Theo thống kê, hiện nay TP. HCM có khoảng 17.000 căn nhà tạm ven sông, phần lớn là xây dựng trái phép đang tồn tại, chủ yếu nằm ở các địa điểm Kênh Tẻ (quận 7), kênh Thị Nghè, kênh Tham Lương-Bến Cát, rạch Bàu Trâu, kênh Ông Búp…gây mất an toàn giao thông đường thủy, ảnh hưởng cảnh quan đô thị và tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiểm họa tai nạn cho chính những chủ nhân của hàng ngàn căn nhà đó, nhất là khi mùa mưa bão đang về.
Hàng trăm căn nhà ô chuột gây mất mỹ quan đô thị
Ảnh Ứng Hòa
Nhiều mối lo
Với đặc điểm tự nhiên là hàng trăm cây số sông ngòi, kênh rạch đan xen nhau, từ nhiều năm qua, tình trạng xây lấn, cơi nới nhà ở trái phép ven mặt nước tại khu vực TP. Hồ Chí Minh luôn diễn biến hết sức phức tạp.
Tại ven bờ Kênh Tẻ nằm cả ở phía quận 4 và quận 7, theo quan sát của chúng tôi, hàng trăm căn nhà tôn, vách tôn được xây cất tạm bợ, lụp xụp nằm liền kề nhau, ngay ven và trên mặt nước, kéo dài hàng cây số. Được biết, hầu hết các căn nhà này đều được xây dựng theo hình thức đóng cọc bằng gỗ tràm xuống mặt nước sau đó dùng các vật liệu thô sơ khác như tôn để che chắn, lợp và dùng gỗ tràm làm cầu, đi lại. Mặc dù tạm bợ và bấp bênh nhưng thực tế, hầu hết những người dân sinh sống ven sông đều đã lâu, có người sống cả mấy chục năm trong những căn nhà như vậy. Theo một cán bộ ở phường Tân Kiểng (quận 7), hầu hết những căn nhà tạm ven kênh được hình thành cách đây khoảng 20-30 năm. Theo đó, khoảng những năm 1980-1990, một số người dân dựng chòi, nhà ven kênh sinh sống, buôn bán. Dần dà, thêm những người khác, rồi con cái sinh ra cũng dựng kế tiếp. Cứ thế, chỉ hơn chục năm sau, hàng trăm căn nhà xây dựng trên hành lang bảo vệ mặt nước đã ra đời bất chấp sự ngăn cấp từ chính quyền địa phương vì hầu hết đều cơi nới, làm dần dần, lén lút nên rất khó kiểm soát.
Lần theo những nếp gỗ bấp bênh, chúng tôi vào nhà ông Bảy, một hộ dân nhiều năm sinh sống trên mặt Kênh Tẻ này. Do cuộc sống khó khăn, gia đình ông làm nhà tạm ở đây để đỡ mất tiền thuê nhà. Thời gian trước, chính quyền địa phương tới vận động di dời, sẽ đền bù khoảng gần 200 triệu đồng và hỗ trợ giấy tờ để gia đình ông mua căn chung cư bên Nhà Bè giá 650 triệu đồng. Mặc dù ở nhà chung cư chắc chắn, to đẹp hơn nhưng thú thực, gia đình ông không biết kiếm ở đâu để bù vào số tiền hụt trên nên đành nấn ná đến giờ. Ngoài ra, ông Bảy cũng cho biết thêm, do tất cả các căn nhà ở đây đều nằm trong diện giải tỏa nên không ai được phép xây dựng hay sửa chữa gì thêm. “Mùa mưa đến rồi mà cả tường, vách và mái nhà tôi đều hở, dột xối xả khi mưa to nhưng cũng không được sửa vì chính quyền không cho phép. Thế nên đành ở tạm chứ chưa biết tương lai sẽ ra sao”, người đàn ông hơn 50 tuổi làm nghề bán vé số quê gốc ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) buồn bã cho biết.
Ngoài nguy cơ về mưa bão, gió lốc thì việc sinh sống trong những căn nhà tạm bợ như vậy còn tiềm ẩn vô số mối lo khác, như cháy nổ hay đặc biệt là về ô nhiễm môi trường. Do các hộ dân sinh sống ở đây đa phần là người nghèo nên tất cả nước thải sinh hoạt, vệ sinh đều xả thẳng xuống mặt nước, gây lên tình trạng ô nhiễm rác thải nặng nề trong khu vực này. Mùa khô, khi mực nước ở các kênh này cạn kiệt, ô nhiễm môi trường càng khủng khiếp hơn nữa.
Khó di dời
Những hệ lụy về nhà ở ven mặt nước đã được thành phố phát hiện từ sớm nhưng có rất nhiều nguyên nhân khiến vấn đề giải tỏa, di dời phục vụ công tác chỉnh trang, cải tạo bờ sông vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Theo đó, mặc dù là nhà ở trái phép, thậm chí ngay cả đất ở cũng trái phép nhưng việc di dời là rất khó, vẫn phải chi tiền để thỏa thuận đền bù, giải phóng mặt bằng vì người dân sinh sống đã lâu.
Theo một cán bộ của Ban giải phóng mặt bằng quận 7 thì hầu hết các chỉ tiêu về việc di dời nhà ở ven sông đều không đạt được đúng thời hạn. Theo quy hoạch thì từ nay tới năm 2020, TP.Hồ Chí Minh phải di dời khoảng 12.000 căn nhà vi phạm hành lang mặt nước nhưng thực tế, mỗi năm chỉ di dời được khoảng 800 căn, chưa kể nhiều căn nhà khác được cơi nới, mọc thêm ra. Vấn đề nan giải nhất ở đây chính là tiền vốn đền bù vì hầu hết các căn nhà này ở khu vực trung tâm, nhưng lại thuộc diện trái phép, mức khung đền bù hầu như không được người dân chấp thuận. Tất cả các trường hợp chịu di dời đều là do thỏa thuận, do sự vận động của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, để vận động hết hàng chục ngàn hộ là việc làm không khả thi.
Có thể nói, việc cải tạo cảnh quan ven các sông ngòi kênh rạch trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện nay là một bài toán khó không chỉ cần nguồn vốn mà cần có sự chung tay giúp sức của nhiều ban ngành liên quan. Nó không chỉ giúp cải tạo bộ mặt thành phố mà còn góp phần phát triển, đặc biệt là du lịch và giao thông đường thủy.