sự phát triển của giống nòi, cho tài nguyên quốc gia và đang thực sự là những hiểm họa khó lường.

Hiểm họa không dừng trên đồng ruộng

Ảnh minh họa.

Các phân tích cho thấy, từ năm 1985 tới nay, lượng TBVTV được sử dụng tăng lên gấp 10 lần so với tốc độ gia tăng diện tích trồng trọt. Tuy nhiên, điều đáng nói là nhận thức về việc sử dụng TBVTV của nông dân cũng như trách nhiệm quản lý chuyên ngành của giới hữu trách thì ngày càng giảm sút nếu lấy thước đo là sử dụng TBVTV hướng tới mục tiêu an toàn, hiệu quả cho sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Tình trạng loạn kinh doanh TBVTV hiện được nhiều chuyên gia cho là đáng báo động ở mức nghiêm trọng. Phần lớn TBVTV được nhập khẩu, một số ít cơ sở sản xuất TBVTV trong nước cũng phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Hầu hết trong số đó nhập khẩu từ Trung Quốc. Năm 2015, cả nước nhập khẩu 2,3 triệu tấn phân bón và 376 triệu USD thuốc trừ sâu và nguyên liệu từ Trung Quốc.

Thị trường Trung Quốc chiếm 1/2 tổng giá trị nhập khẩu 2 mặt hàng này. Chưa kể với rất nhiều con đường nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có cả những con đường “tiểu ngạch”, nhập lậu nên rất khó kiểm soát. Nhiều danh mục TBVTV bị cấm sử dụng và nhập khẩu đã được nhà chức trách ban hành nhưng đều vô hiệu trong thực tế.

Với mạng lưới phân phối, bán lẻ TBVTV như “thiên la địa võng” tới tận thôn ấp, buôn làng vùng cao nguyên, miền núi xa xôi hiểm trở thiếu vắng cơ chế giám sát, kiểm tra, người nông dân hầu như không còn sự trợ giúp nào trong việc thẩm định chất lượng, hiệu quả của TBVTV. Họ chỉ được tư vấn bởi chính những người bán hàng và chỉ bằng kinh nghiệm thực tiễn của cá nhân nên thật khó có khả năng đánh giá chính xác những TBVTV mà họ hàng ngày vẫn đang sử dụng và lạm dụng chúng một cách đáng kinh ngạc.

Số liệu thống kê cho thấy trong vòng 3 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu chính thức trên 100.000 tấn TBVTV bao gồm cả nguyên liệu lẫn thành phẩm. Con số này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới người nông dân mà còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng với người tiêu dùng. Một khi ngành chức năng không thể kiểm soát hết chất lượng của các loại TBVTV này, quy trình phân phối, sử dụng và tồn dư của chúng trên chính các sản phẩm nông nghiệp được tiêu dùng hàng ngày trong xã hội.

Người nông dân do áp lực của thị trường và lợi nhuận của bản thân đã không ngần ngại gia tăng việc sử dụng TBVTV một cách vô tội vạ. Theo cơ quan chức năng, hiện có tới khoảng 80% lượng TBVTV được sử dụng sai mục đích, không cần thiết và gây nhiễm độc môi trường. Vì lợi nhuận, người bán thuốc thường tư vấn để bán được nhiều thuốc, dẫn tới tình trạng sử dụng quá mức, pha trộn nhiều loại thuốc, kể cả nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc, lạm dụng tới mức nguy hiểm.

TBVTV là những hợp chất hóa học, là loại thuốc độc dùng để tiêu diệt những loài sâu bệnh, sinh vật có hại với cây trồng. Môi trường mà TBVTV lan truyền ra ngoài thường là môi trường mở, ở những cánh đồng hay vườn rau quả nên vì thế nó dễ dàng xâm nhập vào môi trường khác như nước, đất, không khí…

TBVTV thường rất khó phân hủy, nó có thể tồn tại hàng chục năm trong lòng đất và ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Đã có những làng ung thư xuất hiện mà nguyên nhân là do nguồn nước nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu từ kho lưu trữ thuốc sâu đã lâu năm.

Lạm dụng TBVTV tạo ra nhiều nguy cơ về sức khỏe, môi trường và thiệt hại kinh tế cho người nông dân, cho xã hội và tài nguyên quốc gia là chuyện quá rõ. Tuy nhiên, ít người biết rằng việc lạm dụng phân bón hóa học cũng gây tác hại không kém. Để nâng cao năng suất cây trồng, nông dân theo thói quen, tập quán đã tăng lượng phân bón gấp 2-3 lần, thậm chí là 5-7 lần so với nhu cầu, dẫn đến dư thừa lượng nitrat trong rau củ quả.Trong khi đó, kết quả điều tra của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc cho thấy, cây trồng chỉ hấp thụ khoảng 40-50% số phân bón, còn lại bị rửa trôi hoặc tồn tại trên các bộ phận của cây.

Theo các nhà khoa học, do tập quán lãng phí và bừa bãi trong việc sử dụng đạm hóa chất khiến dư thừa nitrat và khi vượt ngưỡng nó sẽ biến thành nitrat gây nguy hại cho con người. Nitrat là một trong bốn yếu tố khiến rau không an toàn, cùng với kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật và vi sinh vật. Khi lượng chất này vượt quá ngưỡng an toàn thì chúng được xem như độc chất, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng, gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Lạm dụng TBVTV, phân bón hóa học hiện đang là một thực tế nhức nhối ở nước ta, tác hại trước mắt và lâu dài của nó thì đã quá rõ, sau rất nhiều phân tích, cảnh báo của các chuyên gia. Song làm thế nào có thể ngăn chặn thực trạng đáng buồn này lại đang là điều làm cho nhà chức trách lúng túng. Dù biết rằng không dễ từ bỏ thói quen lạm dụng TBVTV của người nông dân nhưng cũng không phải vì thế mà người tiêu dùng phải chấp nhận kéo dài tình trạng đó và cả xã hội phải gánh chịu các hiểm họa lâu dài, ngày càng thêm khó lường của nó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiểm họa không dừng trên đồng ruộng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO