Dọc tuyến kênh De thuộc địa phận xã Hải Lộc, sông Lạch Trường, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc và sông Bạng thuộc phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đang tồn tại một số cầu cảng, bến tàu tự phát; khiến dòng chảy của các tuyến giao thông đường thủy nội địa bị cản trở và tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn.
Tồn tại trái phép
Tại xã Hải Lộc (huyện Hậu Lộc), mặc dù đang là mùa mưa bão thế nhưng dọc tuyến kênh De dài gần 1km đoạn qua địa phận xã đang tồn tại 2 cầu cảng tự phát, với hàng chục tàu thuyền neo đậu, ra vào bốc dỡ thủy hải sản. Mỗi ngày 2 cầu cảng trái phép nói trên đón nhận khoảng gần 100 tàu thuyền vào neo trú.
Với nhiều các chính sách ưu đãi, tàu thuyền địa phương gần nhà nên những cầu cảng này đã thu hút số lượng lớn tàu thuyền tại chỗ thuộc các xã Hải Lộc, Ngư Lộc, Minh Lộc. Việc đậu đỗ không đúng quy định cũng gây ách tắc về đường thủy. Trước thực trạng này, đã nhiều lần cơ quan chức năng làm việc nhưng không thể xử lý.
Tại cầu cảng xã Hải Lộc do ông Trương Văn Huê quản lý, lúc này tàu thuyền đang neo đậu tại đây khoảng 10 chiếc. Cầu cảng được xây dựng bằng bê tông, với các trụ giằng tàu, thuyền lấn ra giữa dòng kênh De. Bên cạnh đó, hộ này còn tiến hành san lấp, xây dựng nhà cửa ngay tại hành lang thoát lũ của sông.
Cách đó không xa là cầu cảng tự phát của hộ ông Lương Tiến Lực. Cầu cảng này ngoài việc neo đậu tàu thuyền, bốc dỡ hải sản, còn thu hút lượng lớn tàu thuyền về đây sửa chữa. Xưởng sửa chữa tàu của ông Lực cũng đang tồn tại trên hành lang thoát lũ kênh De. Để đối phó với lực lượng chức năng, một số hộ còn chế ra những cầu cảng di động, chỉ hoạt động khi có tàu thuyền về neo đậu, bốc dỡ hàng hóa. Đây là những cầu cảng được đầu tư sơ sài, không đảm bảo điều kiện, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Tại cửa sông Lạch Trường, xã Hòa Lộc, chỉ trong quãng chiều dài chưa đến 1km chạy dọc đê sông Lạch Trường từ thôn Hòa Phú đến thôn Hòa Hải đã có tới 4 cầu tàu tự phát khác cũng đang hoạt động tấp nập. Hầu hết số cầu tàu này đã hoạt động được gần 10 năm nay nhưng không bị cơ quan chức năng xử lý.
Còn tại dọc sông Bạng qua địa phận các phường Hải Bình, Hải Thanh cũng đang tồn tại nhiều bến tàu tự phát hoạt động nhiều năm qua nhưng không bị xử lý. Trong đó, bến tự phát tại tổ dân phố Liên Hưng, phường Hải Bình thu hút tới 40 tàu thuyền của phường Hải Bình, Hải Hòa về neo đậu, bốc dỡ thủy sản.
Tìm hiểu từ các chủ cầu cảng được biết, mỗi tàu thuyền về đây neo đậu, bốc dỡ hàng hóa thì hàng tháng phải đóng khoản phí là 300 nghìn đồng/tàu, thuyền cho chủ cảng.
Ông Lê Văn Hùng, một người dân trú tại xã Hòa Lộc cho biết: Thời điểm này các tàu đang đánh bắt ngoài khơi nên số lượng neo đậu tại đây ít. Khi các tàu vươn khơi trở về, hoạt động bốc dỡ, mua bán diễn ra nhộn nhịp chẳng kém so với cảng cá Hòa Lộc.
“Với chi phí neo đậu thấp, gần nhà, không bị kiểm tra, kiểm soát hoặc xuất trình bất cứ giấy tờ liên quan nên các cầu cảng này đã thu hút hàng trăm tàu thuyền từ các xã lân cận về đây cập bến. Thực trạng này không chỉ gây ách tắc, thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông của tàu thuyền ra vào tránh trú bão, mà còn vi phạm nghiêm trọng trong hành lang bảo vệ đê điều” - ông Hùng bức xúc nói.
Không thể xử lý triệt để?
Trao đổi với chúng tôi về các bến tàu tự phát đang tồn tại trên địa bàn, ông Trần Văn Sơn - Chủ tịch UBND phường Hải Bình (thị xã Nghi Sơn) cho biết: Các bến neo đậu tàu thuyền tự phát hình thành, tồn tại gắn với hoạt động của chợ cá tại đây. Để thuận tiện cho việc bốc dỡ, mua bán thủy sản sau đánh bắt thay vì vào cảng phải đóng các chi phí dịch vụ thì các tàu này về đây tập kết. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với lực lượng biên phòng tăng cường kiểm soát, yêu cầu các tàu vào cảng cá Lạch Bạng neo đậu, bốc dỡ thủy sản theo quy định.
Cũng nói về các bến tàu, cầu tàu tự phát đang hoạt động trên địa bàn xã, ông Lê Doãn Huân - Chủ tịch UBND xã Hải Lộc cho biết: Những cầu cảng, bến tự phát trên địa bàn đã nhiều lần được UBND xã thực hiện tuyên truyền, ra quân xử lý, dẹp bỏ nhưng chưa triệt để. “Năm 2022, địa phương huy động lực lượng thực hiện tháo dỡ được 13 cầu cảng bằng gỗ tự phát. Hiện còn một số cầu cảng được đổ bê tông kiên cố, để xử lý cần sự hỗ trợ từ các cấp, ngành chức năng” - ông Huân thông tin.
Có thể thấy, thực trạng các cầu cảng, bến tự phát hình thành, tồn tại là do công tác quản lý lỏng lẻo của các địa phương; tình trạng bồi lắng nghiêm trọng tại các khu vực âu thuyền dẫn tới việc chưa đáp ứng yêu cầu cho tàu cá ra vào bốc dỡ hàng hóa.
Để đảm bảo cho hoạt động ra vào của tàu thuyền mùa mưa bão và tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc thủy sản, thực hiện kiểm soát nhật ký khai thác đánh bắt của tàu cá, chính quyền các địa phương cần sớm có những giải pháp xử lý triệt để các cầu cảng, bến tàu tự phát.