Mới đây, cảnh sát Anh đã bắt giữ 31 đối tượng tình nghi lạm dụng trẻ em qua mạng; thu giữ hơn 300 điện thoại, máy tính xách tay cùng nhiều vật dụng khác.
Theo Sở Cảnh sát London, chiến dịch kéo dài 1 tuần, từ ngày 28/9 đến 3/10. Cảnh sát thuộc một đơn vị đặc nhiệm chống khai thác và lạm dụng trẻ em qua mạng, với quân số khoảng 200 người, đã thực hiện 91 lệnh khám xét trên khắp thủ đô London. Chiến dịch này được cho là đã bảo vệ được 100 trẻ em khỏi các đối tượng xấu.
Thông tin từ Sở Cảnh sát London cho biết thêm, họ đang “tung người” điều tra hàng chục nghìn vụ lạm dụng trẻ em, khai thác hình ảnh trẻ em trong điện thoại đi động, máy tính bảng và máy tính xách tay.
Bà Helen Flanagan -Thanh tra cấp cao của Đội phòng chống tội phạm đặc biệt London cho biết chiến dịch này nhằm thể hiện “cam kết của cảnh sát London trong việc bảo đảm an toàn cho người dân, đưa những đối tượng phạm tội khai thác và lạm dụng trẻ em ra trước công lý”.
Lâu nay, việc “tấn công trẻ em” trên mạng thực sự là một vấn nạn, nó bùng phát dữ dội kể từ khi đại dịch Covid-19 lan tràn, khi mà trường học ở nhiều quốc gia đóng cửa, trẻ em phải học online nên kẻ xấu tăng cường dụ dỗ.
Tại nước Mỹ, số tin báo phản ánh tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em qua mạng trực tuyến đã tăng đột biến. Trung tâm Quốc gia về trẻ em mất tích và bị lạm dụng (Mỹ), trong 1 thángđã tiếp nhận 4,1 triệu tin báo qua mạng trực tuyến, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước, trung bình khoảng 2 triệu vụ/tháng. Theo John Shehan, người đứng đầu đơn vị bảo vệ trẻ em bị lạm dụng của Trung tâm thì hiện họ đã “quá tải” và không còn biết tình hình sẽ đi đến đâu.
Tương tự, đơn vị chống tội phạm trẻ em của Phòng Cảnh sát thành phố Los Angeles cũng cho biết họ đã phải dồn lực lượng để xử lý tin trình báo nhưng kết quả không mấy khả quan.
Còn với FBI (Cục Điều tra liên bang), rủi ro trẻ em bị lạm dụng qua mạng trực tuyến tăng cao khi trường học đóng cửa do Covid-19 do các em sử dụng máy tính nhiều hơn trong khi các bậc cha mẹ lại “thiếu thời gian” quan tâm đến vấn đề này.
Với châu Âu, tình trạng này cũng có xu hướng tăng, nhất là trong thời gian thực hiện lệnh phong tỏa chống đại dịch Covid-19.
Alicia Kozakiewicz - chuyên gia về an toàn trên internet và người hoạt động vì quyền trẻ em, cho biết đây là chuyện đáng buồn nhưng “không ngoài dự đoán” do các em hiện phụ thuộc quá nhiều vào mạng internet mà thiếu đi các kênh giao tiếp khác.
Vẫn vị chuyên gia này cho biết, ngoài mạng xã hội phổ biến như Facebook và Instagram, kẻ xấu thường rình rập trên trang web trò chuyện trực tuyến không phổ biến và các nền tảng trò chơi điện tử. Ban đầu, các cuộc trò chuyện có nội dung trong sáng rồi dần mang sắc thái gợi dục. Sau đó, chúng chia sẻ hình ảnh và video nhạy cảm có sẵn rồi dụ dỗ các em đăng tải nội dung mới. Với những em trót gửi một lần, kẻ xấu thường dùng chính ảnh hoặc video đã nhận để cưỡng ép gửi thêm. Không dừng ở đó, việc làm quen qua mạng trực tuyến còn là phương thức kẻ xấu chăn dắt trẻ em để có thể gặp mặt và xâm hại trực tiếp.
Tại châu Á, trẻ em Thái Lan cũng bị kẻ xấu dụ dỗ tham gia vào các hoạt động tình dục trực tuyến. Theo Reuters, chỉ trong vòng 2 tháng, lực lượng đặc nhiệm chống tội phạm về trẻ em tại Thái Lan (TICAC) đã giải cứu hơn 100 trẻ em. Con số cao gần gấp đôi so với 53 nạn nhân được giải cứu vào năm 2019.
TICAC cho biết, họ từng nhận được báo cáo về lạm dụng tình dục trực tuyến đối với nạn nhân mới chỉ 8 tuổi. Theo cảnh sát, loại tội phạm này đang nhắm vào những cậu bé tuổi teen từ các gia đình giàu có, dụ dỗ họ đóng giả làm con gái trước khi thuyết phục những thiếu niên này tự quay lại cảnh thủ dâm.
“Nhiều kẻ đã lợi dụng tình huống để liên lạc, vẽ nên hình ảnh đẹp đẽ của bản thân rồi dụ dỗ trẻ em tham gia các hoạt động tình dục” - Samleang Seila - Giám đốc tổ chức từ thiện bảo vệ trẻ em Action Pour Le Enfants (APLE) nói và cho rằng thay vì chờ đợi dấu hiệu trẻ em bị hại, bố mẹ cần chủ động kiểm tra lịch sử duyệt web của con, đồng thời cần nói chuyện về những vấn đề như con đang trò chuyện với ai trên mạng, quen nhau như thế nào... Vì rằng nếu người lớn chủ động thì trẻ em sẽ mạnh dạn lên tiếng.